Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 02:55 GMT+7

Văn học về đề tài dân tộc, miền núi: Cần những cú hích

Biên phòng - Nhiều năm qua, dòng văn học về đề tài dân tộc, miền núi luôn có sức sống mạnh mẽ và mang đến màu sắc đa dạng cho bức tranh toàn cảnh văn học Việt Nam. Tuy nhiên, trước sự chuyển mình mạnh mẽ của nhịp sống hiện đại, văn học đề tài dân tộc, miền núi cần những cú hích lớn để bắt nhịp cùng thời đại.

5b478bba471e3c0102000e89
Nhà văn Đỗ Bích Thúy ký tặng sách cho độc giả. Ảnh: Thanh Nguyên

Những tên tuổi nổi danh

Nền văn học Việt Nam đã ghi nhận những tên tuổi lớn, có những đóng góp đáng kể và làm nên những tác phẩm có giá trị sâu đậm về đề tài dân tộc và miền núi mà giá trị đã, đang và sẽ mãi lưu dấu trong lòng người đọc. Có thể kể đến Nguyên Ngọc - Nguyễn Trung Thành với “Đất nước đứng lên”, “Rừng xà nu”, “Rẻo cao”; Tô Hoài với “Vợ chồng A Phủ”; Thu Bồn với “Bài ca chim Chơ rao”; Ma Văn Kháng với “Xa Phủ”, “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Vệ sĩ của Quan Châu”; Cao Duy Sơn với “Đàn trời”, “Chòm ba nhà”, “Những chuyện ở lũng Cô Sầu”, “Hoa bay cuối trời”, “Ngôi nhà xưa bên suối”; nhà thơ Dương Thuấn với “Cưỡi ngựa đi săn”, “Trăng Mã Pì Lèng”; nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với “Những ngọn gió Hua Tát”...

Thế hệ 7X, 8X cũng có những tác giả chuyên sâu và nổi danh với đề tài dân tộc, miền núi. Những sáng tác của họ phần nào phản ánh đời sống, phong tục tập quán, tâm hồn, tình cảm, thân phận, suy nghĩ, tâm tư của những người sinh ra và lớn lên ở miền núi trong mối ràng buộc với thế hệ ông bà, cha mẹ mình.

Tác phẩm của họ có khi hồn hậu, hồn nhiên với những hạnh phúc giản dị bình yên; có khi dữ dội, đau thương trước những nghiệt ngã của số phận, hủ tục; có khi quay cuồng với những đổi thay của xã hội, tìm mọi cách để giữ gìn những giá trị văn hóa của dân tộc mình... Làm thế nào để sống đúng với bản thân, thay đổi được những lề thói không còn phù hợp, nhưng vẫn giữ được hạnh phúc của cá nhân trong hạnh phúc của cộng đồng, là một câu hỏi lớn cần nhiều suy tư, trăn trở của họ.

Có thể kể đến các nhà văn thuộc thế hệ 7X, 8X có tiếng trên văn đàn như: Nhà văn Phạm Duy Nghĩa với “Cơn mưa hoa mận trắng”, “Tiếng gọi lưng chừng dốc”; Niê - Thanh Mai với “Giữa cơn mưa trắng xóa”, “Về bên kia núi”; nhà thơ Hoàng Chiến Thắng với “Gọi ngày xuống núi”, “Sương mù Lũng Noong”...

Trong số các tác giả là người miền núi hoặc từng sống ở miền núi viết về dân tộc, miền núi, phải kể đến Đỗ Bích Thúy. Mảnh đất Hà Giang - địa đầu Tổ quốc - nơi chị sinh ra và lớn lên có rất nhiều tầng lớp văn hóa với những thân phận người mà bao năm nay cứ chảy tràn trên trang văn, ngày càng trở nên đằm thắm và da diết của chị.

Từ những “Ngải đắng ở trên núi”, “Sau những mùa trăng” đưa chị thành tên tuổi nổi bật trên văn đàn, đến những “Bóng của cây sồi”, “Chúa đất”, “Lặng yên dưới vực sâu”... cứ liên tục khắc vào lòng bạn đọc những vết cắt nhức nhối và thương đau về những phận người chông chênh, nơi núi cao chót vót. Buồn thương, da diết, khắc khoải, bồi hồi với tình yêu, khát vọng để vượt thoát hiện thực khó khăn, vươn đến hạnh phúc, hành trình ấy cứ trở đi trở lại trong trang viết của chị khiến cuộc sống của người vùng cao càng trở nên hấp dẫn, bí ẩn và đẹp đến nao lòng với người đọc.

Cần nhiều bứt phá hơn nữa

Nhà văn người dân tộc thiểu số, miền núi và nhà văn viết về đề tài dân tộc, miền núi vẫn đang ghi những dấu ấn quan trọng của mình trong đời sống văn học đương đại. Không chỉ có những tên tuổi gạo cội, gần đây liên tiếp xuất hiện những cây bút gặt hái nhiều thành công với “mảnh đất” giàu tiềm năng này. Có thể kể đến Tống Ngọc Hân, Lý A Kiều, Hoàng Thanh Hương, Nông Quốc Lập, Mã Anh Lâm, H’Phi La Niê, H’Wê Ra Êban, Hồng Nhật Ya Lan, Đinh Su Giang, Y Việt Sa, H’Xíu H’Mok, H’Siêu Êban, Triệu Hoàng Hiếu, Vy Thị Ngọc Hằng, Trịnh Thị Thứ, Lâu Văn Mua, Lý Thị Thảo...

Trong số đó, có rất nhiều tên tuổi đã thành danh, ít nhiều được bạn đọc biết đến hoặc đã có bề dày sáng tác liên tục, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng cũng có những người còn đang chập chững những bước đầu tiên. Nhà văn Tống Ngọc Hân, hiện sinh sống tại Lào Cai, là một trong những nhà văn trẻ đã sớm khẳng định tên tuổi với đề tài viết về miền núi với chất giọng đẹp, thâm trầm, nhiều day dứt. Một số tập truyện tiêu biểu của Tống Ngọc Hân được bạn đọc biết đến như “Mây không bay về trời”, “Huyết ngọc”, “Âm binh và lá ngón”, “Tam không”...

Đường văn của các cây bút trẻ miền núi cũng như tác giả viết về đề tài dân tộc, miền núi còn dài và đòi hỏi không ít mồ hôi, nước mắt, sự nhọc nhằn gian khổ để tránh giẫm vào bước chân người đi trước, khẳng định vị thế, nét riêng của mình. Viết được văn đã khó, nhưng để mang lại điều gì đặc sắc lại càng khó hơn.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thị trường, internet và điện thoại thông minh len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống, kể cả vùng sâu, vùng xa cũng không nằm ngoài xu hướng này. Sẽ có những thay đổi, những hệ lụy, điều quan trọng là người dân tộc thiểu số, miền núi đã và sẽ làm gì để giữ được bản sắc, hồn cốt của dân tộc mình để hòa nhập chứ không bị hòa tan.

Đứng ở góc độ những người cầm bút, các nhà văn trẻ có chấp nhận dấn thân vào phản ánh hiện thực này với ngòi bút nhân văn, sâu sắc hay đi vào những giá trị xưa cũ, tìm sự an toàn trong những áng văn đẹp là lựa chọn của mỗi người. Tuy vậy, sự dữ dội, khốc liệt của đời sống không phải không tạo nên bài ca tuyệt đẹp về tình người.

Trong đói nghèo, lam lũ hay trong thay đổi chóng mặt không phải không có những khoảng lặng đáng nhân lên để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp, kích thích lòng hướng thiện, khơi gợi khát vọng đổi đời, vượt thoát khỏi và cải tạo hiện thực khắc nghiệt. Những nhà văn cầm bút càng phải chú trọng đến những yếu tố nhân văn này để hoàn thành sứ mệnh của mình và tạo nên dấu ấn thực sự của mình với văn đàn, với bạn đọc.

Vì thế, để đi sâu vào đời sống, nhà văn trẻ viết về đề tài dân tộc, miền núi hôm nay cần sự dấn thân quyết liệt hơn nữa và càng cần sự bứt phá ngoạn mục với những cú hích để tạo thành một làn sóng mới trong nền văn học hiện đại.

Thanh Nguyên

Bình luận

ZALO