Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:13 GMT+7

Văn hóa tạo tiền đề để phát triển đất nước

Biên phòng - Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, lĩnh vực văn hóa đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, làm lan tỏa tinh thần phấn khởi trong toàn xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Dưới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc vùng Tây Bắc được tổ chức 2 năm một lần đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân ở địa bàn miền núi, biên giới. Ảnh: Thanh Thuận

Những ngày này, trong không khí hân hoan, phấn khởi đang lan tỏa khắp cả nước chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trước thời cơ, vận hội mới của đất nước, nhìn lại nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phấn đấu, vượt qua những thách thức, tiếp tục phát huy mọi tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu, tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống, xã hội, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo.

Năm 2019, tại “Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”, đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Việc xây dựng văn hóa và con người Việt Nam có ý nghĩa và vị trí rất quan trọng trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Văn hóa là nền tảng tinh thần, xây dựng văn hóa là tạo ra sức mạnh nội sinh để đất nước phát triển”.

Trong nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, thiết chế văn hóa từng bước được hoàn thiện, nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và toàn dân được nâng lên. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trưng bày triển lãm, tuyên truyền cổ động được tổ chức sôi nổi, rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị và các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao và du lịch của đất nước.

Cùng với đó, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, hoặc được xếp hạng là Di sản văn hóa cấp quốc gia (vịnh Hạ Long, quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An, Hoàng thành Thăng Long, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ, ca trù,...) đã được giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo, góp phần phát triển du lịch.

Nhiều phong trào, hoạt động văn hóa đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực, trong đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển rộng khắp, công tác xây dựng đạo đức, lối sống, nếp sống văn minh được lồng ghép vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cụ thể thành các tiêu chí, tiêu chuẩn, được Ban chỉ đạo phong trào các cấp thực hiện nghiêm túc. Các phong trào, hoạt động văn hóa đã tạo môi trường tốt để nuôi dưỡng, phát huy những giá trị nhân văn của dân tộc.

Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi động, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ đa dạng của công chúng. Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, tăng đáng kể về số lượng, chất lượng; đã và đang hình thành thị trường sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ. Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước trưởng thành; quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng. Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa.

Việc thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng với miền núi, biên giới, hải đảo là một trong những định hướng lớn, đúng đắn trong Chiến lược phát triển văn hóa của Đảng. Các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật; ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao, du lịch phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, quân và dân biên giới, hải đảo; bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống gắn với phát triển đời sống kinh tế và phát triển du lịch được ban hành, chỉ đạo thực hiện. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch tích cực triển khai đưa văn hóa, thể thao về cơ sở, ưu tiên hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận văn hóa đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, xã hội cho người dân khu vực miền núi, biên giới, hải đảo.

Trong xu hướng đó, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm. Hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa có nhiều khởi sắc, từng bước đi vào chiều sâu, chú trọng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại có chọn lọc, làm giàu văn hóa dân tộc trong quá trình tiếp biến nhiều phức tạp do hội nhập quốc tế tạo ra. Công tác thông tin đối ngoại được tổ chức tốt góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Trước sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kịp thời chỉ đạo hoãn và lùi thời gian tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, đảm bảo các biện pháp an toàn về phòng, chống dịch. Trong bối cảnh cách ly, giãn cách xã hội, đã nổi lên những giá trị văn hóa, đạo đức xã hội tốt đẹp; nhiều gương người tốt, việc tốt được nhân rộng, phát huy.

Có thể nói, những thành tựu đạt được trong lĩnh vực văn hóa đã tạo ra diện mạo mới của nền văn hóa, xây đắp con người Việt Nam mới, đánh dấu bước phát triển của đất nước, tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Nguyên Thanh

Bình luận

ZALO