Biên phòng - "Hôm nay anh em chung vui nhảy múa như con chim nhảy bên này sang bên khác, làm bài hát cho anh em cùng vui"... Đó là giai điệu vui tươi của tiếng khèn Mông trong những ngày hội của bản Mông ở Mường Lát, Thanh Hóa. Tình yêu đôi lứa trong tiếng khèn Mông cũng chân thành, giản dị như chính tâm hồn họ vậy: "Đôi ta yêu nhau như con gà trống gà mái gọi nhau". Tiếng khèn từ bao đời nay đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống văn hóa và sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.
|
Ông Hơ Văn Dế dạy thổi khèn cho thanh niên trong bản. |
Chúng tôi có dịp lên huyện vùng cao biên giới Mường Lát, khi mùa hoa ban nở trắng một góc rừng để thả hồn mình trong cái bao la, hùng vĩ của núi rừng mờ sương. Hình ảnh những cô gái người dân tộc Thái, Mông rực rỡ trong váy hoa, những chàng trai miền sơn cước nhảy múa trong tiếng khèn dìu dặt, tha thiết như muốn níu chân chúng tôi lại nơi này.
Được sự giới thiệu của ông Lâu Minh Pó, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mường Lát, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của ông Hơ Văn Dế, người dân tộc Mông ở bản Cơm, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát để nghe ông thổi những bản khèn ẩn chứa giá trị văn hóa và tâm hồn người Mông. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà gỗ, Hơ Văn Dế nói cho chúng tôi nghe về cây khèn Mông, về ý nghĩa của khèn trong đời sống tinh thần của người Mông. Ông vào nhà lấy cây khèn ra và thổi cho chúng tôi nghe khúc nhạc vui tươi mang ý nghĩa chào mừng khách đến. Đối với người Mông, cây khèn được xem là tài sản quý giá trong nhà, vì thế, khèn được treo ở góc cao và trang trọng nhất.
Khèn Mông được làm từ gỗ pơmu cùng 6 ống trúc lớn, nhỏ, dài, ngắn khác nhau. Các ống trúc này được xếp khéo léo, song song trên thân khèn. Trúc làm ống phải phơi đủ độ khô, không ẩm lại không quá khô, thì khèn mới kêu hay. Quan trọng nhất là khâu khoét lỗ cho lưới đồng rồi bịt lại bằng dây rừng thật chặt, thật khít. Độ cao thấp, vang ngân của khèn phụ thuộc vào việc chỉnh các lưới đồng, mỏng dày thế nào, to nhỏ ra sao. Không phải ai cũng có thể làm được một chiếc khèn đạt đủ độ tinh xảo và yêu cầu khắt khe về âm vực. Động tác múa khèn của người Mông rất phong phú và đa dạng như: Múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa. Khi một bài khèn được cất lên, nhiều người có thể tham gia múa khèn, chủ yếu vẫn là các chàng trai.
Ông Hơ Văn Dế cho biết, khèn Mông thường được sử dụng trong tang ma và những ngày hội vui của bản làng. Trong tang ma, tiếng khèn cất lên nghe trầm buồn, da diết. Theo quan niệm của người Mông, tiếng khèn nhằm dẫn đường, chỉ lối và tiễn biệt người chết về với ông bà tổ tiên. Trong đám tang, người ta có thể thổi khèn nhiều lần: Vào 3 bữa cơm chính (sáng, trưa, tối), hay mỗi khi giết một con vật để cúng cho người chết. Trong những ngày hội, chàng trai Mông vừa thổi, vừa múa khèn và những cô gái Mông lại rực rỡ váy hoa bên những điệu nhảy mềm mại, sôi nổi. Tiếng khèn dìu dặt, tha thiết, vui tươi hòa trong vị cay nồng của chén rượu ngô như làm say lòng những ai một lần được thưởng thức.
Giữ mãi bản sắc văn hóa Mông
Chiếc khèn và tiếng khèn Mông là linh hồn của người Mông, mang bản sắc văn hóa đặc trưng, vừa mang cái bao la hùng vĩ của núi rừng, vừa mang nét chân thành, giản dị trong cuộc sống của họ. Vì vậy, người Mông quan niệm giữ được tiếng khèn Mông là giữ được bản sắc văn hóa dân tộc mình. Bất cứ lúc nào, đàn ông Mông cũng có thể mang khèn ra thổi. Cây khèn gắn liền với cuộc sống tinh thần của người Mông. Trên những bãi đất trống hay bên những con suối, đàn ông Mông vừa thổi khèn, vừa múa khèn với những động tác vừa khỏe khoắn, vừa dẻo dai.
Để tiếng khèn Mông ngân xa, vang xa trên mỗi bản làng, giữ lại cái cốt hồn cốt túy của đồng bào Mông, ông Hơ Văn Dế vẫn luôn trăn trở, tìm cách truyền lại cách thổi khèn cho con cháu sau này. Hơ Văn Dế bảo "bây giờ thanh niên ít người say mê với cây khèn, chúng thích nghe những thứ nhạc mới, tìm được người say mê thổi khèn trong bản khó lắm". Ông là một trong số ít người trong bản thổi được khèn Mông. Ông Dế bảo, trong bản chỉ có người lớn tuổi mới biết thổi khèn một cách bài bản, đúng làn điệu, còn thanh niên chỉ biết thổi một vài khúc nhạc trong những ngày hội. Người Mông quan niệm rằng, đã là con trai Mông thì dù trẻ hay già, đi đâu, lúc nào cũng phải có cây khèn đi cùng. Con trai dân tộc Mông học thổi khèn từ khi lên 5, 6 tuổi. Học thổi khèn rất khó, không phải ai cũng có thể thổi khèn theo đúng giai điệu. Để biết thổi, ai cũng có thể làm được, nhưng để thổi thành bài, thành làn điệu thì người thổi phải có trí nhớ thật tốt và có niềm say mê.
Mỗi khi Hơ Văn Dế mang khèn ra thổi, bà con trong bản lại quây quần ngồi nghe như đang nghe chính tiếng lòng của mình vậy. Và rồi, những thanh niên có niềm đam mê với tiếng khèn lại kiên trì học kỹ thuật thổi khèn. Hơ Văn Dế lại chỉ dạy cặn kẽ cho lớp trẻ, để tiếng khèn sống mãi cùng bản làng mình, để mỗi người Mông được đắm hồn mình trong từng giai điệu dìu dặt, tha thiết giữa bao la của núi rừng Mường Lát.