Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:26 GMT+7

Về thăm căn cứ địa cách mạng Sông Hinh

Biên phòng - Khu căn cứ cách mạng ở thôn Hà Roi, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên có địa thế chiến lược quan trọng, là nơi tiếp giáp với 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, có tuyến đường giao liên miền Tây của tỉnh Phú Yên đi qua. Nơi đây một thời là căn cứ địa cách mạng vững chắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được đồng bào các dân tộc bao bọc, ủng hộ.

Một góc khu di tích căn cứ cách mạng của huyện Sông Hinh trong kháng chiến chống Mỹ (thôn Hà Roi, xã Sông Hinh). Ảnh: Hoàng Hà Thế

“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Những ngày đầu tháng 6-2022, tôi có dịp về thăm Khu Di tích lịch sử cấp tỉnh - Căn cứ cách mạng của huyện Sông Hinh trong kháng chiến chống Mỹ (ở thôn Hà Roi). Chúng tôi đến UBND xã Sông Hinh sau gần 30 phút vượt sông qua vùng sông nước đầu nguồn Thủy điện Sông Hinh trên chiếc thuyền máy của người dân thôn Hà Roi.

Sông Hinh là một trong 5 xã (Sông Hinh, Đức Bình, EaTrol, Ea Bia và Ea Bá) thuộc huyện Tây Nam (nay là huyện Sông Hinh), tỉnh Phú Yên, do Liên Khu ủy Khu V ra nghị quyết thành lập vào ngày 15-7-1970, trong đó, xã Sông Hinh được xây dựng là vùng căn cứ cách mạng. Từ đây các cơ quan lãnh đạo kháng chiến của huyện Tây Nam cùng với lực lượng vũ trang của huyện và du kích các địa phương đồng loạt nổi dậy tấn công tiêu diệt các cứ điểm quân sự của địch, giải phóng hoàn toàn huyện Tây Nam vào ngày 24-3-1975.

Hành trình về khu căn cứ khá vất vả, từ bờ sông là đoạn đường rừng 1,5km băng qua con suối nhỏ với các bậc thang dốc ngược... Thế mới biết, việc lựa chọn địa điểm làm khu căn cứ bí mật, bảo đảm an toàn cho hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là một tầm nhìn chiến lược của các đồng chí lãnh đạo lúc bấy giờ.

Theo thuyết minh của ông Phan Thanh Quyền, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện Sông Hinh: Người dân nơi đây gọi địa danh này là Gộp Tà Khô. Khi xưa, các chiến sĩ cách mạng về đây để bàn công tác chiến sự, các giao liên dừng chân làm nhiệm vụ và người dân tham gia lao động sản xuất... Quần thể khu căn cứ cách mạng xã Sông Hinh rất rộng với trên 20ha. Riêng “điểm nhấn” khu di tích Gộp Tà Khô, huyện Sông Hinh được đầu tư xây dựng nhiều hạng mục để phục vụ du khách đến tham quan.

Gộp Tà Khô có hình thù rất kỳ bí, là một tảng đá to lớn và dài, gác ngang như một tấm lá chắn vững chắc che chở cho người dân cùng các chiến sĩ khi xưa trước những đợt càn quét ác liệt của địch. Tại đây, ông Phan Thanh Quyền chỉ cho chúng tôi tường tận các dấu tích chiến sự vẫn còn in như ngày nào, cả những vết tích loang lở trên tảng đá của Gộp Tà Khô do bom của Mỹ thả xuống...

Luồn xuống khe vách đá vừa đủ thân người, trong cái hốc tối đen, những tảng đá được xếp chồng lên nhau cùng tiếng nước chảy róc rách, ông Quyền cho biết thêm: “Đây là nơi trú ẩn của hàng trăm, hàng ngàn người dân lẫn các chiến sĩ khi chiến sự ác liệt xảy ra... Còn nhiều bí ẩn ở khu di tích này chưa được khám phá”. Theo ông Quyền, lãnh đạo huyện Sông Hinh có định hướng bảo tồn khu di tích bền vững, thu thập hiện vật lịch sử của khu căn cứ đưa về đây để trưng bày nhằm giáo dục về truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Chí Hiền, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sông Hinh chia sẻ: “Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng khu di tích để khách du lịch và thế hệ trẻ có dịp tìm về nguồn nghiên cứu, học tập các tấm gương hy sinh của cha ông đã một lòng theo Đảng, nhất quyết không chịu khuất phục kẻ thù”.

Phát huy giá trị di tích

Những người cao tuổi ở thôn Hà Roi cho biết, địa hình vùng núi nơi đây có những hang đá, gộp đá tự nhiên, tiêu biểu như hang Hòm, hang Sim, Gộp Tà Khô có thể lưu trú hàng trăm người. Ngoài ra, còn có suối Ea Nghe (còn gọi là suối Thị Nghè), suối Thạch Thảo, suối Tà Khô... đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cây lương thực quanh năm để phục vụ kháng chiến. Thời kháng chiến chống Mỹ, cán bộ, bộ đội, dân quân từ căn cứ bí mật men theo chân núi xuống hoạt động tại các xã Hòa Mỹ, Hòa Đồng, Hòa Thịnh và đồng bằng Tuy Hòa.

Ông Phan Thanh Quyền (người cầm loa) thuyết minh với du khách về khu di tích Gộp Tà Khô. Ảnh: Hoàng Hà Thế

Trong suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ, chính quyền cách mạng xã Sông Hinh phát động các đợt tăng gia sản xuất. Mặc dù địch tìm đủ mọi cách để đánh phá, nhưng không sao hủy diệt được cuộc sống ở vùng căn cứ.

Ông Phan Thanh Quyền kể lại: “Mùa Hè năm1963, địch tập trung hơn một tiểu đoàn được trang bị vũ khí hiện đại, có hỗ trợ của máy bay mở đợt càn quét với quy mô lớn từ Buôn Ma Thuột xuống địa bàn các xã Ea Bá, Ea Trol, Ea Bia đến thôn Hà Roi. Các cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang đã kiên trì chống càn, đẩy lùi được cuộc càn quét của địch, giữ vững địa bàn hậu cứ... Cuối năm 1964, căn cứ địa Sông Hinh tiếp tục được giữ vững, mở rộng gắn kết với nhiều vùng căn cứ khác ở trong và ngoài tỉnh, tạo ra hành lang chiến lược thông suốt, nối liền miền Tây Phú Yên với đồng bằng Tuy Hòa và với các tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa. Căn cứ này cũng là điểm dừng chân an toàn cho các đơn vị vũ trang trước khi vào các chiến trường... Năm 1967, địch thả bom bất ngờ xuống Gộp Tà Khô, song, nhờ có mái đá che chắn nên không ai bị thương vong...

Để căn cứ cách mạng ở thôn Hà Roi, xã Sông Hinh mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Sông Hinh, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho biết: “Việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị về mặt cảnh quan thiên nhiên. Nếu biết khai thác, phát huy đúng cách, nơi đây hoàn toàn có thể trở thành điểm du lịch về nguồn, du lịch sinh thái hấp dẫn của tỉnh Phú Yên...”.

Hoàng Hà Thế

Bình luận

ZALO