Biên phòng - Miền ký ức tuổi thơ thật trong trẻo với bao thương mến, ăm ắp bao kỷ niệm buồn vui. Ở đó, ta được sống những giây phút thần tiên, hồn nhiên và mơ mộng.

Trong hành trang mỗi đời người có một quãng thời gian in đậm vào ký ức: Đó là tuổi học trò, tuổi thơ. Là một “Miền xanh thẳm” như tên một tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi khá nổi tiếng của nhà văn Trần Hoài Dương.
Cái miền xanh, miền hạ nhớ ấy cứ rạo rực trong lòng với màu hoa phượng vĩ nở tưng bừng: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu” (Lời bài hát Phượng hồng). Và rộn ràng với điệp khúc của tiếng ve: “Chia tay - Chia tay” khi mùa hè đến với những dòng lưu bút màu mực tím bao thương nhớ tuổi học trò. Ký ức tuổi thơ gắn với bao kỷ niệm sân trường dưới tán bàng rộng xanh mướt đã diễn ra và lưu giữ những trò chơi rồng rắn của các cô, các cậu “chúng tớ, chúng mình”.
Là nơi những tâm tình thủ thỉ dúi cho nhau củ khoai nướng nóng hổi, cả nụ cười xuýt xoa trong cái se lạnh mùa đông. Nơi ấy, có bác lao công già cần mẫn gõ nhịp tiếng trống trường, đến hẹn lại lên như khóm hoa mười giờ đến giờ là nở trước cửa lớp học. Nơi ấy có cánh cổng trường như trang sách mở ra, đóng lại - Cánh cổng khép bao nỗi niềm và mở ra bao ước vọng...
Ôi, cái tuổi thơ luôn ngước nhìn lên vòm trời xanh lộng gió, bất chợt gặp một sắc cầu vồng bắc sau cơn mưa rào tháng 6 sao mà lung linh, huyền ảo, bồn chồn đến thế. Và cánh diều chao liệng, réo rắt tiếng sáo nâng bổng cả người mình lên khi ta bất chợt nhận ra: “Mùa hạ chín, da trời còn xanh vỏ”. Và khu vườn của bà của mẹ bấy giờ “quả chín rơi trong nỗi nhớ la đà”. Và rộng ra là sự chín dậy trong lòng với tình yêu làng mạc, xóm thôn: “Nắng quê hương chín dậy cả cây vườn”.
Nhớ sao dòng sông quê mến yêu, cái bến sông có bao nhiêu bậc. Chị ta đã từng ra bến sông giặt áo, giặt bao tâm tình. Chị luôn dõi mắt đến đám học trò đang bơi lội tung tăng theo vòng sông, mép sóng. Chị cứ sợ hụt hững mà tuổi thơ thì quá trong trẻo, vô tư, lỡ chao chân vũng xoáy. Ký ức tuổi thơ cứ ăm ắp mà đầy: đường làng thì đầy rơm, đường thơm mùa gặt; đê thì vòng như vòng tay vòng đầy mượt mà thảm cỏ. Mưa thì mưa đầy bóng mây chợt rào, chợt tạnh. Đêm thì trăng đêm đầy không khuyết tròn rằm. Ngày thì ngày trong, nắng trong tràn nắng mới. Tất cả đều tinh khôi như mới thấy lần đầu như mới ra ràng...
Trong ký ức tuổi thơ có hình ảnh “ông tiên” luôn hiện về trong cả giấc mơ, đó là Bác Hồ kính yêu mà nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa đã viết: “Nhà em treo ảnh Bác Hồ/ Bên trên là một lá cờ đỏ tươi” và: “Bác lo bao việc trên đời/ Ngày ngày Bác vẫn mỉm cười với em”. “Ông tiên” hiện ra như trong truyện cổ tích có: “Dáng cao cao người thanh thanh/ Bác chúng em mắt như sao râu hơi dài” (lời bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh”). Ngay từ buổi đầu đến trường đã thuộc lòng 5 điều Bác Hồ dạy thật giản dị, cụ thể mà chân tình, ấm áp, như lời dặn dò của người ông với cháu.
Trong ký ức tuổi thơ, Bác Hồ là: “Người không con mà có triệu con/ Nhân dân ta gọi Người là Bác/ Cả đời Người là của nước non” (Nguyễn Đình Thi). Thế hệ tuổi thơ măng non mọc thẳng là thế hệ cháu ngoan Bác Hồ, là niềm hy vọng tương lai đất nước.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã từng ao ước thật có lý: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. Con tàu tuổi thơ ấy chạy trên đường ray của ký ức. Hai đường ray dài tít tắp, song song với bao hồi ức của ngày và đêm, của ấm và lạnh, của buồn và vui... Nhưng sân ga thì bao giờ cũng rộn ràng, náo nức để đón về và tiễn đi mới mẻ. Tuổi thơ có cũ bao giờ. Con tàu ấy mở ra bao ô cửa. Có khoang tàu riêng dành cho bạn bè, thầy cô. Có khoang tàu riêng dành cho mẹ cha, anh chị em ta. Mỗi ngăn ký ức đều chứa đựng và sẻ chia đều yêu thương và trao gửi.
Ký ức tuổi thơ lại về thôn xóm, ruộng đồng, vườn nhà với những cây rơm: “Đầu đội chiếc nồi đất/ Xương sống cọc tre vườn”. Về với cánh võng ru hời tuổi thơ của bà gợi cho ta niềm băn khoăn nghẹn thắt: “Lưng bà võng xuống/ Biết mắc vào đâu”. Ký ức tuổi thơ về với vòng tay rộng mở yêu thương âu yếm của mẹ như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng chiêm nghiệm: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Theo con cả bao kỷ niệm tươi xanh - Cả bao ước vọng bời bời...
Nguyễn Ngọc Phú