Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:17 GMT+7

Vang mãi tiếng chiêng vùng biên ải

Biên phòng - Đối với người Jrai ở xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), cồng chiêng là một nét văn hóa đặc biệt quan trọng gắn liền với cuộc đời mỗi con người từ lúc sinh ra đến khi về cõi A Tâu. Chiêng gắn liền với điệu xoang bên ánh lửa bập bùng và hương rượu cần nồng ấm gắn kết dân làng. Vì vậy, bao năm qua, đồng bào Jrai nơi đây vẫn miệt mài tìm cách lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa của cồng chiêng.

Cồng chiêng là âm thanh gắn bó tình quân dân nơi biên giới. Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O, BĐBP Gia Lai và bà con làng Mít Jep tại nhà rông của làng (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Thùy Dung

Vùng đất chiêng quý

Chúng tôi ghé thăm xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) khi người làng đã vào mùa “ăn nằm uống tháng”. Đây cũng là lúc những cơn gió se lạnh phảng phất khắp đất trời Tây Nguyên để báo mùa Xuân về. Như đã hẹn từ trước, già làng Rơ Châm Hyai, người có uy tín ở làng Mít Jep đã có mặt ở đầu làng để đón những vị khách phương xa.

Trong hương rượu cần nồng ấm, già làng Hyai ngược miền kí ức đưa chúng tôi về thăm một không gian văn hóa cồng chiêng của người làng Mít Jep. Qua lời kể của già Hyai, chúng tôi như chìm đắm trong tiếng chiêng, điệu xoang uyển chuyển của thanh niên, trai tráng trong làng. Bên ánh lửa bập bùng, những đôi chân trần cùng nhau nhảy múa trong tiếng cồng chiêng. Trong men say núi rừng giữa chập chờn hư ảo, tiếng hát khan của những nghệ nhân vang lên cho đến rạng sáng...

Ngàn đời nay, người làng Mít Jep coi cồng chiêng là một phần không thể thiếu trong cuộc đời người Jrai. “Người Jrai từ khi sinh ra, lớn lên cho đến khi về với ông bà đều có sự góp mặt của cồng chiêng. Chiêng đại diện cho tiếng nói, tâm tư của người làng đến với thần linh, cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, nhà nhà no đủ. Chiêng cũng là tiếng nhạc mừng khi con người sinh ra, cũng là tiếng buồn ai oán đưa người về cõi A Tâu” - già Hyai kể.

Cũng bởi từ tình yêu chiêng, tin vào sự gắn kết giữa con người với các đấng thần linh mà người làng Mít Jep ai ai cũng phấn đấu làm ăn, kiếm tiền để mua chiêng quý. Cồng chiêng thể hiện cho sự sung túc, ấm no, quyền thế. Nhà ai càng nhiều chiêng, chứng tỏ nhà đó càng giàu có.

“Ngày trước, nhìn vào một ngôi làng hay một gia đình nào đó là biết được sự giàu có của họ. Nhà sung túc là phải nhiều trâu, nhiều bò, nhiều lúa thóc và đặc biệt là nhiều cồng chiêng. Có lẽ, ý niệm đấy vẫn được giữ trong mỗi người, cho đến nay, xã Ia O là nơi gìn giữ được nhiều cồng chiêng hơn hẳn so với các xã lân cận. Toàn làng mình hiện nay có 47 bộ chiêng, trong đó, có 28 bộ chiêng quý lên tới hàng trăm triệu đồng” - già Hyai cho biết thêm.

Xuân về đan áo mới cho chiêng

Đi qua hàng chục mùa rẫy, đôi mắt của những già làng ở Mít Jep cũng chẳng còn tinh anh như thời trai trẻ. Đôi bàn tay của họ đầy vết chai sạn, nứt nẻ, nhưng vẫn còn sự khéo léo, nhanh nhẹn và thuần thục trong việc đan áo cho chiêng. Những ngày giáp Tết, khi hạt lúa trên nương đã ngủ yên trong kho thóc, họ lại tranh thủ thời gian đi chặt tre để về làm áo chiêng.

Đưa đôi tay chỉ vào những bó phên nứa đã được tước sẵn trong góc nhà rông, già Hyai kể: “Nghề may áo cho chiêng đã có từ rất lâu, từ nghề đan lát truyền thống, người làng biến hóa ra nhiều vật dụng phù hợp với nhu cầu cuộc sống. Và cũng từ tình yêu với cồng chiêng, người làng đã sáng tạo ra cách đan áo chiêng để bảo vệ chiêng quý”.

Già làng Rơ Châm Hyai, người có uy tín của làng Mít Jep là một trong những người có công bảo tồn và phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng vùng này. Ảnh: Thùy Dung

Tiếp lời già Hyai, già Ksor Huyên, một nghệ nhân đánh chiêng và cũng là một trong những người may áo cho chiêng đẹp có tiếng của làng Mít Jep cho biết: “Chúng tôi học được nghề may áo cho chiêng từ khi còn trai trẻ. Thời đó, các nguyên liệu như tre, nứa, mây ở trên rừng vẫn còn nhiều nên chỉ cần lên rừng chặt mang về là có”.

Nghề may áo cho chiêng đòi hỏi nghệ nhân phải tập trung, tỉ mỉ. Tùy vào sự sáng tạo, sự khéo léo của nghệ nhân mà mỗi chiếc áo chiêng mang một vẻ đẹp khác nhau. Tiếng lành đồn xa, vào những ngày giáp Tết, những người con yêu chiêng khắp các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Kon Tum đều tìm đến làng Mít Jep đặt làm áo mới cho chiêng để đón mùa Xuân về.

Nỗ lực bảo tồn di sản

Giới thiệu sơ qua về đội chiêng của làng Mít Jep rồi già Hyai bộc bạch: “Giá trị của cồng chiêng mãi vẹn nguyên trong trái tim của những người con của làng Mít Jep, đặc biệt là những người đã được nuôi dưỡng trong tiếng chiêng từ lúc lọt lòng mẹ như thế hệ của mình. Vì vậy, người làng Mít Jep luôn tìm cách để giữ gìn, bảo tồn và phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại”.

Tranh thủ thời gian khi đội chiêng vào vị trí, anh Ksor Bư, Trưởng đội cồng chiêng làng Mít Jep chia sẻ với chúng tôi: “Người xưa đã có công sáng tạo ra những vẻ đẹp văn hóa mang tính cộng đồng như cồng chiêng, nên ngàn đời nay, người làng rất trân trọng và gìn giữ qua bao thế hệ. Âm nhạc cồng chiêng như mạch nguồn chảy mãi, vang vọng khắp núi rừng và gắn kết người với người. Với chúng tôi, cồng chiêng là cái hồn cốt của người Tây Nguyên. Vì vậy, người Jrai nơi đây vẫn luôn tìm cách giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, để tiếng chiêng vang mãi nơi miền biên giới Ia O”.

Ông Ksor Tuâng, Phó Chủ tịch UBND xã Ia O cho biết: “Toàn xã Ia O có 349 bộ chiêng, trong đó, có 153 bộ chiêng quý và 9 đội chiêng. Thời gian qua, nhằm phát huy tối đa các giá trị văn hóa của người đồng bào Jrai, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể nhân dân, đặc biệt là trong việc truyền dạy cồng chiêng, giữ nghề đan áo chiêng và giữ gìn cồng chiêng trong gia đình”.

“Để giúp người dân có thêm động lực giữ gìn văn hóa, xã Ia O cũng tích cực tổ chức nhiều hoạt động văn hóa gắn với cồng chiêng, đưa đội cồng chiêng đi tham gia các hoạt động văn hóa do tỉnh, huyện tổ chức. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền và quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn cồng chiêng trên địa bàn xã. Từ đó, tạo tiền đề để phát triển du lịch gắn với văn hóa truyền thống, giúp người dân có thêm thu nhập để vừa bảo tồn văn hóa, vừa phát triển kinh tế” - ông Ksor Tuâng cho biết thêm.

Màn đêm bắt đầu buông xuống, mang theo cái lạnh buốt giữa thung sâu, anh Ksor Bư nhanh chóng ra hiệu cho nhóm cồng chiêng, xoang chuẩn bị đội hình để bắt đầu những tiếng chiêng đầu tiên. Chúng tôi nhấp một ngụm rượu cần cho vơi đi cái lạnh của vùng biên ải những ngày cuối năm, rồi cùng người làng chìm trong tiếng cồng chiêng, điệu xoang uyển chuyển của những cô sơn nữ vùng sơn cước giữa màn đêm hư ảo.

“Một chiếc áo chiêng có giá trị từ 1.500.000 - 1.600.000 đồng tùy vào kích cỡ. Nếu tập trung làm liên tục thì mất khoảng 3-4 ngày là xong một chiếc áo chiêng. Hiện nay, vì nguồn nguyên liệu đã khan hiếm dần nên nguyên liệu đan áo chủ yếu là làm bằng tre” - già Ksor Huyên cho biết thêm.

Thùy Dung

Bình luận

ZALO