Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:20 GMT+7

Vẫn vẹn nguyên tinh thần Cách mạng Tháng Tám

Biên phòng - Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Để làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vẻ vang có sự góp sức, chung tay của rất nhiều lực lượng, trong đó, Mặt trận Việt Minh là lực lượng nòng cốt, thu hút đông đảo các giai tầng xã hội tham gia. Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tại Hà Nội thời ấy là đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng khóa VI. Dù đã bước sang tuổi 92, nhưng khí thế hừng hực của mùa Thu cách mạng năm nào vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông.

9vqs_8a
 Ông Vũ Oanh vui vẻ kể chuyện về những ngày Cách mạng Tháng Tám sôi nổi, với phóng viên báo Biên phòng. Ảnh: CTV

Trưởng thành từ học sinh trường Bưởi

Trong những ngày mùa Thu tháng Tám lịch sử, chúng tôi tìm đến căn hộ tập thể của ông Vũ Oanh trong một con ngõ nhỏ, phố Đội Cấn (Hà Nội). Năm nay, sức khỏe có phần giảm sút nhiều nhưng ông vẫn dành thời gian tiếp đón chúng tôi hết sức cởi mở, chân thành. Trò chuyện với ông khiến tôi thật sự bất ngờ bởi trí nhớ kỳ diệu của vị cao niên đã ngoài 90 tuổi. Cho đến nay, ông vẫn còn nhớ như in những năm tháng hoạt động cách mạng sôi nổi thời tuổi trẻ. Tôi có cảm giác ông đã cất giữ thời quá khứ tuổi trẻ đôi mươi đó trong trí nhớ, chỉ cần khơi lại là nó sẽ như dòng suối nguồn tuôn chảy.

Kể về quá trình đi theo cách mạng của mình, ông Vũ Oanh cho biết, năm 12 tuổi, ông được người anh ruột là Vũ Duy Hiệu (vốn là một chiến sĩ cộng sản mới thoát khỏi nhà tù Côn Đảo trở về) truyền cho nhiều kiến thức về lòng yêu nước, sự bóc lột đến tận xương tủy của bọn thực dân Pháp xâm lược, về nỗi nhục nước mất nhà tan. Nhờ những bài học "vỡ lòng" đó mà năm 15 tuổi (1939), khi lên học trường Bưởi (tức trường Chu Văn An, Hà Nội hiện nay), ông đã tìm hiểu và bí mật gặp gỡ, vận động các bạn thân ủng hộ và tham gia cách mạng.

Tháng 9 năm 1940, ông cùng một số các bạn trong trường lập ra tổ chức bí mật học sinh trường Bưởi và lấy tên là Đội Ngô Quyền. Ban đầu, Đội có 8 người do Vũ Oanh làm đội trưởng. Chỉ trong thời gian ngắn, Đội đã phát triển lên 40 người và gia nhập Đoàn Rồng, một tổ chức học sinh được nhà trường cho phép hoạt động công khai. Vũ Oanh lợi dụng vỏ bọc đó để Đội Ngô Quyền có điều kiện tuyên truyền hoạt động. Người đội trưởng giàu chí khí ấy luôn dìu dắt Đội xung kích đi đầu trong các hoạt động cách mạng.

Sau đó, ông được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc (TNCQ) thuộc Mặt trận Việt Minh tại Hà Nội. Một thời gian sau, lần lượt các đội viên Đội Ngô Quyền của trường Bưởi đã được Vũ Oanh giới thiệu vào Đoàn TNCQ. Vũ Oanh được cử làm Bí thư Ban chấp hành Đoàn TNCQ Hà Nội. Tháng 9 năm 1942, Vũ Oanh cùng Hoàng Văn Khánh đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của ông. Từ những hạt giống này, ngọn lửa cách mạng âm ỉ mỗi ngày một lan rộng trong phong trào thanh niên, học sinh Hà Nội.

Thủ lĩnh Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu

Tháng 8 năm 1943, Chi bộ Đảng trong tổ chức TNCQ được thành lập. Vũ Oanh được cử làm Bí thư Chi bộ khi vừa tròn 20 tuổi. Trong vai trò Bí thư, ông đề xuất với Ban cán sự Đảng TP Hà Nội nhanh chóng thành lập Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong (TNTTXP) thành Hoàng Diệu vào tháng 5 năm 1944. Đề nghị của ông được chấp thuận. Ông được phân công là Ủy viên Ban cán sự phụ trách công tác vận động thanh niên, trực tiếp làm nhiệm vụ xây dựng tổ chức Đội TNTTXP thành Hoàng Diệu. Vũ Oanh đã đích thân mời Hà Minh Tuân làm Đội trưởng gồm 5 đội viên, tất cả đều ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi. Vũ Oanh luôn theo sát các hoạt động của Đội, cùng lên kế hoạch, giao việc cho từng người, triển khai công tác tuyên truyền. Sau một thời gian hoạt động thắng lợi ở ngoại thành, Đội đã lập phương án táo bạo vào giữa lòng Hà Nội tổ chức tuyên truyền công khai.

Đội TNTTXP thành Hoàng Diệu hoạt động ngày càng sôi nổi và phát triển mạnh. Các hoạt động tuyên truyền của Đội không ngừng được đẩy mạnh, gây ảnh hưởng lớn trong thành phố. Cùng khí thế cách mạng ngày càng sục sôi, Đoàn TNTTXP thành Hoàng Diệu xuất hiện ở mọi nơi, trên các toa tàu điện và diễn thuyết trong các rạp hát, trường học… hô hào nhân dân đánh Pháp, đuổi Nhật và tham gia phá kho thóc ở làng Mọc thành công, góp phần làm cho nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào Việt Minh, tin tưởng vào cuộc đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng nhất định thắng lợi.

Sau khi đảo chính Pháp, phát xít Nhật tăng cường lực lượng mật thám, tay sai ngày đêm vây ráp, dùng mọi thủ đoạn nham hiểm nhằm tiêu diệt lực lượng Việt Minh. Nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt, bị tra tấn, tù đày. Trước tình hình đó, Vũ Oanh đề xuất với Thành ủy Hà Nội cho thành lập Đội vũ trang đặc biệt để tiễu trừ những tên Việt gian đầu sỏ nguy hiểm. Đề xuất trên được chấp thuận, ông được giao nhiệm vụ thành lập và phụ trách Đội vũ trang đặc biệt, còn gọi là Đội danh dự Việt Minh. Những chiến công vang dội của Đội danh dự Việt Minh càng làm cho nhân dân cảm phục, tạo được thanh thế, làm cho uy tín của Việt Minh càng được nâng cao.

Tổng khởi nghĩa giành chính quyền

Ngay từ đầu năm 1945, không khí cách mạng sục sôi ở Hà Nội. Phong trào Cứu quốc phát triển rất nhanh. Nhờ có công tác tuyên truyền, vận động quần chúng của Đoàn TNTTXP thành Hoàng Diệu đã tạo nên một cao trào chuẩn bị khởi nghĩa thôi thúc lòng người. Tình hình thế giới lúc đó có những chuyển biến rất nhanh chóng, rất thuận lợi cho cách mạng. Phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Đây là cơ hội nghìn năm có một để nhân dân Việt Nam đứng lên giành độc lập, tự do cho dân tộc. Vì vậy, Đại hội Quốc dân ở Tân Trào nhanh chóng được triệu tập để quyết định những vấn đề quốc sách. Đại hội Quốc dân diễn ra tại đình Tân Trào (thôn Tân Lập, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) trong hai ngày 16 và 17-8-1945.

Những ngày diễn ra Đại hội, Tân Trào và cả nước sống trong một ngày hội lớn: Ngày hội đại đoàn kết dân tộc. Vũ Oanh đã được Xứ ủy Bắc kỳ cử đi dự Đại hội Quốc dân Tân Trào và báo cáo trước Đại hội về phong trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân Hà Nội. "Trong quá trình hoạt động cách mạng, tôi đều thực hiện tốt các nhiệm vụ. Vì thế, Xứ ủy Hà Nội cử tôi làm Trưởng đoàn đại biểu cách mạng của nhân dân Hà Nội đi dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào. Không bao giờ tôi có thể quên không khí của chuyến đi ấy" - ông Vũ Oanh xúc động.

Ông Vũ Oanh bồi hồi nhớ lại thời khắc lịch sử ngày 19-8-1945. Một quyết định quan trọng được đưa ra: Ủy ban quân sự cách mạng sẽ đứng ra tổ chức cuộc mít tinh trọng thể tại Nhà hát Lớn Hà Nội để ra mắt Ủy ban quân sự cách mạng tuyên bố lật đổ chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim vào sáng ngày 19-8. Sau đó, lực lượng quân sự cùng đông đảo quần chúng cách mạng sẽ chiếm các cơ quan trọng yếu như: Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Bảo an binh...

Đúng 8 giờ sáng 19-8-1945, khi có hiệu triệu của Ủy ban quân sự cách mạng, hàng chục vạn đồng bào từ nội, ngoại thành Hà Nội tưng bừng xuống đường tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa với khí thế long trời lở đất. "Những ngày đó, người dân khắp nơi, không phân biệt già trẻ gái trai, các tầng lớp xã hội, ai là nòi giống Việt Nam đều đoàn kết lại vì lợi ích của đất nước là giải phóng dân tộc" -  ông Vũ Oanh xúc động bày tỏ.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Oanh khẳng định: Bài học quan trọng nhất của Cách mạng Tháng Tám chính là đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào dân, phát huy sức mạnh của toàn dân để giành thắng lợi. Bài học đó vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO