Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Về Lạng Sơn nghe câu sli, câu lượn

Biên phòng - Hát sli, hát lượn là một “đặc sản” dân ca trữ tình của đồng bào Nùng xứ Lạng và một số tỉnh miền núi phía Bắc. Trong đời sống văn hóa, người Nùng không chỉ hát sli văn nghệ, mà còn hát sli trong các nghi lễ văn hóa tâm linh như: Hát mừng đám cưới, khánh thành nhà mới, hát giao duyên, hát trong các lễ hội cầu mùa đầu Xuân… Lời ca tạo không khí phấn khởi, sảng khoái, giúp cho con người có thêm niềm vui, thêm tin yêu cuộc sống.

Một gia đình người Nùng biểu diễn hát sli tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Ngọc Ánh

Những “báu vật sống” của làn điệu sli, lượn

Bà Hà Thị Tẩn, ở thôn Cỏn Quyền, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn là một nghệ nhân có giọng sli trong trẻo, ngọt ngào. Thời điểm chưa có dịch Covid-19, cứ đến dịp Lễ hội Đầu pháo Kỳ Lừa tại đền Kỳ Cùng, thành phố Lạng Sơn (từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng âm lịch), bà lại cùng nhóm người cao tuổi trong thôn đi trẩy hội để được giao lưu hát sli, hát lượn giao duyên. Những người đến hội hát như bà Tẩn đều có chung sở thích say mê câu sli, câu lượn.

Có những người yêu nhau thời tuổi trẻ, nhưng vì một lí do nào đó không lấy được nhau, hằng năm, họ vẫn đến hội để hát câu sẻ chia nhớ thương. Chỉ câu hát thôi, nhưng làm cho mọi người quên đi bao nỗi mệt nhọc thường ngày để có thêm động lực tiếp tục cho công việc còn dang dở. Lại có những người đến hội hát cho vui. Người già cũng có thể hát đối đáp với người trẻ tuổi nếu cảm thấy hợp chuyện, hợp hát. Có những người mê hát, họ say sưa hát đối với hết người này sang người khác đến tối mịt vẫn chưa muốn về.

Ở vùng cao xứ Lạng, ngoài nghệ nhân Hà Thị Tẩn, còn có khá nhiều người trung niên và cao niên có giọng hát sil, hát lượn trong trẻo, ngọt mát như dòng suối. Điển hình như nghệ nhân Hà Thị Ven (còn gọi là Mai Ven) ở huyện Cao Lộc - được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2016.

Nói về nghệ thuật hát sli của người Nùng ở xứ Lạng, nghệ nhân Hà Thị Ven cho biết, người Nùng rất mê hát sli, bởi vậy, tục ngữ có câu “Đêm ốm dài, đêm sli ngắn”. Trong tiếng Nùng, sli có nghĩa là thơ. Nội dung của những điệu hát sli thường đề cập đến mọi mặt của đời sống sinh hoạt của người Nùng, ca ngợi cảnh giàu đẹp của thiên nhiên, quê hương, hát giao duyên của thanh niên nam, nữ... Trong lời hát sli có sự liên tưởng, ví von, thông qua những hình ảnh cụ thể để nói lên tâm tình con người. Do đó, dù trong lời hát là cây cối, trăng sao, năm, tháng..., nhưng cuối cùng vẫn để nói về tình cảm, tâm trạng và khát vọng của con người. Ví dụ như trong bài “Sli mùa Xuân”, có đoạn: “Đón Xuân năm mới được vui Xuân/ Ngày Xuân năm mới được vui hội/ Xuân đến hoa đua nở khắp rừng/ Chim én thành đôi lượn cánh đồng...”.

Không chỉ giỏi hát sli, nghệ nhân Hà Thị Ven còn tâm huyết trong việc sưu tầm những bài sli cổ và sáng tác lời cho những bài sli mới theo chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, sự đổi mới, phát triển của đất nước... Mỗi dịp tham gia biểu diễn văn nghệ cho nhiều dân tộc khác nhau cùng nghe, nghệ nhân Hà Thị Ven thường có sáng kiến giới thiệu nội dung bài hát bằng tiếng phổ thông trước, sau đó mới biểu diễn. “Để bài hát sli dễ đi vào lòng người, ngoài chất giọng tốt, phải tập trung, phải biết luyến láy, phải có sự cảm thụ văn học nữa...” - nghệ nhân Hà Thị Ven chia sẻ.

Bảo tồn, truyền dạy vốn quý của dân tộc

Vài năm trở lại đây, các Câu lạc bộ (CLB) hát sli, hát lượn của đồng bào Nùng phát triển khá mạnh tại địa bàn các huyện Bình Gia, Cao Lộc, Lộc Bình... của tỉnh Lạng Sơn. Tiêu biểu có CLB hát sli xã Tô Hiệu (huyện Bình Gia) thành lập từ năm 2010, đến nay đã phát triển lên 60 hội viên, độ tuổi từ 40 đến 60. Phần lớn hội viên trong CLB là những người nông dân ở các thôn Khau Phụ, Yên Bình, Pác Nàng, Nà Dài... Nhiều người tuổi cao, giọng hát, cách luyến láy không được như lúc trẻ, nhưng họ luôn say mê với câu sli, câu lượn.

Bộ nhạc khí của người Nùng - Lạng Sơn. Ảnh: Ngọc Ánh

Hay như CLB Điếp Sli Then xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, do Nghệ nhân Ưu tú Hà Mai Ven làm Chủ nhiệm. CLB hiện có 24 thành viên, trong đó, 13 hội viên ở độ tuổi từ 10-14. Ngoài các lớp truyền dạy cho hội viên lớn vào các buổi tối, CLB còn mở thêm lớp học hát dân ca cho các hội viên nhỏ tuổi vào các ngày cuối tuần. CLB luôn có mặt trong nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh như: Lễ hội Hoa đào; Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Du lịch qua những miền Di sản Việt Bắc... Năm 2019, tiết mục “Đồng giao” của CLB Điếp Sli Then xã Thụy Hùng đoạt Huy chương Vàng trong chương trình “Em yêu quê hương đất nước”, do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.

Những năm qua, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Bình Gia đã triển khai Đề án xây dựng, lưu giữ làn điệu hát sli trên địa bàn huyện nhằm góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của nhân dân.

Ở quy mô cấp tỉnh, từ năm 2003, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cũng đầu tư kinh phí để nghiên cứu, bảo tồn hát sli Phàn Slình tại thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc. Năm 2010, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn ra đời đã giao nhiệm vụ cho Chủ nhiệm các CLB vận động những người hát sli lâu năm ở khắp các vùng quê tham gia vào các CLB hát sli.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 50 CLB, tổ đội hát sli, với gần 1.000 hội viên tham gia. Mỗi nhánh Nùng khác nhau có làn điệu sli khác nhau, cụ thể là: Nùng Inh có Sli Nùng Inh, Nùng Phàn Slình có Sli Sloong hào, Nùng Cháo có Sli Sình làng, Nùng Giang có Sli Giang... Các CLB đã tích cực tham gia các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, giao lưu với các CLB trong và ngoài tỉnh, nhằm góp phần giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của dân tộc mình.

Ngọc Ánh

Bình luận

ZALO