Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 06:14 GMT+7

Vào rốn lũ cứu dân

Biên phòng - Áp thấp nhiệt đới, bão số 15 đổ bộ vào đất liền các tỉnh Nam Trung bộ trong đêm 14, rạng sáng ngày 15-11. Qua hai ngày đêm đổ mưa, nước lũ trên các con sông lớn nhanh, nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà, uy hiếp mạng sống của người dân. Bình Định đã huy động tổng lực vào "cuộc chiến với mưa lũ" để ứng cứu người dân, giảm thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Khi lũ đang lên, các chiến sĩ Đại đội Cơ động của BĐBP Quảng Ngãi vẫn lao ra ngụp lặn để tìm người mất tích. Còn tại Quảng Nam, lực lượng BĐBP căng mình giúp dân chạy lũ...

 2981a.JPG Cán bộ chiến sĩ Đồn BP Tuy Hòa, BĐBP Phú Yên cùng bà con ngư dân trực tiếp vớt tàu bị nạn do mưa bão. Ảnh: Phương Oanh.Trắng đêm... vượt lũ cứu dân

Đại tá Lương Ngọc Chinh, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Bình Định, người trực tiếp chỉ huy cán bộ, chiến sĩ BĐBP đi Tây Sơn (Bình Định) cứu dân cho biết: Buổi chiều ngược quốc lộ 19 lên Tây Sơn, ngồi trên xe đã thấy cảnh trâu, bò, gà, vịt, lúa gạo, đồ đạc của dân theo dòng nước chảy xiết của sông Côn trôi đi. Nhiều câu chuyện được người dân vùng lũ kể trong nước mắt. "Có hai vợ chồng đang ngồi cắt rau muống cạnh nhau. Lũ xuống mạnh cuốn trôi người vợ, anh chồng không kịp trở tay. Lại có cụ già được xuồng cứu hộ vớt từ mái nhà bị lũ vây kín. Trên tay, cụ bồng đứa cháu ngoại 3 tuổi đã tắt thở do ngợp nước. Bộ đội đưa xuồng đến cứu, cụ cứ đứng thất thần" - Đại tá Chinh xót xa kể.

Hai ngày cơn lũ đi qua, Bình Định đã có 16 người chết, 1 người mất tích, 95ha lúa bị mất trắng, hơn 350 con trâu bò, 980 con heo, hàng chục ngàn con gia cầm chết. Đại tá Trương Minh Cường, Chỉ huy trưởng BĐBP Bình Định kiêm Phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, huyện Tây Sơn là địa bàn đầu tiên bị lũ dữ hoành hành. Qua điện thoại, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện đã khẩn cấp đề nghị BĐBP giúp tỉnh, đưa lực lượng lên Tây Sơn ứng cứu dân. "Rất nhanh, chúng tôi quyết định thuê xe, cẩu ca nô từ bến đậu Quy Nhơn lên xe ô tô và nhanh chóng xuất phát. Hơn 40km từ TP Quy Nhơn ngược quốc lộ 19, đoàn xe di chuyển chậm vì nhiều đoạn nước ngập sâu, sạt lở. 19 giờ tối, đoàn xe của BĐBP đã lên tới Tây Sơn" - Đại tá Cường kể.

Vào đến điểm tập kết, xe cẩu nhanh chóng đưa ca nô xuống nước. Đêm tối do toàn bộ khu vực đã bị cúp điện, lực lượng cứu hộ phải bật đèn xe ô tô để soi đường, kết hợp ánh đèn ca nô. Dưới ánh sáng nhập nhòa, cả địa bàn mênh mông sóng nước, nhiều chỗ nước chảy mạnh và xiết, lũ lại tiếp tục dâng nhanh. Với sự hướng dẫn của cán bộ xã, anh em đã lần sâu vào các ngả đường, ngõ ngách, đến từng nhà dân vùng bị ngập. Tại các nhà dân, nước ngập đã lên hơn 1m. Nhiều người hoảng hốt, đứng bên cửa sổ gọi cứu. Có nhà bị nước ngập lút mái, người dân phải mở ngói chui lên trên. Mặc mưa lớn phủ xuống rát mặt, lại bị lạnh cóng vì ngâm mình trong nước lũ nhiều giờ, cán bộ, chiến sĩ vẫn gắng sức. 1 giờ sáng, nước lũ lên đỉnh, những cụ già, trẻ em cuối cùng mắc kẹt trong lũ ở địa bàn ngập nặng nhất là xã Tây Vinh đã đưa đến nơi an toàn. Sáng hôm sau, mưa đã ngưng, nước sông Côn bắt đầu xuống, những nhà người dân đã rút nước, anh em BĐBP lại đưa dân trở về nhà và cùng dọn dẹp sau lũ.

Cứu người giữa biển nước

Tại tỉnh Quảng Ngãi, nước lũ lên nhanh vùn vụt. Đến sáng 16-11, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn đã báo cáo khẩn, lũ trên các sông trong tỉnh Quảng Ngãi đang xuống chậm. Huyện miền núi Quảng Ngãi có 11 điểm nguy cơ sạt lở cao. Hơn 45ha nuôi tôm của các hộ dân ven biển bị thiệt hại nặng... Giữa biển nước đó, lực lượng quân đội đã dàn quân, có mặt khắp nơi để chống lũ cứu dân.

Tại xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, do lượng nước trên nguồn đổ mạnh xuống hạ lưu khiến ngư dân chới với vì nhiều tàu, thuyền đứt neo trôi tuột ra phía cửa biển. Trong đó, 13 tàu đã lọt ra cửa, chở theo các ngư dân trôi dạt cách xa bờ. Các ngư dân trên tàu kêu cứu. Tàu của BĐBP đã tổ chức ra biển cứu được 5 tàu cá và 6 ngư dân. Hiện nay, có 3 tàu đã bị chìm. Còn lại 5 tàu của ngư dân các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức trở thành tàu vô chủ trôi dạt trên biển, ngư dân địa phương đang tổ chức tìm kiếm. 

Trưa 16-11, khi những cơn mưa vừa ngớt, nghe thông tin về người dân đã bị lũ cuốn trôi, Đại đội Cơ động, BĐBP Quảng Ngãi đã cử hàng chục chiến sĩ mặc áo phao lao vào vùng nước xoáy cứu dân. 2 nạn nhân là Phan Tấn Hinh và Nguyễn Ngọc Anh đã bị lũ cuốn trôi cả người và xe. Dòng nước xiết cuốn nạn nhân về phía hồ nước sâu. Các chiến sĩ đã lao xuống dòng nước từ trưa cho đến gần chiều thì vớt được một nạn nhân. Khi trời sập tối, anh em tiếp tục phối hợp với lực lượng dân quân tại địa phương vớt được nạn nhân thứ 2.

Trước tình hình lũ, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ngãi đã triển khai 100 cán bộ, chiến sĩ có mặt tại các địa bàn thiệt hại để tham gia khắc phục hậu quả. Các chiến sĩ tập trung tại các trường học, nhà dân để giúp đỡ bà con dựng lại nhà cửa, chà rửa bàn ghế. Để giúp đỡ đồng bào vùng cao, BĐBP đã chở dù bạt lên huyện Sơn Hà để giúp cho người dân có nơi ở tạm.

 286a.JPG Đại đội Cơ động, BĐBP Quảng Ngãi đang cứu người bị nạn. Ảnh: CTV.Giúp dân chạy lũ

Trong những ngày qua, Quảng Nam phải đối chọi với cơn "đại hồng thủy", các huyện Đại Lộc, Nam Giang, Duy Xuyên, Thăng Bình, TP Hội An đã sơ tán trên 17 ngàn dân (gần 4.300 hộ) đến nơi tránh lũ. BĐBP tỉnh luôn có mặt tại các điểm nóng để giúp dân.

Tại rốn lũ Đại Lộc, nhiều đoạn đường vẫn bị chia cắt, đặc biệt là khu vực cầu Quảng Huế đi Đại Cường và đi huyện vùng cao Nam Giang, người dân vẫn phải di chuyển bằng thuyền, ghe. Đây cũng là vùng bị cát bồi lấp ruộng vườn nhiều vào bậc nhất của Đại Lộc. Tại huyện Điện Bàn, các thôn Ngân Câu, vùng ven sông Tứ Câu nước cũng ngập nhiều tuyến đường liên thôn, khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn trong lưu thông...

Tại xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Bình Minh cùng lực lượng dân quân tổng cộng trên 50 người, huyện tăng cường thêm 3 xe xúc khẩn trương tập trung cứu nguy cho chiếc cầu tạm Bình Đào. Nước dâng nhanh, kéo theo một khối lượng bèo và rau muống khổng lồ tấp kín gầm cầu.

Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, tính đến trưa 17-11, lũ đã làm chết 4 người và 1 người mất tích. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả do lũ gây ra; bố trí lương thực, thực phẩm giúp nhân dân sau lũ; huy động lực lượng giúp người dân dọn vệ sinh môi trường, sửa lại nhà cửa để nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở, tiếp tục sản xuất. Những làng xóm tất bật giúp dân khắc phục hậu quả luôn có hình ảnh của các chiến sĩ Biên phòng.

Phương Oanh - Văn Chương - Quốc Vũ

Bình luận

ZALO