Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 06:43 GMT+7

Vì sao tình trạng buôn lậu ở biên giới Đồng Tháp gia tăng?

Biên phòng - Ở dọc tuyến biên giới tỉnh Đồng Tháp với Cam-pu-chia có 4 xã, gồm: Thường Phước 1, Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự), Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng) và Tân Hội (thị xã Hồng Ngự) được xem là những điểm nóng về tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại. Hàng lậu qua đây chủ yếu là đường, thuốc lá, gỗ xẻ... trong đó, thuốc lá là mặt hàng được vận chuyển nhiều nhất.

061n_6a-1.JPG
Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Cầu Muống bắt giữ các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu.
 
Vì sao buôn lậu gia tăng?

Có mặt tại điểm nóng ở xã Thường Thới Hậu B, chúng tôi được các đồng chí thuộc lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại trao đổi về những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, "vấn nạn" lớn nhất chính là việc những người dân ở ấp 1, làm "con mắt sau" rồi báo động cho đầu nậu đối phó với lực lượng chống buôn lậu, ngay khi bắt đầu tiến hành truy bắt.

Đại tá Võ Văn Ao, Chính ủy BĐBP Đồng Tháp, cho biết: "Hiện nay, người dân ở khu vực biên giới đa phần không có công ăn việc làm ổn định, không có đất nông nghiệp canh tác nên họ chỉ biết qua biên giới sang Cam-pu-chia làm thuê với những công việc tạm bợ. Khi bên đó hết công việc, họ trở lại ấp, rồi quay sang mua bán, vận chuyển hàng lậu. Cho nên vấn nạn buôn lậu ở các xã biên giới thuộc tỉnh Đồng Tháp đến nay vẫn chưa có hồi kết".

Tiếp chúng tôi tại chốt kiểm soát 24/24 giờ trên sông Sở Thượng, thuộc ấp 1, xã Thường Thới Hậu B, Thiếu tá Trần Văn Nguyên, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm trật tự an toàn xã hội, Công an huyện Hồng Ngự, cho hay: "Thực hiện quyết định của UBND tỉnh, có 3 lực lượng phối hợp kiểm soát ở biên giới gồm Công an, Hải quan và Biên phòng. Mặc dù chúng tôi đã lập chốt chặn 24/24 giờ, nhưng các đối tượng vẫn lợi dụng lúc sơ hở, để đưa thuốc lá lậu vào nội địa tiêu thụ. Chúng thường chọn thời điểm đêm khuya mới cho phương tiện di chuyển. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng phối hợp (từ tháng 8 đến tháng 10-2014), lực lượng liên ngành đã bắt 16 vụ/6 đối tượng vận chuyển thuốc lá, đường và gỗ lậu, trị giá hơn 100 triệu đồng".

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, khi bị lực lượng chức năng trấn áp mạnh, các đối tượng buôn lậu thường sử dụng các thủ đoạn tinh vi hơn để tìm hiểu thông tin. Cách phổ biến mà các tay đầu nậu vẫn sử dụng là cho những bà bán nước ở ấp I cải trang thành người đi đánh cá làm "chim lợn" quan sát tình hình, theo dõi các hoạt động của cơ quan chức năng để mật báo cho chúng.

Đặc biệt, vì bị chặn nguồn kiếm tiền dễ dàng và bất hợp pháp, động chạm đến kế sinh nhai nên khi bị bắt quả tang, các đối tượng thường rất liều lĩnh, manh động, bên cạnh đó, chúng còn được một số người dân ở bên sông "hỗ trợ", vì thế cuộc chiến chống buôn lậu gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm. Điển hình, cuối tháng 10-2013, các đối tượng gồm Trần Thanh Sơn (SN 1980), ngụ tại thị xã Hồng Ngự; Đinh Ngọc Sơn (SN 1981) và Nguyễn Văn Phương (SN 1989), ngụ tại ấp 1, xã Thường Thới Hậu B, dùng gậy tre, mái chèo tấn công, làm cho Trung úy Lại Văn Quý, Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm, ma túy, Đồn BP Cầu Muống bị gãy cánh tay phải, giám định thương tật 14%.

Khó chấm dứt nạn buôn lậu

Theo quan sát của chúng tôi, cách nhau khoảng 100m đường sông, bên kia là đất Cam-pu-chia, những đầu nậu đã đầu tư xây dựng các kho chứa hàng lớn, kiên cố. Bên kho hàng lậu luôn có nhiều thuyền cao tốc có thể một lúc vận chuyển khối lượng lớn thuốc lá lậu vào nước ta với tốc độ chóng mặt. Khi thuyền cao tốc cập bờ bên này, hàng chục thuyền vận chuyển đã chờ sẵn và nhanh chóng "biến mất" cùng với số hàng lậu chỉ trong vòng vài phút.

Những khoản siêu lợi nhuận bất chính do buôn lậu, đã lôi kéo một số lượng lớn người dân tham gia, trong đó, điển hình như ở ấp 1, xã Thường Thới Hậu B, có tới gần 90% hộ dân tham gia vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu. Theo lý giải của đại diện cơ quan chức năng, người dân ở biên giới phần đông không có công ăn việc làm ổn định, không có ruộng đất để canh tác. Một số hộ dân chủ động đi làm thuê ở các tỉnh, thành khác, số còn lại sang Cam-pu-chia làm mướn, móc nối với các tư thương bên đó, rồi tìm cách liên hệ với nhiều đầu mối tiêu thụ hàng lậu trong nước, để kiếm lợi bất chính.

Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Minh Tri, Đồn trưởng Đồn BP Cầu Muống cho biết: "Lực lượng chống buôn lậu của đơn vị rất mỏng. Chúng tôi đã phối hợp với lực lượng Công an huyện Hồng Ngự, Hải quan đấu tranh rất mạnh, nhưng đó là công việc rất khó khăn. Ngoài ra, do trang thiết bị phục vụ cho đấu tranh chống buôn lậu của cán bộ, chiến sĩ quá thô sơ, cũ kỹ, không được cấp mới hoặc có nhưng với số lượng hạn chế; hầu hết các trang bị, vật dụng như đèn pin, chi phí xăng xe, anh em đều phải tự túc... đây là những khó khăn cho chúng tôi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ".

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy BĐBP Đồng Tháp, tính đến tháng 10-2014, các đồn BP trong tỉnh đã bắt 141 vụ/7 đối tượng vận chuyển hàng lậu qua biên giới, thu giữ 78.340 gói thuốc lá ngoại, 47 bao đường (khoảng 2.350kg), tạm giữ 2 xe máy; 0,3m3 gỗ, tổng giá trị gần 1 tỷ đồng.

Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao các cơ quan chức năng đã dùng mọi biện pháp để ngăn chặn, nhưng nạn buôn lậu ở biên giới Đồng Tháp vẫn không có chiều hướng suy giảm. "Theo đề xuất của chúng tôi, muốn chặn đứng tình trạng buôn lậu ở khu vực biên giới, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, cùng các ban, ngành. Nên tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân trên biên giới, khi họ có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, chắc chắn nạn buôn lậu sẽ dần dần được ngăn chặn" - Đại tá Võ Văn Ao cho biết thêm.
Long Vũ

Bình luận

ZALO