Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 03:26 GMT+7

Vì một cuộc sống an toàn

Biên phòng - Đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã thực sự đi vào cuộc sống và tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân về ý thức chấp hành pháp luật.

Theo các chuyên gia pháp luật, hiếm có đạo luật nào lại sớm đi vào cuộc sống với sự hưởng ứng, đồng thuận lớn trong xã hội chỉ sau chưa đầy 3 tháng có hiệu lực.

Không thể phủ nhận việc tăng mạnh chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn so với trước kia, được xem là liều thuốc để trị căn bệnh “nhờn luật” và ngăn chặn các hệ quả tiêu cực của tình trạng lạm dụng rượu, bia đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cá nhân người uống và cộng đồng, cũng như là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT).

Qua ghi nhận thực tế, trước đây, khi chưa có Luật và Nghị định nói trên, việc uống rượu, bia gần như không có sự kiểm soát. Nhiều cuộc nhậu thường kéo dài lê thê với sự chúc tụng, kỳ kèo, thậm chí là khích bác nhau hơn thua chỉ một vài chén rượu, cốc bia. Tuy nhiên, từ khi các qui định của pháp luật được các cấp, các ngành, các lực lượng triển khai thực hiện quyết liệt thì tình trạng lạm dụng rượu, bia đã giảm hẳn. Điều chúng ta thấy rõ đó là thói quen sử dụng bia rượu thường xuyên sau rất nhiều năm giờ đã thay đổi hoàn toàn. Thời gian của những cuộc nhậu được rút ngắn lại, những người uống rượu, bia đã tự ý thức được bản thân, uống có chừng mực để không quá chén và luôn ý thức “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đơn vị, gia đình có tiệc đã không còn bày bia, rượu. Thay vì chúc tụng nhau bằng rượu, nhiều buổi liên hoan, tổng kết đã được thay bằng nước lọc, nước ngọt. Hoặc nếu có rượu, bia thì khách tham dự cũng tự ý thức bản thân không sử dụng và điều đó được rất nhiều người ủng hộ.

Minh chứng rõ nhất là dịp Tết Nguyên đán 2020 vừa qua, mức tiêu thụ của nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia giảm rất mạnh chỉ bằng 30% so với những năm trước.

Hiệu quả tích cực từ phòng chống tác hại của rượu, bia còn thể hiện rõ ở tình trạng TNGT giảm hẳn. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, 2 tháng đầu năm, TNGT giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2019: số vụ (giảm 16,09%), số người chết (giảm 17,04%), số người bị thương (giảm 17,7%).
Đối với toàn quân, hình thức kỷ luật đối với quân nhân uống rượu, bia trong giờ làm việc, khi đang thực hiện nhiệm vụ hoặc say rượu, bia đã được áp dụng cách đây 3 năm tại Thông tư 192/2016/TT-BQP, ngày 26-12-2016 của Bộ Quốc phòng “Quy định về áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng”.

Tuy nhiên, với việc chính thức luật hóa qui định “nghiêm cấm uống rượu bia trước và trong giờ làm việc, nghỉ giữa giờ làm việc” cùng 13 hành vi khác bị nghiêm cấm trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, từ ngày 1-1-2020, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm còn phải chấp hành những hình thức kỷ luật nghiêm khắc của Quân đội, Công an.
Theo đó, ngoài những chế tài xử phạt theo luật định, quân nhân vi phạm luật sẽ bị kỷ luật với các hình thức từ khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, hạ bậc lương đến giáng cấp bậc quân hàm.

Thời gian qua, toàn lực lượng lực lượng BĐBP đã quán triệt, chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP về cấm uống rượu, bia. Từ đó, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ được nâng cao, tạo chuyển biến cơ bản, vững chắc về chấp hành kỷ luật, pháp luật, bảo đảm an toàn trong lực lượng BĐBP, góp phần xây dựng BĐBP vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cụ thể nhất là Bộ Tư lệnh BĐBP ra chỉ thị nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ, người lao động trong toàn lực lượng uống rượu, bia hoặc các loại đồ uống khác có nồng độ cồn ngay trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, kể cả khi tổ chức hội nghị, tiếp khách và triển khai Cuộc vận động “Đã uống rượu bia - Không lái xe” sâu rộng trong toàn lực lượng, gắn với phong trào thi đua Quyết thắng hằng năm.

Các đơn vị còn xác định công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia và bảo đảm trật tự an toàn giao thông là một nội dung lãnh đạo, nhiệm vụ chính trị thường xuyên. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh, kiên quyết xử lý những cá nhân vi phạm với phương châm “kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm”.

Rõ ràng, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đang ngày càng phát huy huy tính tích cực. Không chỉ là những biến chuyển đơn thuần về số liệu, quan trọng hơn là nhiều mỗi công dân đã dần hình thành hành vi chuẩn mực khi sử dụng bia rượu, tạo nếp sống đẹp, văn minh hơn, an toàn hơn cho cuộc sống của chúng ta.

Thanh Thảo

 

 

Bình luận

ZALO