Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:22 GMT+7

Về nơi khởi nguồn Khu du kích Ba Sơn

Biên phòng - Đến xã vùng biên Xuất Lễ, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn - mảnh đất từng là trọng điểm của Khu du kích Ba Sơn những năm kháng chiến chống Pháp sẽ thấy sự đổi mới trên khắp các bản làng. Nơi đây đã từng ghi dấu nhiều Chiến công vẻ vang của quân và dân các dân tộc huyện Lộc Bình, góp phần tích cực vào chiến dịch Biên giới năm 1950, cùng với đồng bào cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

wjnb_9b
Làng đá Thạch Khuyên (xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) – một trong những địa điểm của Khu du kích Ba Sơn. Ảnh: Minh Phượng

Chỉ cách thành phố Lạng Sơn 34km, xã Xuất Lễ vẫn nguyên vẹn bản sắc cổ kính, chất phác giữa thiên nhiên hoang sơ, đẹp như tranh vẽ. Vòng quanh những con đường bê tông trải dài đến tận các thôn bản, những ngôi nhà lợp mái đỏ tươi nổi bật giữa màu xanh ngút ngàn của núi rừng biên cương... Bên cạnh đó, xã Xuất Lễ vẫn còn bảo lưu được những ngôi nhà trình tường còn giữ nguyên kết cấu, hình dáng xưa cũ với mái ngói âm dương trầm mặc đã tắm nắng, gội mưa hàng thế kỷ. Dẫu xứ Lạng từng trải qua mấy cuộc chiến tranh lớn nhỏ, nhưng do nằm khuất nẻo nên xã Xuất Lễ gần như không bị ảnh hưởng gì nhiều.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954), Khu du kích Ba Sơn là căn cứ địa quan trọng của huyện Cao Lộc và tỉnh Lạng Sơn. Khu du kích Ba Sơn gồm các xã: Cao Lâu, Xuất Lễ, Công Sơn, Mẫu Sơn, Gia Cát, Hòa Cư, Hải Yến, thuộc huyện Cao Lộc. Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, Khu du kích Ba Sơn là địa bàn chiến lược có vị trí xung yếu, án ngữ toàn bộ phía Đông Bắc thị xã Lạng Sơn và một đoạn đường số 4 hiểm yếu, đối đầu trực diện với chiến lược “Vành đai sắt” của thực dân Pháp, hòng biến Lạng Sơn thành nơi tập trung quân, tiếp ứng cho chiến trường chính ở mặt trận Thất Khê (Lạng Sơn) và Đông Khê (Cao Bằng). 

Địa bàn Ba Sơn được giao trọng trách xây vùng căn cứ trọng điểm hoạt động bí mật, bám đất, bám dân nhằm mục đích uy hiếp các cứ điểm quân địch đóng ở Lạng Sơn và phân tán sự đối phó với địch trên đường số 4; biến hậu phương của địch thành hậu phương của ta...

Ông Dương Thái Sơn, sinh năm 1924, ở bản Thanh Khuyên, xã Xuất Lễ, từng tham gia đội du kích Ba Sơn nhớ lại: “Theo kế hoạch, đêm 4-3-1949, bộ đội và du kích ta bắt đầu nổ súng tấn công Đồn Nà Phia. Mặc dù bị ta tấn công bất ngờ, nhưng quân địch vẫn ngoan cố chống trả. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt gây cho quân địch nhiều tổn thất nặng nề, đến chiều 5-3-1949, hơn 100 tên địch trong đồn đã xin đầu hàng, quân ta hoàn toàn làm chủ Đồn Nà Phia, giải phóng toàn bộ khu vực”.

Ông Tàng Văn Hảo, phụ trách Khu du kích Ba Sơn cho biết: “Ngày 11-4-1949, địch mở cuộc hành quân càn quét vào vùng giải phóng Ba Sơn với quy mô lớn. Các đơn vị chiến đấu của ta đã nhanh chóng triển khai tác chiến, đồng loạt nổ súng chặn đánh tất cả các mũi tấn công của địch. Kết quả, ta đã tiêu diệt tại chỗ 30 tên địch, phá hủy 3 xe quân sự. Trước trận địa vững vàng và tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân du kích Ba Sơn, địch đã phải rút quân vào ngày 15-4-1949”.
“Từ cuối tháng 4-1949, phong trào đấu tranh của Khu du kích Ba Sơn đã phát triển rộng khắp tới các xã: Hải Yến, Thanh Lòa, Thạch Đạn, Lộc Yên, Hòa Cư và Gia Cát, tạo thành vành đai du kích chiến đấu khiến cho địch khiếp sợ. Nhân dân các dân tộc xã Xuất Lễ đã lấy ngày 5-3-1949 (tức ngày 6-2 âm lịch), ngày giải phóng Đồn Nà Phia, xã Xuất Lễ là ngày hội chiến thắng và ngày 6-2 âm lịch hằng năm, nhân dân các dân tộc Khu du kích Ba Sơn lại long trọng tổ chức Lễ hội Ba Sơn” - Ông Tàng Văn Hảo chia sẻ.

Những năm tháng cam go, quyết liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Ba Sơn đã cùng với quân, dân huyện Cao Lộc chiến đấu hơn 100 trận lớn nhỏ. Chiến công của quân, dân du kích Ba Sơn đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trên mặt trận đường 4 và Chiến dịch Biên giới năm 1950, giải phóng Lạng Sơn ngày 17-10-1950. Khu du kích Ba Sơn đã trở thành biểu tượng đẹp về ý chí kiên cường, tinh thần kháng chiến anh dũng của quân và dân các dân tộc Cao Lộc, động viên, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu và chiến thắng của quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung, góp phần không nhỏ sức người, sức của cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đội du kích Ba Sơn được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.

Hàng năm, cứ mỗi khi hoa đào, hoa mận nở trắng những quả đồi, lúc đó Ba Sơn lại tổ chức Lễ hội Ba Sơn (ngày 6-2 âm lịch). Tại lễ hội, người dân ôn lại truyền thống của du kích Ba Sơn, về phong trào cách mạng và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa giúp người xem hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng, những chiến công vang dội của Khu du kích Ba Sơn trong kháng chiến chống Pháp.

Tuy nhiên, dấu tích về nơi khởi nguồn cũng như những căn cứ hoạt động của đội du kích Ba Sơn hiện không còn nhiều. Một số dấu tích đã biến mất theo thời gian. Người dân xã Xuất Lễ luôn mong sẽ có một khu lưu niệm được xây dựng tại đây để lưu giữ những kỷ vật, tài liệu về truyền thống cách mạng của đội du kích Ba Sơn, lưu giữ lịch sử hào hùng của quân dân Ba Sơn để các thế hệ con cháu đời sau được biết và thêm trân quý mảnh đất giàu truyền thống cách mạng nơi mình sinh ra. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức tự lực, tự cường của thế hệ trẻ Lạng Sơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO