Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 03/12/2023 02:39 GMT+7

Văn hóa mạng dưới góc nhìn của người lính Biên phòng

Biên phòng - Trong thời đại bùng nổ thông tin, chỉ cần vài thao tác đơn giản là có thể sở hữu một trang cá nhân để bước vào thế giới ảo đầy sôi động. Thế nhưng, không phải ai tham gia Facebook, mạng xã hội cũng cân nhắc đúng sai trước khi tải một bức ảnh, viết vài dòng bình luận. Đây cũng chính là vấn đề mà Cục Chính trị BĐBP tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ BĐBP với chủ đề "BĐBP với văn hóa mạng". Phóng viên báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Phương Minh Quang, Phó Chủ nhiệm chính trị BĐBP, về vấn đề này.

450x353_9b-1.jpg
Đại tá Phương Minh Quang.
PV: Thưa đồng chí, việc tổ chức đợt sinh hoạt tư tưởng trong toàn lực lượng BĐBP với chủ đề “BĐBP với văn hóa mạng” xuất phát từ yêu cầu cấp bách nào?

Đại tá Phương Minh Quang: Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, mạng xã hội, Facebook đang được giới trẻ tin dùng bởi tính tiện ích của nó. Song, tham gia mạng xã hội, Facebook ngày nay, người tham gia không chỉ sử dụng với mục đích cá nhân chia sẻ thông tin với bạn bè mà nó quan tâm đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó. vấn đề biên giới, dân tộc, BĐBP cũng là một chủ đề được mạng xã hội quan tâm. Hiện nay, trên mạng có nhiều trang quan tâm đến lực lượng BĐBP như Câu lạc bộ những người yêu lính Biên phòng; Câu lạc bộ nữ quân nhân Biên phòng; BĐBP Việt Nam... và còn có rất nhiều nhóm kín cũng có chủ đề BĐBP. Các trang mạng này thường xuyên tổ chức rất nhiều diễn đàn, đưa ra nhiều thông tin khác nhau, có thông tin chính thống, hoặc dẫn lại nguồn tin, nhưng có những thông tin chỉ mang tính chất bình luận cá nhân, đăng tải các hình ảnh, hoạt động của đơn vị. Thông qua các hoạt động này, nếu người tham gia mạng xã không có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhận thức đúng bản chất các nguồn thông tin mà mình tiếp nhận mỗi ngày rất dễ bị lợi dụng tiếp tay cho hành động sai trái, hoặc để lộ, lọt thông tin qua việc đăng tải hình ảnh, bình luận.

Chính vì vậy, quán triệt Nghị định 72 của Chính phủ về "Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng"; Chỉ thị 30- CT/TW của Bộ Chính trị về "Phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet"; Chỉ thị  số 03/CT-BQP ngày 23-1-2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về "Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin và một số vấn đề tổ chức hoạt động tác chiến không gian mạng"; Cục Chính trị BĐBP đã đề nghị Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng trong toàn lực lượng với chủ đề "BĐBP với văn hóa mạng". Mục đích của đợt sinh hoạt nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng sống cho cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là lớp thanh niên trẻ tham gia các trang mạng xã hội đảm bảo đúng theo quy định về mạng cá nhân, có thái độ chính trị đúng đắn, nhận diện được những thông tin, tài liệu quan trọng để không bị lọt hoặc bị đánh cắp trên các trang mạng xã hội. Từ đó, bàn giải pháp tham gia các hoạt động trên các trang mạng xã hội đảm bảo văn hóa, chấp hành nghiêm các quy định của cấp trên; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lộ lọt, đánh cắp thông tin, đấu tranh các quan điểm sai trái lợi dụng mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước.

PV: Đồng chí có thể chia sẻ về lộ trình tổ chức đợt sinh hoạt tư tưởng với chủ đề “BĐBP với văn hóa mạng”?

Đại tá Phương Minh Quang: Đây là hình thức đổi mới công tác sinh hoạt chính trị tư tưởng nhằm triển khai đề án đổi mới giáo dục chính trị trong giai đoạn mới, có ảnh hưởng xã hội cao, Cục Chính trị BĐBP đã có văn bản hướng dẫn thực hiện sinh hoạt tư tưởng với chủ đề "BĐBP với văn hóa mạng" gửi đến các đơn vị, học viện, nhà trường trong toàn lực lượng BĐBP. Đồng thời chỉ đạo tổ chức làm điểm tại Học viện Biên phòng, vì đây là đơn vị có số lượng tuổi trẻ tham gia mạng xã hội đông, có điều kiện tổ chức, tính lan tỏa lớn.

Buổi tọa đàm với chủ đề "Tuổi trẻ Học viện Biên phòng với văn hóa mạng" năm 2014, sẽ được thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa; khách mời là các tín đồ mạng, sinh viên, học sinh ngoài lực lượng, phóng viên Báo Biên phòng và một số chuyên gia tâm lý xã hội, quản trị mạng, lãnh đạo Học viện Biên phòng. Đến với buổi tọa đàm, các khách mời được trình bày quan điểm của mình và nghe các chuyên gia trò chuyện thế nào là văn hóa mạng, an ninh mạng, mất an toàn, bị đánh cắp, lộ lọt thông tin quân sự trên các hệ thống Internet; tình hình thực tế của cán bộ, học viên, đoàn viên, thanh niên đơn vị đối với việc sử dụng, khai thác, quản lý thông tin quân sự khi tham gia các trang mạng xã hội. Qua đó, mọi người sẽ hiểu rõ hơn thế nào là nét đẹp, các giá trị, tiện ích của các hoạt động tham gia mạng xã hội hiện nay cũng như mặt trái, tác động tiêu cực của các trang mạng xã hội và các hoạt động của các thế lực thù địch, phản động trên các trang mạng xã hội; những hình ảnh thiếu văn hóa trên các trang mạng xã hội của tuổi trẻ; những sơ xuất, vô ý để lộ, lọt, đánh cắp thông tin, tài liệu quân sự trên các trang mạng xã hội.

PV: Theo đồng chí, sau đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng này, việc xử lý các cá nhân vi phạm trên trang xã hội được triển khai như thế nào?

Đại tá Phương Minh Quang: Tôi cho rằng, đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề "BĐBP với văn hóa mạng" này chưa đặt ra việc phải xử lý cá nhân vi phạm thế nào mà trước hết phải quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng hiểu rõ nghị quyết, chỉ thị của trên để mọi người tham gia mạng xã hội phải tuân thủ quy định, nếu có sai phạm thì giáo dục để họ nhận biết đúng sai; đồng thời, trang bị bản lĩnh, thái độ chính trị, văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ đối với mạng xã hội. Và tất nhiên, qua các đợt sinh hoạt chính trị về văn hóa mạng, nếu như cán bộ, chiến sĩ nào đã được trang bị kiến thức nhất định khi tham gia mạng xã hội, Facebook mà vẫn cố tình vi phạm sẽ phải có biện pháp xử lý.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Hương Mai (Thực hiện)

Bình luận

ZALO