Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:10 GMT+7

Vật liệu amiang trắng: Hiểm họa ung thư có thể phòng tránh

Biên phòng - Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra amiang là chất gây ra nhiều bệnh ung thư. Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã và đang tiến hành các biện pháp nhằm dừng hoạt động sử dụng amiang, đồng thời, tổ chức nghiên cứu tìm ra các vật liệu thay thế amiang trong sản xuất để đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

8u6h_14
Nhiều hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng tấm lợp amiang mà không biết đến sự độc hại của nó. Ảnh: Bích Nguyên

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), amiang là chất gây ung thư nghề nghiệp, là nguyên nhân gây ra ung thư phổi, ung thư trung tiểu mô, bệnh bụi phổi amiang, ung thư vòm họng và ung thư buồng trứng. Cũng theo báo cáo của WHO, hằng năm, trên thế giới có khoảng hơn 100.000 người chết do các bệnh liên quan đến amiang.

Rất tiếc, Việt Nam vẫn là một trong các nước dẫn đầu về việc sử dụng amiang trắng. Trong đó, đa số các nước là sản xuất và xuất khẩu amiang trắng, còn Việt Nam lại là nước đơn thuần nhập khẩu. Lượng amiang trắng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu để sản xuất tấm lợp fibro xi măng và được sử dụng chủ yếu ở các vùng nông thôn, miền núi, khu vực công nghiệp. Đây là mối hiểm họa về môi trường, sức khỏe cộng đồng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng khó khăn, thiếu thông tin, kinh tế chậm phát triển.

Khoảng 95% tấm lợp fibro xi măng có amiang được sử dụng tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Với ưu điểm giá thành rẻ, dễ vận chuyển bằng sức người, phù hợp với địa hình dốc tại vùng miền núi nên bà con thường sử dụng tấm lợp fibro xi măng để lợp nhà, bếp, chuồng trại chăn nuôi gia súc, làm vách ngăn nhà, vì vậy, nguy cơ bị phơi nhiễm amiang trắng là không thể tránh khỏi.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết, người dân miền núi sử dụng tấm lợp fibro xi măng thường chỉ được vài ba chục năm vì phần lớn khung mái làm bằng tre, nứa hoặc bằng gỗ tạp, tuổi thọ kém, tấm lợp này lại trở thành rác thải hoặc đổ ra đường, gây ô nhiễm tích lũy cộng đồng, các thế hệ con cháu mới là người chịu hậu quả.

Amiang cũng có thể thâm nhập vào nước sinh hoạt thông qua chất thải amiang ở các bãi chôn lấp, từ sự thoái hóa của ống xi măng có chứa ammiang được sử dụng để dẫn nước uống. Đặc biệt, thói quen dùng nước mưa từ mái nhà sử dụng tấm lợp fibro xi măng rất nguy hiểm vì amiang có thể  lẫn vào nước sinh hoạt của người dân.

Dựa trên các kết luận khoa học về tác hại của amiang đối với sức khỏe của con người, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu khoa học nhằm tìm ra vật liệu thay thế phù hợp cho amiang trắng. Tại Việt Nam, việc nghiên cứu vật liệu thay thế amiang trong sản xuất tấm lợp được bắt đầu từ sau Quyết định 115/2001/QĐ-TTg vào năm 2001 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Để thay thế amiang trắng, nhiều loại vật liệu mới đã được nghiên cứu và sản xuất, cho kết quả khả quan. Tiến sĩ Đỗ Quốc Quang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nghệ, Bộ Công thương cho biết, đã tìm ra loại sợi để thay thế cho amiang trắng trong sản xuất tấm lợp, đó chính là sợi PVA. PVA là sợi hóa học nên rất bền, trong quá trình sản xuất không bị xé thành sợi nhỏ, bên cạnh đó, tuổi thọ của sợi PVA trong xi măng cũng rất cao.

Trải qua quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, đến năm 2007, dây chuyền sản xuất tấm lợp không sử dụng amiang đầu tiên của Việt Nam đã được vận hành tại Công ty Tân Thuận Cường (TTC) - Hải Dương. Tháng 11-2013, dây chuyền sản xuất tấm sóng không amiang thứ hai tại Việt Nam được đưa vào hoạt động tại Công ty Cổ phần Nam Việt (Navifico). 

Sản phẩm của dây chuyền đạt chất lượng cao, hướng tới thị trường trong nước và xuất khẩu. Tháng 2-2014, Navifico đã thực hiện đơn hàng đầu tiên xuất khẩu tấm lợp không amiăng sang thị trường Trung Đông (Ai Cập). Cũng trong năm 2014, công ty Navifico và công ty TTC đã xuất khẩu tới 270.000m2 tấm lợp NT (không amiang) sang Ấn Độ.

Việc đưa vào hoạt động dây chuyền tấm lợp không amiang tại Navifico có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu thành công việc chuyển đổi dây chuyền sản xuất tấm lợp amiang xi măng sang tấm lợp không amiang, hoàn toàn dựa trên công nghệ và thiết bị trong nước. Từ năm 2014, các nhà sản xuất Việt Nam đã liên kết hình thành thương hiệu sản phẩm không chứa amiang “DURAGREEN” và bắt đầu bán ra ở một số thị trường như Hàn Quốc, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi... Nhiều nước trên thế giới đã học hỏi và áp dụng kinh nghiệm của Việt Nam như Lào, Thái Lan, Malaysia, Iran... 

Hoàng Chang

Bình luận

ZALO