Biên phòng - Cuối cùng thì tôi cũng đến được Đồn Biên phòng Rơ Long, BĐBP Kon Tum vào cái đêm được cho là lạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. “Lơ lửng” nơi góc trời biên giới, lạnh đến “đông cứng cơ thể” con người, vậy mà lính Biên phòng vẫn bảo nhiệt độ càng xuống thấp càng... hay. Sao lạ vậy??? Thì ra, ở vùng cực Bắc Tây Nguyên, trời càng lạnh thì mưa càng lùi xa, con đường lên với Rơ Long mới thực sự được thông tuyến để tránh cảnh cô lập như ốc đảo giữa rừng...

Ngày vọng tiếng... khỉ ho
Từ trung tâm xã Đắk Long, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum ngược theo trục lộ 85 về hướng Nam Lào khoảng 20km là đến Đồn Biên phòng Rơ Long. Nói thì nghe có vẻ đơn giản, nhưng để vượt qua quãng đường chỉ hơn 20 ngàn bước chạy của người lớn này phải qua 11 con suối chảy trên lưng đèo. Mùa mưa là “bó tay toàn tập”, còn khi trời khô tạnh cũng phải mất 2 tiếng đồng hồ “vừa đi, vừa nhảy” mới được nhìn thấy mặt người.
Đường giao thông có thể nói là “có như không”, còn lưới điện quốc gia thì gần 2 năm qua vẫn đang trong chế độ chờ... đóng điện, vì Đồn Biên phòng Rơ Long nằm trong vùng lõi của rừng phòng hộ đầu nguồn nên cần phải tính toán đến an toàn đường dây, cũng như “hệ số rủi ro” đối với nguồn tài nguyên rừng. Nằm cách biệt như ốc đảo giữa rừng phòng hộ, trong khi phía đối diện nước bạn Lào, mặc dù có cụm bản Văng Tắt thuộc huyện Xản Xây, tỉnh Attapeu, Lào thông với nước ta qua cửa khẩu phụ Đắk Long, nhưng chẳng mấy khi nghe tiếng xe qua, nên có thể nói, âm thanh quen thuộc nhất của lính Biên phòng ở đây là những “bản nhạc rừng”.
Tôi dùng từ “khỉ ho” để nói về nỗi lòng xa quê của người lính. Buồn lắm, nhớ lắm, nhất là những chiều cuối năm biên giới chìm trong sương lạnh, lính Biên phòng “ôm súng cưỡi mây” giữa lưng chừng núi, thổn thức trong “bản nhạc rừng”. Vắng lặng đến tận cùng, nhưng trời càng lạnh, đường càng khô, càng thêm nhiều hy vọng nhìn thấy ai đó là người thân quen của mình. Hóa ra những người lính Đồn Biên phòng Rơ Long mong cho trời lạnh là vậy... Cái cảnh tắc đường thực sự là nỗi ám ảnh. Mùa mưa năm vừa rồi, 11 con suối chảy nơi lưng chừng đèo biến thành 11 ngầm sâu, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phải chia nhau từng tốp, vừa “tăng bo” hàng hóa tiếp phẩm vào đồn, vừa thường trực để “dìu” người mắc kẹt vượt lũ. Trung tá, Chính trị viên Hoàng Xuân Hân chia sẻ: “Anh em phải dùng dây neo vào nhau để vượt suối, đề phòng lũ lớn có thể xuất hiện vào bất cứ lúc nào. Nhiều hôm lả quá, chỉ kịp chia nhau gói mì tôm sống lót dạ rồi ngủ giữa rừng. Huyết mạch giao thông này đóng vai trò hết sức quan trọng không chỉ đối với ta, mà còn cả bên phía bạn Lào trong việc qua lại trao đổi hàng hóa và thăm thân...”.
Đêm trào dâng cảm xúc
Có người nói “cô đơn là sự khởi đầu cho niềm thăng hoa của cảm xúc”. Nếu xem sự vắng lặng nơi “góc trời” biên giới Rơ Long như nỗi cô đơn, ở đó chỉ có lính Biên phòng với nhau thì câu nói kia rất đúng.
