Biên phòng - Thành lập tháng 11-1993, cán bộ, chiến sĩ Đội Tuyên truyền Văn hóa BĐBP Quảng Bình luôn vững tâm, bền chí cất lên những câu hát nối chiều dài biên giới của Trường Sơn đại ngàn, của biển cả mênh mông. Họ đã hát cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc nghe bằng cả trái tim mình câu hát "Chiều dài biên giới, dài theo bước chân chúng tôi, những đỉnh núi mờ sương, tiếng sóng vỗ trùng dương, nghe đất quê hương hát cùng bước chân chúng tôi".
Nhiều năm qua, Đội Tuyên truyền Văn hóa BĐBP tỉnh luôn miệt mài, len lỏi đến các địa bàn xa nhất, khó khăn nhất trên hai tuyến biên giới của tỉnh để biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Một năm đi đủ dăm ba vòng biên giới biển, rừng, rồi tập, rồi đi diễn, cứ như vậy, bất kể dù mùa mưa hay nắng.
Nhập ngũ tháng 3-1988 và là nhân viên của đội từ ngày đầu tiên thành lập, Thiếu tá Võ Thị Thanh Tình kể cho tôi nghe khá nhiều câu chuyện, nhiều kỷ niệm về những lần đi biểu diễn ở các địa bàn biên giới, biển đảo. Trong ký ức sâu thẳm của mình, Thiếu tá Tình vẫn nhớ như in về một chuyến đi biểu diễn tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (địa bàn của Đồn Biên phòng Cà Roòng) vào tháng 10-1998. Xuất phát từ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, chẳng ai nghĩ là trời sẽ mưa, vậy mà khi xe vừa rẽ vào đường 20, qua “Hang 8 cô” khoảng chừng gần 10km thì trời bỗng nhiên sấm chớp đùng đùng và mưa tuôn xối xả.
Chiếc xe GAT66 tuy đã được phủ bằng bạt khá cẩn thận, nhưng mưa vẫn tạt vào. Thế là toàn bộ áo mưa cá nhân đều được huy động để che cho trang thiết bị, đạo cụ, phục trang biểu diễn, còn anh chị em phải chịu ướt, ôm nhau ngồi dúm dó vào góc thùng xe. Do suối ngầm km 44 dâng to và chảy xiết nên xe không vào được tới đồn, đội nghỉ lại tại một bản nhỏ bên đường. Trong khi cả đội đang xì xụp húp mì tôm thì bà con dân bản mỗi nhà cầm một típ xôi cùng với thức ăn, có cả thịt gà đem đến cho bộ đội ăn. Tối đó, vây quanh bếp lửa nhà trưởng bản, toàn đội thay nhau hát cho bà con nghe đến nỗi đêm trôi qua lúc nào không ai biết, chỉ đến khi những chú gà trong bản cất tiếng gáy thì mọi người mới nằm chợp mắt để sáng mai hành quân sớm cho kịp vào tới đồn.
Còn Thượng úy Đoàn Thị Thanh Trâm lại ấn tượng nhiều với những lần đi biểu diễn ở địa bàn tuyến biển. Hơn 10 năm hoạt động trong đội, những chuyến lưu diễn phục vụ đồng bào vùng biển là những lần Trâm “sợ” nhất, bởi vốn dĩ cơ địa của Trâm rất nhạy cảm với loại bọ chét, loài côn trùng ở lẫn trong cát, rất khó nhìn thấy bằng mắt thường nhưng khi bị chúng đốt, nếu cơ địa ai không chịu được thì sẽ bị mưng mủ và lở loét.
Trâm nói: “Có đợt, đội thực hiện nhiệm vụ biểu diễn tuyên truyền các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh, của lực lượng nên phải đi khá dài ngày, xuyên suốt từ Đồn Biên phòng Roòn vào đến tận Đồn Biên phòng Ngư Thủy, thời gian phải kéo dài cả tuần thì cũng chừng ấy đêm em không ngủ được vì bị bọ chét cắn”.
Thương lắm các anh, các chị, những “chiến sĩ văn công Biên phòng” nối chiều dài biên giới, nối tình đoàn kết giữa miền núi với miền xuôi bằng những câu hát, điệu hò. Thương những người con gái “chân yếu, tay mềm” nhưng cũng đàn, sáo trên vai, đi bộ cả nửa ngày đường để phục vụ bà con dân bản. Trên sân khấu, nét mặt ai cũng tươi cười rạng rỡ, nhưng kết thúc đêm diễn lại lăn dài dòng nước mắt vì thương con phải ngủ nhờ nhà hàng xóm. Nhiều khi đường xa, dốc cao, đi bộ đến điểm diễn trời đã tối, bà con dân bản kéo nhau đứng đầy sân, cơm nấu ra không kịp ăn, sân khấu sáng đèn là múa, là hát, miệng cười với khán giả, nhưng trong bụng, cơn đói cồn cào.
Chương trình chính kết thúc, cả đội lại thay nhau ăn vội bát cơm rồi tiếp tục hát cho bà con nghe. Sương núi xuống lạnh, dân bản mới chịu ra về, cả đội chợp mắt một lúc đã phải lục đục kêu nhau dậy đi cho kịp tới điểm diễn khác. Từ lâu lắm rồi, Đội Tuyên truyền Văn hóa BĐBP Quảng Bình đã trở thành “người con yêu” của bản làng vùng cao, của dân chài làng biển. Nhiều địa bàn xa xôi như Cha Lo, Cà Rọng, Làng Ho, Cà Xèng..., đội đều có mặt, phục vụ nhiệt tình, thoả mãn sự mong mỏi nhiều năm của người dân không được xem biểu diễn nghệ thuật.
Đại úy, nhạc sĩ Lê Đức Trí, Đội trưởng kể thêm: Ngày trước, đường lên vùng cao còn khó khăn lắm, chỉ có loại xe ba cầu hoặc GAT66 mới đến được điểm diễn. Mỗi lần đi, tất cả phải chuẩn bị tinh thần, xác định tư tưởng bởi chẳng biết lúc nào mới về lại miền xuôi. Có chuyến, đội đi diễn xuyên biên giới từ 3 đến 5 ngày ròng rã, anh em trong đội phải chuẩn bị mì tôm, cá khô để nấu ăn dọc đường, nhiều đêm ngủ ở nhà dân bản, chị em phải nằm trong nong phơi lúa, phơi ngô của bà con..., vất vả lắm nhưng được cái đi đến đâu, đội cũng được bà con dân bản quý mến.
Ngoài nhiệm vụ biểu diễn phục vụ bà con các dân tộc trên 2 tuyến biên giới, đội còn phục vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đón tiếp các đoàn khách nước ngoài đến hội đàm hay các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức những sự kiện chính trị lớn.

Hơn 20 năm hoạt động, đội đã xây dựng được hàng trăm chương trình, thời lượng từ 90-120 phút cho mỗi chương trình (trong đó, có trên 70% là do đội tự xây dựng). Bên cạnh sự nỗ lực của anh chị em diễn viên, đội luôn nhận được sự quan tâm của Sở Văn hóa, Thể thao, Trung tâm Văn hóa tỉnh. Thông qua chương trình phối hợp, hàng năm, hai đơn vị đã tổ chức được nhiều lớp tập huấn về kỹ năng âm nhạc, đàn organ, trau dồi thêm chuyên môn về công tác tổ chức các buổi giao lưu, văn nghệ...
Với thành tích đạt được, từ năm 1993 đến nay, đội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư lệnh BĐBP, UBND tỉnh Quảng Bình tặng nhiều Bằng khen và phần thưởng xứng đáng. Qua các đợt liên hoan, hội diễn các cấp, đội đã được tặng 21 Huy chương Vàng, 25 Huy chương Bạc cho tập thể, cá nhân và 32 Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư lệnh BĐBP và UBND tỉnh Quảng Bình.
Hơn 20 năm, những người chiến sĩ văn hóa-văn nghệ BĐBP Quảng Bình đã hát cho bà con các dân tộc trên khắp bản làng nơi miền biên viễn xa xôi, nơi thăm thẳm miền quê cát trắng những câu hát nối chiều dài biên giới. Nếu không có các anh, các chị thì có rất nhiều bản làng vùng cao biên giới của tỉnh Quảng Bình, người dân sẽ chẳng bao giờ biết chương trình biểu diễn nghệ thuật là gì.
Nguyễn Thành Phú