Biên phòng - Vườn quốc gia Vũ Quang là nơi gắn với hào khí của nghĩa quân Phan Đình Phùng đứng lên đánh giặc, cứu nước. Tròn 170 năm Ngày sinh của Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng (1847-2017), tôi có dịp ngược lên đại ngàn Vũ Quang, ghé thăm khu căn cứ của khởi nghĩa Hương Khê gắn với phong trào Cần Vương lẫy lừng một thuở.
Khu căn cứ địa của nghĩa quân Phan Đình Phùng nằm cách trung tâm thị trấn Vũ Quang và đường mòn Hồ Chí Minh khoảng 25km theo tuyến tỉnh lộ 5 hướng về phía biên giới Việt Nam - Lào. Nếu như trước đây có thể chạy xe dọc theo những cánh rừng nguyên sinh vào “đồn tiền tiêu” của căn cứ thì sau khi Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang được triển khai xây dựng, chỉ còn con đường độc đạo di chuyển bằng thuyền, sau đó tăng - bo bằng xe máy đi sâu vào bên trong.
Phan Đình Phùng sinh năm 1947, quê ở làng Đông Thái, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1876, ông đậu cử nhân. Một năm sau, ông đậu Đình nguyên Tiến sĩ, được bổ làm Tri huyện Yên Khánh (Ninh Bình), sau đó được đổi về Kinh đô Huế, giữ chức Ngự sử Đô sát viện. Cụ Phan nổi tiếng về tính cương trực và khẳng khái. Năm 1883, khi thấy Tôn Thất Thuyết phế Dục Đức, lập vua Hiệp Hoà, cụ đứng lên phản đối và bị Tôn Thất Thuyết đuổi về quê. Năm 1885, hưởng ứng Chiếu Cần Vương, Phan Đình Phùng đã đứng ra chiêu tập quân sĩ chống Pháp, xây dựng căn cứ tại vùng núi rừng Hương Sơn, Hương Khê (thuộc huyện Vũ Quang ngày nay).
Từ bến đò, tăng bo bằng xe máy tầm 20km qua những con đường đèo dốc khúc khuỷu sẽ đến “đồn tiền tiêu” - nơi đặt nhà bia tưởng niệm Phan Đình Phùng và nghĩa quân, mà người dân địa phương thường gọi là “miếu thờ cụ Phan”. Ngay lối vào miếu thờ có hai cây cổ thụ mọc đối xứng nhau sum suê, xanh tốt như chí khí lẫm liệt của cụ. Ngôi miếu nhỏ bé, có kiến trúc giản dị, mộc mạc, vật “thờ” độc nhất là một chiếc “Bia kỷ niệm khởi nghĩa Hương Khê và chiến thắng Vũ Quang”, một mặt khắc Việt ngữ, một mặt khắc Pháp ngữ khá sắc nét.
Sau khi thắp hương ở nhà bia tưởng niệm, đi tiếp chừng 2km, chúng tôi gặp dãy núi đá dựng đứng kéo dài theo hướng Đông-Nam. Luồn theo một lối mòn nhỏ, chúng tôi lọt vào “gọng kìm” của hai bức tường thành nằm ở hai phía tả ngạn và hữu ngạn sông Rò Vền. Con sông này chảy ở phía Tây thành, gặp con sông Cà Tỏ chảy từ phía Đông, thành hợp lưu đầu nguồn sông Ngàn Trươi. Nằm cách ngã ba sông hơn 1km về phía Nam là bãi Cà Tỏ. Tương truyền, đây chính là bãi tập của nghĩa quân.
Gần 1 giờ luồn qua những tán lá rừng, chúng tôi gặp lưu vực sông Rò Vền. Nơi đây chỉ còn cách cổng thành 300 mét. Hai phiến đá lớn nằm ở phía tả ngạn sông Rò Vền, ngay chân dãy tây thành chắn ngang lối đi, tương truyền là vị trí canh gác của nghĩa quân. Thêm 30 phút men theo vách đá, chúng tôi chạm được vào vách đá cổng chính của thành. Cổng thành rộng chừng chục mét, phía sau là mặt thành, là doanh trại chính của nghĩa quân.
Dáng vóc một khu căn cứ địa nằm chon von trên hai dãy núi đá hiểm hóc, lưng tựa vào dãy Giăng Màn hùng vĩ, xung quanh là dòng chảy của hai con sông, tạo nên một thế chiến lược đắc địa “vừa có thế công, vừa lợi thế thủ” hiện ra trước mắt chúng tôi. Có mặt ở đây, tôi đã phần nào hiểu được lý do cụ Phan Đình Phùng chọn làm nơi đóng đại bản doanh. Chính cụ đã viết trong một bài thơ cảm tác khi thắng trận về vùng núi Vũ Quang - Ngàn Trươi: “Non rất cao, mà núi rất xanh - Núi xanh linh hiểm giúp cho mình”.
Đại bản doanh của Phan Đình Phùng đóng ở Vũ Quang với khoảng 500 nghĩa quân trấn giữ. Cuối năm 1889, Phan Đình Phùng phát tờ hịch kêu gọi các danh nho hào kiệt và nhân dân đứng lên chống Pháp. Nhiều thủ lĩnh hoạt động ở các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa đã đến đây nguyện chiến đấu dưới ngọn cờ kháng chiến của Phan Đình Phùng. Trên cơ sở lực lượng khởi nghĩa lớn mạnh nhanh chóng, Phan Đình Phùng đã thành lập 15 quân thứ, mỗi quân thứ có từ 100 đến 500 quân, chịu trách nhiệm trông coi một huyện hoặc một tổng, toàn bộ bao trùm bốn tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.
