Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:38 GMT+7

Vẫn ngân vang khí phách Anh hùng

Biên phòng - Trong chiến tranh, những cái tên Làng Ho, Tăng Ký (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) đã làm nên nhiều kì tích mà quân thù nghe đến phải khiếp sợ. Hòa bình lập lại, những người lính Đồn Biên phòng Làng Ho, BĐBP Quảng Bình đã phát huy truyền thống anh hùng đó bằng những mô hình, chương trình, góp phần làm chuyển đổi nhận thức cho đồng bào dân tộc Vân Kiều từ bỏ lối sống du canh, du cư, phong tục lạc hậu để xóa đói, giảm nghèo bắt nhịp với cuộc sống mới…

fx9y_7b
Cán bộ Đồn Biên phòng Làng Ho trao đổi công việc với Trưởng bản Tân Ly, ông Hồ Văn Via. Ảnh: Trúc Hà

Tháng 9 ở Trường Sơn nhưng mưa rừng vẫn xối xả không muốn trả lại cho đất trời mùa khô. Ngồi bên hiên nhà, già làng Hồ Văn Đậu kể cho chúng tôi “chuyện ngày xưa” của mảnh đất anh hùng này. Đoàn 559 đã chọn Làng Ho làm điểm tập kết vũ khí, lương thực, thuốc men để vượt đỉnh 1001, khe Hó và dốc Khỉ cao hơn ngàn mét so với mực nước biển để chi viện cho miền Nam. Từ chỗ là điểm tập kết nhỏ, Làng Ho trở thành địa điểm tấp nập của Binh trạm 27, Đoàn 559. Trong mưa bom bão đạn, quân và dân Làng Ho vẫn thực hiện nhiệm vụ của mình.

Đất nước hòa bình, Làng Ho lại ẩn mình vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Những người lính Đồn Công an nhân dân vũ trang Làng Ho (nay là Đồn Biên phòng Làng Ho) ở lại, sát cánh với đồng bào sản xuất và bảo vệ biên giới. Việc giúp đỡ nhân dân có nhiều, nhưng không thể không kể đến việc tận lực giúp đồng bào làm mới, sửa chữa 36 căn nhà gỗ, xây dựng trạm dân quân y kết hợp, nhà văn hóa, làm đường nội bộ, làm cổng chào vào bản, xây dựng nhà vệ sinh với tổng giá trị đầu tư 3 tỷ đồng vào năm 2012.

Đối với Trung tá Dương Đình Hoàn, nguyên Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Làng Ho, đó là những năm tháng không thể quên. Anh nhận quyết định về đồn cũng là lúc đơn vị đang triển khai làm nhà cho nhân dân. Vừa mới ở biển lên rừng, suốt mấy tháng liền anh “ăn cơm đồn, làm việc bản”. Bàn tay chai sần vì xẻ, cưa, đục. Mọi vất vả chỉ tan biến khi Làng Ho khoác lên mình màu sắc mới. Giờ đây, Làng Ho có điện lưới, có những dự án phát triển kinh tế mới giúp bà con thoát nghèo. Không còn cảnh người dân phá rừng làm nương rẫy.

Trạm Quân dân y kết hợp của Đồn Biên phòng Làng Ho là dãy nhà xây khang trang. Phụ trách Trạm quân dân y Làng Ho là Trung tá Trương Tấn Anh và mới được tăng cường thêm Trung tá, y sĩ Trần Đình Dương. Trạm cũng có sự góp mặt của y sĩ người dân tộc Vân Kiều Hồ Thị Phong, mà theo cô thì “làm việc với các anh Biên phòng, em học thêm được rất nhiều thứ mà trong trường không ai dạy”. Không chỉ khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho bà con xã Kim Thủy, Lâm Thủy mà bà con ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - giáp ranh với tỉnh Quảng Bình cũng tìm đến trạm nhờ giúp đỡ khi đau ốm. Vậy nên, các y sĩ lúc nào cũng bận rộn nhưng ai nấy đều vui vẻ, chu đáo với bệnh nhân. Có lẽ, chỉ có ở các trạm quân dân y Biên phòng mới có chuyện y, bác sĩ vừa thăm khám bệnh, vừa hỏi thăm mùa màng, rồi tranh thủ hướng dẫn kĩ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bệnh nhân.

6quw_7a
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho thu hoạch lúa giúp nhân dân bản Tân Ly. Ảnh: Trúc Hà

Những người lính Đồn Biên phòng Làng Ho bây giờ còn “thiết kế” mô hình trồng lúa nước ở bản Tân Ly cho bà con Vân Kiều. Thành công của cây lúa nước ở bản Tân Ly đã giúp bà con chuyển đổi nhận thức từ làm lúa rẫy sang lúa nước để bảo vệ rừng và nâng cao năng suất, tự chủ lương thực. Đặc biệt, ở Tân Ly, dù là người khởi xướng mô hình lúa nước nhưng bộ đội lại rất “nhàn”. Ruộng khai hoang trên chính khu vực rẫy của đồng bào, diện tích khai hoang mới được chia cho những người góp sức, góp công. Bởi vậy, ai cũng rất quý ruộng, không có chuyện ruộng để hoang. Có đường mương dẫn nước đến tận ruộng nên cứ 1 năm hai vụ mùa màng bội thu, người Vân Kiều ở Tân Ly lúc nào cũng tay cấy, tay hái hăng say lao động. Đại úy Trần Công Lương, nhân viên Đội Vận động quần chúng cũng là  “kỹ sư nông nghiệp” của bản Tân Ly, cứ 2-3 ngày anh cũng xuống bản 1 buổi để kiểm tra đường dẫn nước, cây lúa đã phát triển đến đâu...

Trưởng bản Hồ Văn Via cũng là Bí thư Chi bộ bản Tân Ly. Ông bảo, Chi bộ Tân Ly đặc biệt hơn các chi bộ khác là có Phó Bí thư mang quân hàm xanh - Thiếu tá Nguyễn Công Hữu. Thiếu tá Hữu cũng chính là người chủ động phát hiện, bồi dưỡng các quần chúng tốt, từ đó, tham mưu cho chính quyền địa phương kết nạp Đảng. Đó là những thanh niên, phụ nữ xông xáo với việc chung của bản, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Đây là những người có uy tín không chỉ bởi sự nhiệt tình công tác, mà còn chín chắn vì đã trưởng thành trong môi trường quân đội.

Thiếu tá Phạm Duy Bảo, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Làng Ho, đồng thời là thủ lĩnh thanh niên đơn vị, tự hào cho biết:?Những năm qua, chi đoàn đồn Biên phòng đã làm được khá nhiều công trình thanh niên ở các bản làng biên giới. Mới đây nhất, Chi đoàn Đồn Biên phòng Làng Ho đã đứng ra kêu gọi Công ty xăng dầu Quảng Bình ủng hộ xây dựng công trình nước sạch cho giáo viên và học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Lâm Thủy, trị giá 35 triệu đồng. Để tiết kiệm chi phí, tiền chỉ thuê thợ chính, còn thợ phụ, thợ nề do đoàn viên đảm nhiệm. Hay công trình đoàn kết của thanh niên trong bản Cây Bông và Đồn Biên phòng Làng Ho là sân bóng chuyền giúp thanh niên rèn luyện thể thao nâng cao sức khỏe. Rồi mỗi khi đến mùa gặt, chi đoàn của đơn vị lại phối hợp với các chi đoàn kết nghĩa giúp các gia đình người neo đơn, khó khăn thu hoạch lúa. Những hình ảnh đẹp đẽ ấy có thể gặp rất nhiều ở Kim Thủy, Lâm Thủy.

Thượng tá Đào Văn Sơn có câu nói khiến chúng tôi nhớ mãi: “Chúng tôi vẫn tuyên truyền, giáo dục nhân dân trong địa bàn, ngoài dạy con biết yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, còn phải dạy con đất nước Lào là anh em. Thế nên dù vất vả, nhưng anh em trong đơn vị cũng có xá gì”.

Chúng tôi khá bất ngờ khi Đồn Biên phòng Làng Ho nhận đỡ đầu 7 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Thượng tá Đào Văn Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Làng Ho cho biết: Chúng tôi cố gắng làm sao để giúp đỡ được nhiều nhất cho các em học sinh. Bởi vậy, ngoài việc đóng góp từ lương của cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi còn kêu gọi sự giúp đỡ của các đơn vị, các nhà hảo tâm khác. Đơn vị cũng nhận đỡ đầu 1 học sinh Lào tên Hồ Thị Ngần (Trường Nội trú Pha Băng, tỉnh Sa Vẳn Na Khệt). n

 Trúc Hà

Bình luận

ZALO