Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 11/09/2024 11:11 GMT+7

Vì cuộc sống tươi màu trên những vùng biên cương

Biên phòng - Hình ảnh tươi đẹp của những vùng đất biên cương xuất hiện ngày càng nhiều trong nghệ thuật thơ, ca, nhạc, họa và các tác phẩm nhiếp ảnh, phim, video. Ngoài vẻ hoang sơ của núi, của biển vốn có, vùng biên cương còn có sự tạo tác, dụng công của phụ nữ. Họ là chủ nhân của những mái ấm, của ruộng đồng, hằng ngày tô điểm cho cuộc sống đẹp tươi những sắc màu.

Phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận với truyền thông đại chúng, tạo ra cuộc sống văn minh, tiến bộ (ảnh truyền thông của chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”).

Đến nay, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã trải qua 4 năm thực hiện, với sự phối hợp của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP. Mục tiêu của chương trình là nâng cao mức sống của phụ nữ sinh sống trên mọi miền biên cương của Tổ quốc. Có thể nói, chương trình đã tác động lên toàn bộ đời sống, diện mạo của vùng biên, để phụ nữ từng bước vươn lên làm chủ cuộc sống. Trong sự đổi thay tích cực đến từ những mô hình phát triển kinh tế, mô hình tương thân tương ái, nâng cao kiến thức, giáo dục, đào tạo cho phụ nữ vùng biên giới... như phụ nữ làm vườn, trồng rau hữu cơ oganic, nấu ăn ngon, nội trợ giỏi; phong trào xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”: không đói nghèo, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bất bình đẳng giới, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ em suy dinh dưỡng; sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp.

Đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa người lính quân hàm xanh và các cấp hội phụ nữ cũng được phát huy cao nhất. Những tháng ngày thực hiện nhiệm vụ trên chốt phòng chống Covid-19, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng thường xuyên nhận được sự quan tâm, chia sẻ, động viên của phụ nữ địa phương. Họ xúc động nói, dường như hình ảnh các chị, các mẹ đã từng là hậu phương ấm áp, tin cậy, bao bọc thương yêu những người lính Bộ đội Cụ Hồ qua những cuộc kháng chiến trường kỳ vẫn còn đây. Đại diện các mẹ, các chị gói bánh chưng, nấu các suất ăn nóng hổi, đủ dinh dưỡng để mang đến chốt tặng bộ đội. Động lực và sức mạnh của cả cán bộ, chiến sĩ BĐBP và phụ nữ địa phương cũng được nâng lên, cùng nhau giữ vững thành trì chống dịch, phát triển kinh tế, xã hội vùng biên cương.

Chị Lài Thị Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Ninh đã thực sự đồng hành với chúng tôi trên con đường tìm đến hạnh phúc. Có những lúc, chúng tôi phối hợp cùng đi thăm các hội viên phụ nữ. Thấy đường làng, ngõ xóm được dọn dẹp phong quang sạch sẽ, vườn tược xanh tươi, hương lúa đầu mùa phả vào trong gió, chúng tôi đều chung niềm tự hào về vẻ đẹp vùng biên cương, trong đó có bàn tay đóng góp của phụ nữ. Đến nhà các chị nghèo khó, sức khỏe yếu, neo đơn, các anh BĐBP động viên, gần gũi, chia sẻ; trực tiếp hỗ trợ phụ nữ những món tiền để mua con giống, cây giống. Những hành động đó khiến chị em phụ nữ cơ sở chúng tôi thêm phần tin cậy và càng quyết tâm hơn trong xây dựng đời sống, xây dựng gia đình phát triển”.

Chị Lài Thị Hiền cho biết thêm, vào đầu năm 2020, Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Chính ủy BĐBP Quảng Ninh còn tặng cho chị Ái Việt, thôn Nhội, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên 6 thùng sơn để chị cùng các chị em khác vẽ những bức họa đầy màu sắc, dựng lên làng bích họa làm đẹp thôn xóm, để Đông Hải trở thành địa danh du lịch. Câu lạc bộ vẽ tranh nghệ thuật của Đông Hải cũng ra đời từ đó, thu hút rất nhiều phụ nữ, thanh niên tham gia. Xu hướng trồng hoa, vẽ tranh cổ động ở nơi công cộng trở thành phong trào lan rộng. Thôn, xóm từ đó nhuộm đầy màu sắc tươi tắn, tinh thần của bà con cũng tươi vui hơn. Từ làng này, phong trào lan sang làng khác, vì vậy, đi đến đâu cũng thấy làng xóm đẹp, vùng biên đẹp khiến người dân thêm yêu làng, yêu khu dân cư mình ở, gắn bó lâu dài để xây dựng biên cương giàu đẹp.

Tiếp xúc với nhiều phụ nữ trên các vùng biên cương, biển đảo, chúng tôi còn nhận thấy phụ nữ chính là bộ phận dân cư của làng, thôn, bản năng động nhất, mạnh dạn nhất trong phong trào khởi nghiệp, làm kinh tế. Phần lớn các khu homestay, các nông trại, nhà hàng, dịch vụ ăn uống, khu vui chơi hiện nay đều do phụ nữ làm chủ. Phụ nữ dân tộc thiểu số biết dệt vải thổ cẩm, biết bí quyết ẩm thực dân tộc, các bài thuốc dân gian để mở ra các dịch vụ tắm lá thuốc tăng cường sức khỏe, cung cấp sản phẩm lưu niệm thổ cẩm xinh xắn, hữu dụng, giới thiệu món ăn ngon, phong tục đẹp của dân tộc thiểu số.

Trong các cơ sở lưu trú du lịch, phụ nữ chính là người đứng bếp, nấu các món ăn ngon, tạo nên các khu vườn đẹp, hình thành nên lối sống xanh, tạo ra thực phẩm hữu cơ, không chứa chất độc hại và cũng là người khởi xướng các trào lưu sống đẹp, sống khỏe. Họ nắm bắt khoa học kỹ thuật, để nông thôn, miền núi gần lại với thành thị, cập nhật các xu hướng mới, giải trừ những hủ tục lạc hậu để cuộc sống văn minh, hiện đại có thể hiện diện trong mỗi bản làng.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được thực hiện giai đoạn mới từ tháng 10-2021. Theo đó, mục tiêu tổng quát của chương trình là thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngoài ra, đáng chú ý, có các mục tiêu khác như khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung cả nước, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển, phát triển toàn diện giáo dục, y tế, văn hóa, cải thiện đời sống nhân dân.

Phụ nữ tiếp tục là đối tượng đặc biệt của các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt, không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn nâng lên một bước cao hơn là cải thiện đời sống tinh thần, sức cảm thụ văn hóa, tạo ra môi trường sống văn minh, tiến bộ.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO