Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:18 GMT+7

Vì sao tàu cá hay bị lửa thiêu rụi?

Biên phòng - Thời gian gần đây, hàng loạt tàu cá của ngư dân bị lửa thiêu rụi không rõ nguyên nhân khiến cho nhiều người hoang mang, lo lắng. Thực tế cho thấy, nhiều tàu cá đã gắn thiết bị phát điện lớn đến mức đủ xài cho cả thôn trăm hộ dân, nhưng kiến thức về điện của ngư dân còn quá sơ sài và khâu đăng kiểm cũng chưa được chú trọng, đây là điều đáng lo ngại.

flye_16a
Ngư dân Nguyễn Văn Quang lo lắng đi cắt các nguồn điện, vì đã có nhiều tàu cháy trong lúc neo nghỉ. Ảnh: Lê Văn Chương

Đề tàu là thủ phạm số 1

Khi bạn nhấn đề xe máy thì thường sẽ nhả nút đề trong khoảng 2 giây, khi máy xe đã khởi động. Nhưng nếu bạn cứ giữ mãi nút đề cho bình đề hoạt động đến khi ắc quy hết điện thì điều gì sẽ xảy ra? Trong trường hợp bình đề được kết nối với bình ắc quy có điện thế 200 ampe, bình đề sẽ xì khói và nếu gặp vật liệu dễ bốc cháy thì sẽ xảy ra hỏa hoạn! Đó là lời giải thích của anh Nguyễn Quốc Phong, một thợ điện chuyên về kỹ thuật điện máy tàu cá tại cửa biển Sa Kỳ. Anh Phong có cửa hàng sửa chữa điện tại xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi và đã có thâm niên 30 năm làm nghề điện tàu cá.

Hàng loạt vụ tàu cá ngư dân bị bốc cháy trong những ngày cuối năm 2017 và đầu năm 2018, trong đó có tàu QNg 48846 TS của ngư dân Lê Hồng Hải ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đang nằm trên ụ sửa chữa, nhưng bất ngờ phát hỏa vào lúc nửa đêm 30-12 rồi cháy lan sang 3 tàu cá khác, gây thiệt hại rất nghiêm trọng. Anh Phong cho biết, hầu hết các tàu này bốc cháy đều có nguyên nhân từ bình đề chậm tua 960. Nếu bình đề không cắt nguồn, chuột cắn dây hoặc do nhiều nguyên nhân khác gây chập mạch thì bình đề sẽ khởi động và chạy mãi cho đến khi bốc cháy.

Dưới nền tiệm sửa điện của anh Phong có khoảng 100 chiếc bình đề nằm la liệt và đều trong tình trạng cũ nát. Đó là các bình đề được tháo ra từ các máy Yanmar, Cumin, Mitsubishi và phần lớn đều có tuổi thọ lên “lão”. Anh Phong lắc đầu ngao ngán phân tích: “Mình nói thì ngư dân không tin, chủ quan. Mỗi năm, ngư dân nên tháo bình đề mang tới lau chùi, tiền công chỉ hơn 100 ngàn. Nhưng mà bà con cứ để chạy mãi tới 3 năm, 7 năm gì đó cho tới khi không chạy được nữa thì mới thôi. Vậy là nó hết than, bị chập, dễ cháy dưới hầm tàu”.

Hiện nay, do nhu cầu sử dụng điện năng lên đến vài chục ngàn oát trên mỗi tàu để phát sáng hệ thống bóng đèn lên đến 1.000 oát/bóng đèn, vì vậy, nhiều tàu cá lắp đặt song song đến 3 máy phát điện, có khi máy điện còn to hơn cả máy tàu và choáng hết cả không gian dưới hầm. Mỗi máy phát điện kèm theo một bình đề, cộng với máy chính, quy ra mỗi tàu khoảng 4 bình đề. Anh Hào, một thợ chuyên sửa điện tàu ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Bình đề nằm cạnh bồn dầu mấy trăm lít, nên khi chủ tàu về nhà ăn cơm thì ngoài bến thuyền chập điện, đề nổ là cháy luôn cả tàu”.

Nhà máy điện... gỗ

Trên chiếc tàu QNg 90917 TS neo tại cửa biển Sa Cần, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, ngư dân Nguyễn Văn Quang mò xuống khoang tàu tối om và chật chội để kiểm tra hệ thống điện tàu bằng chiếc đèn pin nhỏ. Nỗi lo cháy nổ tàu khiến anh và nhiều ngư dân ở cửa biển Sa Cần luôn phập phồng, ăn ngủ không ngon. Trước đó mấy ngày, tàu cá QNg 95409 TS của ngư dân Nguyễn Thùy chứa trên tàu 10 ngàn lít dầu, 700 cây đá và giàn lưới vây trị giá 1 tỷ đồng chuẩn bị xuất bến thì tàu phát hỏa khiến ngư dân trở tay không kịp. Ngọn lửa đã thiêu rụi toàn bộ con tàu và tài sản trị giá hơn 2,5 tỷ đồng.

Hai chiếc bình ắc quy 200 ampe đặt dưới hầm tàu nồng nặc mùi dầu mỡ, cách đó không xa là phi chứa nhiên liệu. Anh Quang cho biết: “Lo vậy chứ đôi khi cũng đành bó tay trước lũ chuột, chúng thường sinh sôi nảy nở khắp trên các tàu cá. Khi chuột cắn dây điện thì gây chập mạch và thực tế dưới hầm tàu chật chội, dây điện chằng chịt rất khó có thể phát hiện sớm được các dây điện bị chập mạch”.

xkbc_16b
Bình đề ma rơ cũ nát là nguyên nhân dễ gây ra cháy tàu. Ảnh: Lê Văn Chương

Qua khảo sát hàng chục chiếc tàu cá của ngư dân các tỉnh Bình Định, Quảng Nam cho thấy, hầm tàu cá hiện nay đều quá tải. Dưới hầm đặt một máy chính thì diện tích vẫn còn khá rộng. Nhưng do nhu cầu sử dụng điện trên các tàu lưới rút, câu cá ngừ đại dương, lưới vây... quá lớn nên ngư dân phải lắp đặt động cơ để kéo bình dynamo phát điện. Có tàu đặt đến 2 máy Hino, 1 máy Doosan. Hầm tàu trở thành một nhà máy điện thực sự, nhưng nhà máy điện này lại nằm trong một khối gỗ, bên cạnh thùng chứa vài chục ngàn lít dầu.

Anh Vũ Ngọc Anh, thợ sửa điện tàu cho biết, mỗi tàu lắp máy công suất rất lớn thì mới có thể kéo các bình phát điện dynamo có công suất đủ phát sáng 40-50-70 bóng đèn pha có công suất 1.000 oát/bóng. Đối với tàu cá làm nghề mành chụp thì ngư dân phải gắn giàn điện cực sáng để thu hút cá. Tổng cộng có khoảng 250 bóng đèn được phát sáng một lúc, điện thế từ 220 - 380 vôn. Tại một số tàu đánh lưới rút, toàn bộ hệ thống tăng phô cao áp metal/mecury 1.000 oát được gắn thẳng dưới sàn tàu. Các ngư dân cho biết, khi tàu hoạt động suốt đêm thì tăng phô nóng đến mức phải canh chừng để làm nguội.

101 nguy cơ

“101 nguy cơ” cháy tàu là nhận định của rất nhiều thợ điện tàu cá. Anh Vũ Ngọc Anh cho biết: “Dây điện tàu thì rối tung rối mù, cái này gá cái kia, không biết đâu mà mò nên rất dễ bị chập cháy tàu”. Tại một số tàu làm nghề lưới vây, ngư dân mang theo máy phát điện nhỏ chạy bằng xăng để hỗ trợ đèn pha thu hút cá. Nhưng can xăng 20 lít lại được ngư dân đút dưới gầm của bếp gas nấu ăn, nhìn thấy đã phát hoảng.

Đối với tàu cá có nhiều thiết bị hoạt động thì bắt buộc phải có bảng táp-lô gắn tại bàn lái của thuyền trưởng để nắm được tình trạng hoạt động của các bộ phận dưới hầm tàu, thông qua hệ thống đèn cảnh báo. Anh Vinh, một thợ máy ở Quảng Ngãi lo lắng nói: “Hiện nay, nhiều tàu cá không có bảng táp-lô nên thuyền trưởng cứ u u minh minh, không biết máy móc ra sao cả. Khi hệ thống điện sạc cho bình ác quy 24 vôn bị hỏng IC, ngư dân cũng không phát hiện được, điện thế lên đến 35-40 vôn nên phát nổ gây nguy hiểm cho cả tàu”.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO