Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Văn hóa làm “đòn bẩy” phát triển kinh tế

Biên phòng - “Khánh Hòa đã làm tốt việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, dựa vào văn hóa để phát triển du lịch, làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt được mục tiêu đề ra, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điều đó cho thấy, Khánh Hòa có một vị trí, tầm quan trọng trong phát triển văn hóa, kinh tế ở khu vực Nam Trung Bộ”.

Đồng bào dân tộc Chăm biểu diễn nghệ thuật tại Tháp Bà Ponagar (Nha Trang, Khánh Hòa) phục vụ khách du lịch. Ảnh: Hải Luận

Đó là phát biểu của Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại tỉnh Khánh Hòa, ngày 10/8. Cùng đi với đoàn kiểm tra có Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa và làm việc với Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Khánh Hòa.

Không làm mất quyền dân chủ của dân

Đoàn kiểm tra xuống làm việc trực tiếp tại thôn Phong Ấp, xã Ninh Bình và rất ấn tượng với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của thôn. “Thôn Phong Ấp không còn hộ đói, hộ nghèo chỉ còn 0,75%, 100% nhà lợp ngói, 100% hộ dân được công nhận là gia đình văn hóa, thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa đầu tiên của thị xã Ninh Hòa” - ông Phùng Thanh Trúc, Trưởng thôn Phong Ấp báo cáo với đoàn kiểm tra đầy ấn tượng.

Trong thôn đã thành lập nhiều câu lạc bộ từ rất sớm, như: Phụ nữ không sinh con thứ 3; Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền; Cựu quân nhân; Gia đình phát triển bền vững... Ông Trúc nói tiếp: “Phong Ấp là thôn đầu tiên xóa bỏ việc rải vàng mã khi đưa tang, bỏ hẳn các tập tục lạc hậu trong tang lễ. Từ năm 2013, thôn thực hiện Chương trình “Điện thắp sáng đường quê”, bảo vệ an ninh, trật tự thôn xóm, không có tình trạng trộm cắt tài sản, gây rối trật tự công cộng”.

“Điện thắp sáng đường quê” là hình mẫu đoàn kết xây dựng văn hóa ở thôn Phong Ấp lâu bền nhất. Năm 2013, người dân trong thôn đã tự đóng góp kinh phí làm đường dây điện và bóng thắp sáng đến tất cả các đường trong thôn. Để có kinh phí trả tiền điện cho Công ty Điện lực, sửa chữa, thay thế toàn bộ đường điện, mỗi hộ dân đóng góp 70.000 đồng/năm.

“Nhiều nơi khác cũng làm đường dây điện thắp sáng công cộng, nhưng chỉ tồn tại được thời gian ngắn. Thôn Phong Ấp vẫn “chạy tốt”, kinh nghiệm 10 năm nay là phải công khai tài chính thu chi thật rõ ràng, minh bạch cho toàn dân trong thôn biết rõ. Dân đã tin thì dân tự nguyện đóng góp, vì lợi ích của mỗi gia đình. Điều quan trọng nhất là không làm mất quyền dân chủ trong dân, bất cứ chuyện gì phải được giải thích, trao đổi một cách chân thành, cởi mở, thông qua họp dân, qua 20 tổ an ninh nhân dân, thậm chí đến từng hộ gia đình. Người cán bộ thôn, tổ trưởng các ngành thực sự có uy tín, nhiệt tình, gương mẫu, được nhân dân ủng hộ” - ông Trúc chia sẻ kinh nghiệm.

Khuyến khích người dân tham gia Chính phủ số

“Văn hóa soi đường quốc dân đi” - Trung tướng Trịnh Văn Quyết nhắc lại câu nói của Bác Hồ, đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo tỉnh Khánh Hòa thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa. Cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn.

Khánh Hòa hội tụ đủ các giá trị văn hóa lịch sử, đời sống văn hóa biển, đảo. Người dân và doanh nghiệp trong tỉnh biết xây dựng, giữ gìn và phát triển văn hóa tạo thành “đòn bẩy” kinh tế. Những di tích văn hóa mang lại doanh thu lớn về du lịch như: Tháp Bà Ponagar, Nhà thờ Đá, Bảo tàng Viện Hải dương học Nha Trang, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma... Năm 2019, du lịch Khánh Hòa đón hơn 3,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt trên 27.000 tỉ đồng. Sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, du lịch Khánh Hòa đã tăng trưởng trở lại.

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Tỉnh bám sát các tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, theo phương châm xanh, sạch, đẹp, an toàn. Các cộng đồng dân cư đã ứng xử văn minh, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa. Đến nay, có 944/968 thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 97,5%. Theo tinh thần Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Mọi định hướng, kế hoạch phát triển văn hóa, kinh tế, an ninh, quốc phòng... không đi chệch hướng chủ trương của Đảng, Nhà nước”.

Ghi nhận những thành quả phát triển tập trung vào mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; người dân vừa là người bàn bạc, người làm, người hưởng thụ những thành quả do mình làm ra, Trung tướng Trịnh Văn Quyết nêu vấn đề rất thời sự: “Đất nước chúng ta đang xây dựng Chính phủ số, người dân phải hiểu và ứng dụng vào đời sống những tiện ích do công nghệ đem lại như thế nào. Chỉ khi người dân sử dụng nhiều công nghệ mới gọi là thành công của Chính phủ số. Đặt ra một vấn đề lớn, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp của tỉnh Khánh Hòa cần phải tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân biết về công nghệ, tham gia các giao dịch, dịch vụ công của gia đình mình trên môi trường Chính phủ số”.

Trung tướng Trịnh Văn Quyết yêu cầu, cần nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa, bảo đảm nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm để đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa có điều kiện cọ xát, học tập, nâng cao trình độ.

Hải Luận

Bình luận

ZALO