Cùng với việc xây dựng hệ thống đồn lũy, bố trí nghĩa quân đóng giữ và tác chiến, Phan Đình Phùng còn xây dựng chính quyền bí mật có nhiệm vụ chiêu mộ nghĩa quân, huy động lương thực và vận chuyển về căn cứ. Ngoài ra, nghĩa quân dưới sự chỉ huy của viên tướng trẻ tài năng và dũng cảm Cao Thắng còn tự nghiên cứu chế tạo vũ khí, trong đó, đã chế được hàng trăm súng trường kiểu 1874 của Pháp.
Dựa vào núi rừng hiểm trở với hệ thống công sự kiên cố ở căn cứ Vũ Quang - Ngàn Trươi và chiến thuật đánh du kích, nghĩa quân của Phan Đình Phùng đã có nhiều cuộc tập kích táo bạo, đánh hạ nhiều đồn bốt, tiêu hao sinh lực địch. Thực dân Pháp nhiều lần đem quân đàn áp cuộc khởi nghĩa nhưng đều thất bại. Lịch sử đã ghi lại một trong những trận đánh tiêu biểu nhất của nghĩa quân Phan Đình Phùng ngày 26-10-1895. Lúc bấy giờ, thực dân Pháp huy động lực lượng mở cuộc càn quét vào Vũ Quang - Ngàn Trươi nhằm tiêu diệt nghĩa quân và lãnh tụ Phan Đình Phùng.
Biết được âm mưu của địch, Phan Đình Phùng chọn thế nước chảy xiết của dòng sông Vũ Quang lập kế “sa nang úng thủy” (như chuyện Hàn Tín đánh Sở ngày xưa trong lịch sử Trung Quốc) để diệt giặc Pháp. Ông huy động nghĩa quân chặt gỗ, xây kè, đắp đập ở thượng nguồn, ngăn dòng nước sông Vũ Quang lại; đồng thời thả nhiều khúc gỗ và bố trí phục binh hai bên bờ sông, sẵn sàng đánh địch.
Đúng như kế hoạch, khi địch qua sông, nghĩa quân phá kè trên thượng nguồn. Nước sông bị dồn ứ được tháo đổ ầm ầm như thác, kéo theo những khúc gỗ lao tới tấp vào đội hình quân địch, giết chết nhiều tên. Những tên cố ngoi lên khỏi dòng nước liền bị các tay súng của nghĩa quân núp hai bên bờ bắn xối xả. Trận đánh đã tiêu diệt hơn 100 tên địch, trong đó có nhiều sĩ quan Pháp.
Mặc dầu phải chiến đấu trong điều kiện vô cùng gian khổ và thiếu thốn, nhưng cụ Phan Đình Phùng vẫn lãnh đạo nghĩa quân duy trì cuộc kháng chiến kéo dài 10 năm. Đây là thời gian dài nhất trong phong trào Cần Vương. Phan Đình Phùng là ngọn đuốc cháy sáng trong lòng dân tộc về bản lĩnh kiên trung, về tinh thần đấu tranh bất khuất, lòng yêu nước thủy chung, son sắt.
Lịch sử còn ghi lại chuyện cụ Phan Đình Phùng đã đáp từ tên tay sai khét tiếng cho thực dân Pháp là Lê Kinh Hạp. Khi hắn dọa đào mồ mả tổ tiên và giết người anh ruột Phan Đình Thông, cụ Phan đầy khí tiết nói rằng: “Nay tôi chỉ có một ngôi mộ rất to nên giữ là nước Việt Nam. Tôi chỉ có một ông anh rất to là mấy triệu đồng bào. Nếu về mà sửa sang lại phần mộ tổ tiên riêng mình thì ngôi mộ cả nước ai giữ? Về cứu sống ông anh của riêng mình thì còn bao nhiêu anh em trong nước ai cứu?”
Phan Đình Phùng thề quyết tử với quân thù, vì nhân dân và đất nước. Ngày 28-12-1895, trong một trận giao tranh quyết liệt với giặc Pháp, cụ Phan bị bắn trọng thương và sau đó hy sinh. Sau khi cụ Phan và tướng quân Cao Thắng mất, phong trào Cần Vương kết thúc. Tuy thất bại, nhưng phong trào đã tạo nên sức mạnh cho cả dân tộc làm nên những cuộc cách mạng lớn sau này.
Có thể nói, Phan Đình Phùng là người đã góp phần quyết định sự tồn tại và lớn mạnh của khu căn cứ Vũ Quang - Ngàn Trươi nói riêng cũng như phong trào Cần Vương nói chung. Cuộc đời và sự nghiệp của Phan Đình Phùng đã đi vào trang sử vàng của dân tộc, cổ vũ tinh thần yêu nước chống ngoại xâm giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nếu Vườn quốc gia Vũ Quang biết tận dụng thế mạnh về cảnh quan và di tích lịch sử Phan Đình Phùng thì đây sẽ là điểm hấp dẫn khách du lịch gần xa.
Hoài Thương