Biên phòng - Đầu mùa mưa, vạt đất trống sau nhà, mẹ tôi đào cái lỗ lớn, trộn phân tro với đất mùn tơi, xong đem gieo mấy hạt bầu. Đất ngày ngày được tưới ẩm khiến hạt chóng vánh nẩy mầm, lớn nhanh như thổi...
Những chiếc lá bầu đầu tiên xòe ra mới lớn cỡ bàn tay; nhưng sang lá thứ ba, thứ tư... đã đột ngột bung to, trùm lên mặt đất sắc xanh thẫm tối. Đặc trưng của những chiếc lá bầu thường có bản lá lẫn cuống, dây phủ đầy lông tơ trắng. Có làm giàn không hở mẹ? Tôi lăng xăng ra vẻ thông thạo. Không, giống bầu này là “bầu thúng”, không cần làm giàn - mẹ cười. “Bầu thúng” ư, cái tên lạ lẫm lần đầu tôi nghe. Xưa nay, nói tới bầu, tôi lập tức hình dung ngay những kiểu trái dài thuôn hay hình chiếc “hồ lô” buông lủng lẳng xuống từ giàn cao. Thứ bầu ấy nhà bác Tám hàng xóm vẫn trồng.
Không làm giàn, nhưng khi bầu lớn, tua tủa thò vươn những chiếc “tay” xanh biếc cong cong nơi đầu ngọn lù xù, mẹ cũng nhượng bộ đi kéo nhánh chà tre bỏ giữa vạt đất cho dây đu, bò, bớt phần chen chúc. Đất tốt, thêm những trận mưa đầu mùa tưới tắm cho mấy dây bầu thúng ngày càng mướt xanh, chớp mắt bầu đã tỏa trùm, ôm kín cả vạt đất hoang không chừa một lỗ hở dành cho cỏ mọc! Bắt đầu lấp ló những nụ hoa trăng trắng. Bắt đầu xuất hiện lũ ong, bướm vo ve.... Vài hôm, mẹ kêu: “Có trái rồi”. “Đâu, đâu?” - Tôi háo hức chong mắt len lén nhìn theo tay mẹ. Mẹ cẩn thận dùng que dài lật cái lá bầu to cho tôi thấy một trái bầu non vừa đậu, to cỡ nắm tay, nằm trốn dưới đám lá sum suê. Tròn ủm, hệt như trái bí rợ (bí ngô), nhưng da lại nhạt xanh, lốm đốm giống da trái bầu. “Khi nào bầu lớn, con sẽ biết vì sao nó có tên là “bầu thúng”...” - mẹ cười bí mật.
Tôi mong mau tới ngày đó lắm, bữa nào cũng chạy ra thăm. Trái lớn rất nhanh, nháy mắt đã bằng cái rổ con. Rổ nhỡ. Rồi rổ to. Mẹ cẩn thận bê trái bầu lên, lót bên dưới một lớp rơm êm phòng ngừa bầu bị thối hoặc sâu bọ dưới đất đục phá. Giờ thì mẹ nói đúng: Trái bầu trưởng thành, lộ diện sau lớp lá không còn đủ sức phủ che, ngạo nghễ nằm ềnh trên rơm, tròn to như... cái thúng! Cân nặng phải tới hàng chục kí lô, bởi thằng bé mười tuổi như tôi lặc lè không rinh nổi!
Món “lộc” đầu mùa ấy, mẹ tôi cắt đem chia cho hàng xóm nấu canh ăn lấy may, mỗi nhà một miếng. Bầu thúng ăn ngon hơn bầu dài, mẹ tôi khẳng định và các cô, các chú cũng đều công nhận. Nhược điểm duy nhất của bầu là không sai trái. Vậy nhưng vạt bầu mẹ trồng sau nhà cũng đủ cho gia đình tôi ăn đến “lắc lư” suốt cả mùa mưa. Bầu nấu canh tôm nêm lá é (hương nhu) trắng là một trong những món ăn đệ nhất khoái khẩu của tôi. Chán thì chuyển sang món bầu xào thịt hoặc bầu luộc chấm mắm nêm ăn kèm với cá bống kho tiêu. Giản đơn nhưng lạ miệng thành ngon.
Đó là lần đầu tiên và cũng lần cuối cùng tôi nhìn thấy những dây bầu thúng của mẹ trồng! Mẹ tôi giờ đã thành người thiên cổ. Lục tìm lại kí ức xưa, lòng tôi bỗng thấy nôn nạo, chộn rộn. Tôi chợt hình dung ra những hạt bầu mọc lên, vươn hai chiếc lá mầm xanh mướt, đâu đây xa xôi có bóng dáng mẹ tôi về...
Y Nguyên