Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:01 GMT+7

Văn hóa là nền tảng thúc đẩy sự phát triển

Biên phòng - Ngày 19-8, tại Tuy Hòa, Phú Yên, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm toàn quốc lần thứ V, năm 2019 diễn ra với sự tham gia của 12 tỉnh, thành phố. Với chủ đề “Bảo tồn văn hóa dân tộc Chăm gắn với phát triển du lịch”, Ngày hội là cơ hội quảng bá du lịch trên cơ sở vốn văn hóa sâu sắc, thâm trầm ngàn năm lịch sử của cộng đồng dân tộc Chăm trên cả nước.

5gjz_8b
Không gian văn hóa được tạo ra xung quanh di tích Tháp Nhạn, Tuy Hòa, Phú Yên. Ảnh: TTH 

12 tỉnh, thành phố thuộc vùng cư trú của người Chăm gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, thành phố Hồ Chí Minh và chủ nhà Phú Yên. Như vậy, với vùng ảnh hưởng từ Đà Nẵng trở vào Trung bộ, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, người Chăm đang sở hữu rất nhiều nét văn hóa đặc sắc của vùng đất - con người, cội nguồn và động lực phát triển. 

Năm 2018 đánh dấu bước tiến triển đột phá của du lịch Nam Trung bộ với nhiều điểm nhấn vang dội đối với thị trường du lịch trong nước và nước ngoài như điểm đến năng động Đà Nẵng, điểm đến nắng gió bờ biển xanh Quy Nhơn, điểm đến du lịch chuyên nghiệp hiện đại Nha Trang... Trong bối cảnh đó, Phú Yên vẫn còn là một ẩn số chậm rãi và không bắt kịp nhịp độ phát triển vùng. Năm 2015, một số phân cảnh chính của bộ phim gây tiếng vang “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được công chiếu đã tạo ra một làn sóng khám phá miền biển Phú Yên. Lúc này, Phú Yên mới bộc lộ nhiều tiềm năng phát triển mà chính bản thân địa phương không đánh giá đúng “kho báu” của mình. Một cú hích cho du lịch biển thời điểm này chỉ có thể dành cho Phú Yên cùng với sự mới mẻ, hoang dã vừa đủ cho chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - du lịch trong vòng một thập kỷ tới. 

Buổi khai mạc ngày hội ở Tuy Hòa gây ấn tượng mạnh với người xem bởi màn trình diễn sân khấu hóa với những nét đặc sắc của văn hóa với đồng bào Chăm, nỗ lực tái hiện những thăng trầm của lịch sử, những đặc sắc còn lại đã được gìn giữ bảo tồn của người Chăm. Trong khuôn khổ ngày hội còn diễn ra liên hoan nghệ thuật quần chúng, trình diễn nghệ thuật dân gian kết hợp với giới thiệu trang phục truyền thống, triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Chăm gắn với giới thiệu nét đặc thù văn hóa lễ hội dân gian, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực... Ngày hội còn tổ chức thi đấu các môn: Bóng đá, bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co, việt dã, đội nước. Trong dịp này, Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức đoàn khảo sát tìm kiếm sản phẩm du lịch, dịch vụ các điểm đến và hội nghị kết nối các tuyến, điểm du lịch của Phú Yên với các tỉnh Nam Trung bộ. Tất cả nhằm quảng bá, xúc tiến hoạt động du lịch trong khuôn khổ ngày hội.

Ngoài ra, Phú Yên tổ chức cho các đoàn tham quan danh lam thắng cảnh, tạo sân chơi cho các đoàn giao lưu và bày tỏ mong muốn được kết nối các tuyến du lịch, học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương đã làm rất tốt việc quảng bá giới thiệu vốn văn hóa và kinh nghiệm làm du lịch. So với các tỉnh lân cận, Phú Yên còn nhiều tiềm năng về du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa đời sống miền núi, hải đảo... Mệnh danh là đất Phú, trời Yên, nhưng vùng đất hạ lưu sông Ba chưa phát huy được lợi thế thừa hưởng dòng chảy văn hóa từ Tây Nguyên xuống, từ văn minh Trà Kiệu tràn qua mà Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ V được coi là cơ hội để thúc đẩy tất cả những yếu tố đó. 

Dân tộc Chăm từng là một cộng đồng gồm những con người tài hoa, đời sống tín ngưỡng tôn giáo phong phú. Vốn văn hóa còn lại của vùng đồng bào Chăm còn kiến trúc đặc sắc phong phú của hệ thống đền tháp cổ kính ngàn năm từ Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng trở vào đến Nam bộ. Đời sống của họ còn bảo tồn nguyên vẹn nghệ thuật múa, ca, làm gốm, may thêu dệt trang phục, ẩm thực, phương thức canh tác, lối sống mẫu hệ, nhà ở và bản chất cởi mở sẵn sàng đón nhận vận hội mới.

Việc tổ chức ngày hội là một chủ trương lớn, đúng đắn trong mối quan hệ đại đoàn kết dân tộc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng các dân tộc nói chung và đồng bào Chăm nói riêng; khẳng định văn hóa dân tộc Chăm trong dòng chảy lịch sử của đất nước, tôn vinh giá trị văn hóa của đồng bào Chăm với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, đồng thời phát huy giá trị di sản quý báu ấy trong hiện tại gắn với thu hút phát triển du lịch.

Lễ khai mạc Ngày hội gắn với sự kiện trao bằng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn - một di tích lịch sử nằm ngay trong thành phố Tuy Hòa, biểu tượng của vùng đất Phú Yên. 

Thụy Văn

Bình luận

ZALO