Biên phòng - Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, trong giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ tảo hôn tại tỉnh Sơn La giảm từ 21,2% năm 2015 xuống còn 13,1% năm 2020. Năm 2021, có hơn 1.020 trường hợp tảo hôn trên tổng số 8.127 cặp kết hôn.

Để giải quyết tình trạng tảo hôn, từ năm 2015, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 30/9/2015 về việc thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn (2015 - 2020)". Kế hoạch đặt mục tiêu giảm 2-3% số cặp tảo hôn/năm.
Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, số cặp tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn giảm rất chậm và chưa đạt so với kế hoạch đề ra của cả giai đoạn. Theo số liệu thống kê của tỉnh Sơn La, tỷ lệ tảo hôn đã giảm từ 21,2% năm 2015 xuống còn 13% năm 2021, bình quân mỗi năm giảm được khoảng 1,5%.
Theo ông Thào Xuân Nếnh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sơn La, một số nơi quan niệm, hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào nhận thức của người dân, trực tiếp ảnh hưởng và chi phối đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Họ cho rằng, cho con kết hôn sớm để gia đình có thêm người lao động hoặc kết hôn trong cùng họ tộc thì mới giữ được tài sản của gia đình, dòng họ. Trong khi đó, trình độ dân trí, hiểu biết về pháp luật và những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở một số nơi còn hạn chế.
Thực tế cho thấy, vấn nạn tảo hôn tạo ra những rào cản rất lớn đối với sự phát triển của phụ nữ và trẻ em gái. Hầu hết các trường hợp tảo hôn đều dẫn tới việc kết thúc con đường học hành rất sớm, đa số dừng lại ở lớp 9. Rất ít trường hợp vẫn tiếp tục được đến trường sau khi lấy chồng. Điều đó có nghĩa là học vấn của phụ nữ tảo hôn rất thấp và không có cơ hội để phát triển sau này.
Bên cạnh đó, tảo hôn cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất và sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản của những người phụ nữ làm vợ, làm mẹ sớm. Một vấn đề khác đã được thực tế chứng minh, tảo hôn là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng đói nghèo, kìm hãm sự phát triển của phụ nữ và xã hội nói chung.
Cẩm Linh