Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:50 GMT+7

Văn nghệ sĩ lan tỏa tinh thần chống dịch bằng tác phẩm âm nhạc

Biên phòng - Trên mặt trận chống dịch Covid-19 đầy cam go, gian khổ hôm nay, không chỉ có sự góp mặt của các lực lượng nơi tuyến đầu, mà các văn nghệ sĩ, lực lượng tuyến sau cũng đã trở thành những “chiến sĩ” xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Trong suốt 2 năm qua, đã có hàng trăm ca khúc âm nhạc ra đời, trở thành thứ vũ khí đặc biệt để chống lại “kẻ thù vô hình” - giặc Covid-19, đồng thời, cổ vũ, động viên lực lượng phòng chống dịch nơi tuyến đầu.

Hình ảnh bộ đội đi chợ giúp dân, hỗ trợ người dân chống dịch an toàn tại TP Hồ Chí Minh trở thành nguồn cảm hứng trong nhiều sáng tác của các nhạc sĩ. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Sức lan tỏa lớn

Trước tiên phải kể đến việc tiên phong trong vận động sáng tác các ca khúc về đề tài chống dịch của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Chỉ trong 2 năm, hàng trăm ca khúc về đề tài chống dịch được ra đời trên cả nước.

Cụ thể, từ tháng 4-2020, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phát động một đợt sáng tác ca khúc về đề tài phòng chống dịch Covid-19 và đã thu được trên 200 tác phẩm. Sau đó, 100 ca khúc chất lượng trong số này đã được tuyển chọn và xuất bản thành một tập ca khúc với tiêu đề “Niềm tin”.

Đến tháng 4-2021, khi làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu lan rộng, ảnh hưởng đến nhiều mặt xã hội, đặc biệt là ở thành phố (TP) Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh phía Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 29-7-2021 và các Chỉ thị, Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ với các giải pháp cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tiếp tục phát động đợt 2 sáng tác các ca khúc để góp thêm tiếng nói động viên, chia sẻ những tình cảm đối với đồng bào, chiến sĩ, đặc biệt là các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.

Chỉ hơn một tuần cuối tháng 7-2021, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nhận được trên 400 ca khúc của các nhạc sĩ hội viên và các tác giả trong cả nước gửi về. Sau đó, từ hơn 400 tác phẩm đó, Hội đồng Nghệ thuật - Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã chọn 20 ca khúc để dàn dựng thu âm, ghi hình, dựng thành clip, với sự tham gia của các nghệ sĩ Đoàn Văn công Quân khu I, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, cùng các nghệ sĩ: Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hưng, ca sĩ Lan Anh, Tùng Dương... kịp thời gửi tới đồng bào, chiến sĩ và đặc biệt là các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch vào cuối tháng 8.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết: “Trong điều kiện giãn cách xã hội, có rất nhiều khó khăn, nhưng nhiều ca khúc cổ vũ công tác phòng chống dịch vẫn được ra đời. Điều đó chứng tỏ ý thức trách nhiệm và nhiệt tình của các nhạc sĩ đối với công cuộc chống dịch, với quyết tâm chia sẻ những giá trị tinh thần với nhân dân, với đồng bào, chiến sĩ lực lượng vũ trang, bác sĩ, những người dân trong vùng dịch”.

Động viên các lực lượng tuyến đầu

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, ngoài các lực lượng là y, bác sĩ không quản ngại gian khổ xông vào tâm dịch, các lực lượng vũ trang mang màu áo xanh cũng đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng giúp dân với nhiều hoạt động thiết thực.

Để cổ vũ lực lượng tuyến đầu, nhiều chiến sĩ áo xanh cũng trở thành nhạc sĩ viết lên những ca khúc ca ngợi đồng đội, những chiến binh thời bình trong trận chiến chống dịch Covid-19. Tiêu biểu như Trung tá Vũ Văn Thành, Đội trưởng Đội Quân nhạc, Bộ Tham mưu, Quân đoàn 4, trong đợt dịch bệnh lần thứ 4 vừa qua, anh đã sáng tác ca khúc “Chống dịch như chống giặc”. Khi nghe ca khúc, chúng ta sẽ thấy lời ca khúc nhẹ nhàng, gần gũi, nhưng rất sâu lắng theo giai điệu tango, mang lại những cảm xúc đặc biệt, niềm tự hào về Bộ đội Cụ Hồ trên tuyến đầu để bảo vệ nhân dân.

Nghệ sĩ Ưu tú Đinh Cương với tác phẩm "Sợ cô nào hơn" (tác giả Lâm Cầu Hầm) đã giành giải Nhất cuộc thi bình chọn "Tác phẩm âm nhạc dân gian tuyên truyền dịch Covid-19". Ảnh: Nguyễn Hoàng

Trung tá Vũ Văn Thành cho biết: “Hằng ngày, theo dõi thông tin của đồng đội ở đơn vị đang công tác nơi tuyến đầu chống dịch vô cùng khắc nghiệt và gian khổ, cũng như tin tức thời sự về dịch bệnh, tôi thấy bản thân cần phải làm gì đó để góp phần cùng toàn dân, toàn quân chống dịch. Những cảm xúc cứ ngày càng dâng trào và tôi bắt đầu vừa viết lời, vừa viết nhạc cho ca khúc “Chống dịch như chống giặc”. Ca khúc này đã được hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2021)”.

“Sau khi ca khúc hoàn thành, tôi muốn gửi ca khúc này đến với lực lượng tuyến đầu, như một món quà tinh thần động viên những con người đang thầm lặng chiến đấu với “kẻ thù giấu mặt” - giặc Covid-19. Những lực lượng tuyến đầu này có bác sĩ, y tá, các đồng đội áo lính... vẫn đang ngày đêm trên mặt trận chống dịch để giữ bình yên và an toàn cho người dân”, Trung tá Vũ Văn Thành chia sẻ.

Cũng là tác giả có nhiều ca khúc sáng tác trong đại dịch, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên cho biết: “Trong 2 năm nay, tôi đã viết một số ca khúc nói lên tình cảm của mình đối với những người trong cuộc chiến chống đại dịch, nhất là ca ngợi tấm lòng của các y bác sĩ, những chiến binh áo trắng trên tuyến đầu chống dịch. Đây là lực lượng vất vả nhất trong 2 năm qua, họ đã hy sinh cả sự riêng tư, gia đình... để một lòng một dạ đi chống dịch”.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, vừa qua, ông cũng đã tình cờ đọc được bài thơ của một người bạn mình, là nhà báo Lê Văn Nuôi viết về TP Hồ Chí Minh trong trận chiến chống dịch. Những cảm xúc âm nhạc đã đến với nhạc sĩ và bài hát phổ thơ “Sài Gòn ơi, trái tim ta đó” ra đời. “Bài hát là tấm lòng của chúng tôi gửi tới hàng nghìn y bác sĩ, sinh viên y tế từ nhiều vùng miền trong cả nước đến với TP Hồ Chí Minh trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh” - nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên khẳng định.

“Thời nào cũng vậy, âm nhạc với sức mạnh lan tỏa nhanh nhạy và sâu rộng trong công chúng, luôn sát cánh, đồng hành cùng dân tộc trên mỗi chặng đường cách mạng. Khi con người đối mặt với sự bấp bênh và hoảng sợ, âm nhạc là liều thuốc an thần giúp con người ta xoa dịu lo lắng, tăng cường kết nối cộng đồng và cùng sát cánh bên nhau hành động, bất chấp mối đe dọa của dịch bệnh” - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.

Nguyễn Hoàng

Bình luận

ZALO