Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:26 GMT+7

Vì sao Mỹ rút khỏi Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc?

Biên phòng - Ngày 19-6, Mỹ đã quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ). Động thái trên được cho là nhằm ủng hộ đồng minh Israel trong bối cảnh Nhà nước Do Thái đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích do bắn vào người biểu tình Palestine ở Dải Gaza gần đây.

r7gtdamefk-864_122cb7db-ed68-30d0-d31d-e8fa7638503a@yahoo.com_anh_bai_chinh
Đại sứ Nikki Haley phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19-6. Ảnh: Reuters

Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley, là người đã thông báo quyết định trên. Nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng, quyết định này được đưa ra trước thực tế là không một quốc gia nào "có can đảm để ủng hộ các cuộc đấu tranh" do Mỹ khởi xướng nhằm cải cách tổ chức. Bà Nikki Haley cũng nêu rõ, việc Mỹ quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ không có nghĩa là nước này rút lui khỏi các cam kết đối với nhân quyền.

Một ngày sau đó, Đại sứ Nikki Haley đã gửi công hàm gửi tới các tổ chức phi chính phủ, trong đó tố cáo các tổ chức nhân quyền này cản trở những nỗ lực của Mỹ nhằm hối thúc cải tổ Hội đồng Nhân quyền LHQ và gián tiếp khiến Washington quyết định rút khỏi cơ quan này. Bà Nikki Haley phàn nàn rằng, các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò "thiếu xây dựng" khi từ chối ủng hộ những nỗ lực của Mỹ nhằm đưa Israel ra khỏi chương trình nghị sự của Hội đồng Nhân quyền Israel là nhà nước duy nhất "chiếm riêng" một đề mục (gọi là đề mục 7) trong chương trình nghị sự này, theo đó cách hành xử của Israel tại những vùng đất Palestine bị chiếm đóng là chủ đề được thảo luận tại các phiên họp thường niên của tổ chức này. 

Mỹ đã từ chối tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ khi cơ quan này được thành lập vào năm 2006 để thay thế cho Ủy ban Nhân quyền LHQ ngừng hoạt động trong cùng năm. Tới năm 2009, nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Barack Obama đã gia nhập hội đồng này. Hồi giữa năm 2017, bà Nikki Haley cũng đã kêu gọi cải cách Hội đồng Nhân quyền LHQ. 

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền vào đầu năm 2017, Mỹ đã rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), cắt giảm tài trợ cho nhiều cơ quan LHQ, và nhất là công bố kế hoạch rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân với Iran vốn được LHQ ủng hộ.

Việc Mỹ rút khỏi cả hai tổ chức của LHQ một lần nữa cho thấy sự ủng hộ tuyệt đối của nước Mỹ đối với người bạn Trung Đông “đặc biệt” của mình. Vì bạn, song quyết định mới của Mỹ cũng được giới phân tích cho là vì mục đích có lợi cho bản thân nước Mỹ, khi nó được đưa ra đúng thời điểm chính quyền Tổng thống Donald Trump là mục tiêu của những chỉ trích gay gắt từ các tổ chức nhân quyền vì chia cắt gần 2.000 trẻ em khỏi cha mẹ tại khu vực biên giới với Mexico trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn vấn đề nhập cư bất hợp pháp.

Trong tuyên bố ngay sau khi Mỹ thông báo quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ, người phát ngôn LHQ ông Stephane Dujarric cho biết: "Tổng thư ký LHQ rất muốn Mỹ tiếp tục ở lại trong Hội đồng Nhân quyền. Kết cấu của cơ quan này đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới". 

Trong khi đó, ngày 20-6, Đức cũng bày tỏ lấy làm tiếc khi Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ. Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết, Hội đồng Nhân quyền LHQ là một tổ chức quan trọng của cộng đồng quốc tế về vấn đề nhân quyền. Với tư cách là nước đồng sáng lập, Đức đánh giá cao vai trò cực kỳ quan trọng của Hội đồng Nhân quyền LHQ, đồng thời tin rằng tổ chức này cũng cần được tăng cường bằng việc cải cách từ bên trong. Theo người phát ngôn Chính phủ Đức, Berlin tin tưởng rằng Mỹ sẽ vẫn tiếp tục chia sẻ những giá trị dân chủ phương Tây ngay cả sau khi nước này rời khỏi cơ quan nhân quyền của LHQ.

Kim Oanh

Bình luận

ZALO