Không chỉ những anh lính trẻ vừa biết yêu mới lãng mạn, đến cả những người từng trải khi vận vào hoàn cảnh như thế này cũng thấy trào dâng niềm cảm xúc. Đồn Biên phòng Rơ Long quản lý, bảo vệ 29,3km đường biên giới, với 10 cột mốc (từ số 756 đến 766) và khu vực biên giới mênh mông với gần 440km2 hầu hết là rừng phòng hộ không dân. Ở phía đối diện có cụm bản Văng Tắt (Lào), hiện có khoảng mấy trăm nóc nhà, nối với ta qua cặp cửa khẩu phụ Đắk Long - Văng Tắt... Với những thông tin cơ bản như thế đủ để hình dung nhiệm vụ của người lính Biên phòng nơi đây vất vả, gian lao đến nhường nào. Hơn 29km đường biên giới vắt vẻo giữa sườn đèo, quanh năm suốt tháng, ngày nóng cũng như đêm lạnh, người lính Đồn Biên phòng Rơ Long cứ miệt mài tuần tra. Nỗi vất vả nhọc nhằn đồng hành với nỗi nhớ mang lại những cảm xúc rất khó tả và nó chỉ thực sự thăng hoa khi chỉ còn ta với bầu trời đêm biên giới. Sau chuyến tuần tra ướt đẫm sương đêm, lính Biên phòng lại thao thức, người thì tìm về những kỷ niệm tuổi thơ, người thì trăn trở trong câu chuyện cơm-gạo-áo-tiền cho gia đình, người thân của mình.
Cảm xúc “gõ cửa” tâm hồn người lính, có niềm vui, nỗi buồn, có trăn trở, thao thức, mạnh mẽ mà kín đáo, dường như chỉ người trong cuộc mới thấu tỏ. Tuy nhiên, cũng có khi nỗi lòng của những người lính biên phòng chợt vỡ òa để rồi ôm nhau nhún nhảy như đứa trẻ lên 5, lên 3 khi chứng kiến đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lên ngôi vương sau trận quyết chiến với đội tuyển Thái Lan ở chung kết SEA Games 30 qua màn ảnh nhỏ. Ở đó, những “hậu duệ” của Bà Trưng, Bà Triệu đã cống hiến cả ngàn phần trăm sức lực, sự kiên cường, dẻo dai để mang vinh quang về cho Tổ quốc. Tất nhiên, sau đó đến lượt đội tuyển bóng đá U22 nam Việt Nam làm dậy sóng cả đất nước hình chữ S khi hiện thực hóa “giấc mơ vàng” 60 năm dài đằng đẵng và chắc chắn nơi “góc trời” biên giới Rơ Long lại thêm lần nữa được cất cao bài ca chiến thắng.
Chúng tôi “đặc tả” cảm xúc của người lính Đồn Biên phòng Rơ Long để khẳng định một giá trị bất biến đó là tình yêu quê hương đất nước của những người con đất Việt và niềm vinh quang dành cho sự cống hiến. Chúng ta đã cổ vũ hết mình, đã tự hào đến rơi nước mắt khi các chàng trai, cô gái thể hiện sức mạnh Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Trong niềm vui chung ấy, tôi muốn nói về cảm xúc của người lính Đồn Biên phòng Rơ Long với hy vọng tiếp thêm nguồn năng lượng, cổ vũ những bước chân lặng thầm cống hiến trên biên giới.
Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum cho biết, đến thời điểm này, trục đường 85 từ xã Đắk Long lên Trạm Kiểm soát cửa khẩu phụ Đắk Long đã được khảo sát, lập dự án đề nghị Nhà nước đầu tư nâng cấp. Việc thông tuyến con đường này không chỉ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, mà còn tăng cường quan hệ đối ngoại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai bên biên giới.
Thái Kim Nga