Biên phòng - Từ năm 1949, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã không quản ngại gian khổ, hiểm nguy sát cánh cùng các lực lượng của cách mạng Lào xây dựng cơ sở chính trị, phát triển lực lượng vũ trang và trực tiếp chiến đấu mở rộng vùng giải phóng, bảo vệ thành quả cách mạng Lào. Nhiều năm đã trôi qua, nhưng kỷ niệm công tác, chiến đấu tại Lào chưa khi nào phai nhạt trong ký ức những người lính quân tình nguyện năm xưa.
Nhớ lại những ngày công tác, chiến đấu cùng nhân dân và lực lượng vũ trang Lào, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, cựu quân tình nguyện giúp cách mạng Lào chia sẻ: “Điều cốt tủy đọng lại trong tôi là lòng thủy chung, son sắt của các bạn Lào. Trải qua mấy chục năm, trong điều kiện có nhiều đổi thay trong phát triển, nhưng tình nghĩa giữa những người cùng chung chiến hào năm xưa vẫn nguyên vẹn đong đầy. Các buổi gặp gỡ tiếp xúc giữa ta và bạn toát lên một điều thống nhất là: Liên minh chiến đấu Việt - Lào là một tất yếu lịch sử khách quan có tính quy luật. Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt - Lào là tài sản tinh thần vô giá của hai dân tộc, hai quân đội. Điều hệ trọng này phải được mãi mãi trân trọng, giữ gìn, lưu truyền, tiếp nối trong các thế hệ mai sau”.
Ông Đẩu nhập ngũ năm 1964, được điều về Tiểu đoàn 929 - một trong 3 Tiểu đoàn Biên phòng thuộc Quân khu 4 đóng ở biên giới 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Từ đầu những năm 1960, Tiểu đoàn 929 được điều động sang Lào làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng của bạn và hành lang tuyến vận tải chiến lược Bắc - Nam.
“Từ tháng 1-1965 đến tháng 5-1966, đơn vị tôi đã phối hợp với các đơn vị của bạn hoạt động chiến đấu ở tỉnh Sa Vẳn Na Khệt. Đơn vị đã đánh một số trận ở Đồng Mót, phòng ngự ở Sê Con Cam và tấn công quân địch ở đồn Huội Mua, phía Tây Mường Phìn. Cùng với nhiệm vụ chiến đấu, Tiểu đoàn 929 còn tham gia xây dựng cơ sở của bạn trên địa bàn hoạt động” - ông Đẩu nhớ lại.
Tháng 2-1971, đơn vị của ông Đẩu - lúc này phiên hiệu là Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 được cấp trên điều ra tham gia Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Ông kể: “Trong chiến dịch này, với cương vị Chính trị viên Đại đội Đặc công của Trung đoàn 3, tôi đã cùng anh em chiến đấu một số trận lớn nhỏ, tiêu diệt địch, bắt tù binh, thu vũ khí. Trong đó, tiêu biểu là trận chúng tôi phối hợp với một số đơn vị tập kích giành thắng lợi lớn tại cao điểm 550, đập tan căn cứ Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến ngụy”.
Sau này, trên cương vị Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, ông Đẩu được cử sang công tác ở Lào nhiều lần để khảo sát, giải quyết các vấn đề về chính sách sau chiến tranh. Ông Đẩu cho biết, được sự giúp đỡ của nhân dân và bộ đội Lào, các đơn vị thuộc Quân khu 2, Quân khu 4 và Quân khu 5 đã cất bốc, quy tập được hơn 35.000 hài cốt liệt sĩ Việt Nam.
Nhiều năm đã trôi qua, nhưng Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Minh Giám vẫn còn nhớ nguyên vẹn ký ức chiến đấu ác liệt tại chiến trường Lào năm 1972. Ông Giám khi đó thuộc đơn vị đặc công Đại đội 24, Trung đoàn 866, tham gia quân tình nguyện Việt Nam tại Mặt trận cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Đơn vị của ông nhận nhiệm vụ luồn sâu, đánh cao điểm 1433 nằm trong thánh địa Long Chẹng-Xiêng Khoảng của Vàng Pao, một tay sai của Mỹ. Ông Giám còn nhớ: “Đây là dãy núi đá cao, có vách đứng hiểm trở, lối lên duy nhất là vệt mòn rất bé vòng vo qua 6 nhịp cầu thang bện bằng dây mới tới tam giác tiền tiêu. Tất cả các khoảng trống đều được địch cài dày đặc lựu đạn, mìn... Cứ 10 phút, địch lại ném 2 trái lựu đạn để cầm canh và thị uy”.
Ông Giám kể: “Khi chỉ còn chướng ngại vật cuối cùng là chạm tới thánh địa, địch điên cuồng trút đạn và chất nổ, tập trung mọi hỏa lực xung quanh bắn tới nhằm hủy diệt từng gốc cây, ngọn cỏ. 2 đồng đội bị kẹt lại thang 4, 2 người khác hy sinh lúc mới chạm tới trung tâm, chỉ còn lại mình tôi. Với quyết tâm phải thực hiện bằng được nhiệm vụ, tôi lao vào chiếm lĩnh trung tâm, dùng thủ pháo, chất nổ tiêu diệt nhanh chóng các mục tiêu. Máu tràn ra kín mặt, tôi biết mình dính thương, nhưng mục tiêu còn đó, phải xóa hết cả những họng hỏa lực đang chớp kia. Hết đạn, tôi dùng vũ khí của địch để đánh địch. Khi những chớp nổ thưa dần, thì những tín hiệu của cán bộ, chiến sĩ trên khắp mặt trận đã thực hiện đúng và rất tốt mệnh lệnh hợp đồng binh chủng của Bộ Tư lệnh”. Ông Giám bảo rằng, những hoài niệm này chưa bao giờ vơi trong ông.
Ông vui mừng vì vùng đất Xiêng Khoảng đang chuyển mình trong đời sống hòa bình.
Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Phó Trưởng ban liên lạc toàn quốc quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào vẫn nhớ rõ những dấu mốc lịch sử giúp bạn Lào. Ông cho biết, từ năm 1949, trên địa bàn Quân khu 4, nhiều tiểu đoàn lần lượt ra đời, vượt Trường Sơn sang sát cách cùng các lực lượng vũ trang bạn, vừa vận động nhân dân đứng lên chống thực dân Pháp, vừa phối hợp chiến đấu ngày một hiệu quả.
Chiến cuộc Đông Xuân (1953-1954) với trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ nổ ra, trong đó, chiến trường Trung Hạ Lào là chiến trường phối hợp thứ 2 với chủ lực là Sư đoàn 325 cùng với các tiểu đoàn Ít-xa-la và các tiểu đoàn tình nguyện Việt Nam đã tiêu diệt hàng ngàn lính Âu Phi, giam chân 14 tiểu đoàn Lê dương, bảo đảm cho chiến trường chính Điện Biên Phủ giành thắng lợi, đồng thời đã mở ra một vùng giải phóng rộng lớn từ Khăm Muộn đến Át Tô Pơ.
Sau Hiệp định Genève, thực dân Pháp tiếp tục mở các cuộc càn quét ra vùng căn cứ. Một lần nữa, Quân khu 4 vừa chuẩn bị đối phó với kế hoạch “Bắc tiến” của Ngô Đình Diệm, vừa đưa lực lượng sang cùng đơn vị bạn bảo vệ vùng căn cứ cách mạng trên hướng Khăm Muộn, Bô Ly Khăm Xay và Sa Vẳn Na Khệt, nhất là dọc đường 9 và mở hành lang chi viện cho chiến trường miền Nam. Sự phối hợp chiến đấu của cả 2 lực lượng với những chiến thắng trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào và khu vực Xiêng Khoảng - Hủa Phăn đã có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Lào, đồng thời cũng tác động mạnh mẽ đến cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường miền Nam.
Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, lực lượng Quân khu 4 không chỉ phối hợp với bạn đánh địch, mà còn giúp bạn xây dựng cơ sở cách mạng, phát triển kinh tế cũng như ổn định an ninh trật tự.
Thu Hằng