Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:12 GMT+7

Vận dụng sáng tạo, linh hoạt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng địa bàn

Biên phòng - Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” (gọi tắt là Đề án) của tỉnh Quảng Ninh, những năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã luôn chủ động trong công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình của từng địa phương biên giới, hải đảo. Đồng thời, tích cực tham mưu cho Ban Chỉ đạo Đề án của tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, PBGDPL; tập trung vào các nội dung tuyên truyền trọng tâm liên quan đến pháp luật về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại...

Cán bộ Hải đội 2, BĐBP Quảng Ninh phối hợp với các lực lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tặng áo phao cho ngư dân trên địa bàn (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Quang Chiểu

Tỉnh Quảng Ninh là địa phương có cả biên giới trên đất liền và biên giới trên biển, bao gồm 10/13 huyện, thị xã, thành phố biên giới, biển đảo, với 82 xã, phường, thị trấn; dân cư phân bố không đồng đều, đa dân tộc. Những năm qua, Đảng, Nhà nước và tỉnh Quảng Ninh có nhiều chủ trương, chính sách xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tạo được sự chuyển biến toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, do trình độ dân trí không đồng đều, một số địa phương còn tồn tại tập tục lạc hậu, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao, nên tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra. Do đó, việc tuyên truyền, PBGDPL để nâng cao trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân là việc làm cần thiết để từng bước ổn định đời sống nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh.

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo; ngay sau khi có hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh đã tham mưu cho UBND tỉnh quán triệt và thực hiện nghiêm túc Đề án. Trên cơ sở đó, ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Thư ký và bộ phận giúp việc.

Trong đó, UBND tỉnh phân công đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh (phụ trách công tác tuyên truyền, PBGDPL) làm Trưởng ban; giao cho đồng chí Chính ủy BĐBP tỉnh làm Phó Trưởng ban Thường trực; các Phó Trưởng ban gồm: Giám đốc Sở Tư pháp và Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh (phụ trách công tác Nội chính); các Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án, những năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã luôn chủ động trong công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình của từng địa phương biên giới, hải đảo; tích cực tham mưu cho Ban Chỉ đạo Đề án của tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, PBGDPL.

Trong đó, tập trung tuyên truyền các nội dung liên quan đến pháp luật về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại; các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, đánh bắt thủy, hải sản; những vấn đề liên quan đến khiếu kiện, tranh chấp đất đai của nhân dân; bảo vệ tài nguyên, môi trường...

Các đơn vị BĐBP tỉnh đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt công tác tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, địa bàn cụ thể, với nhiều hình thức như: tuyên truyền trực tiếp tại các thôn, bản; thông qua hệ thống loa truyền thanh cố định; tuyên truyền lưu động; tuyên truyền thông qua hệ thống bảng tin, băng rôn, pa nô, áp phích; cấp phát tờ rơi và xây dựng các túi sách pháp luật lưu động để phục vụ tuyên truyền cho bà con ngư dân đi biển dài ngày và các thôn, bản xa xôi vùng biên giới, biển đảo.

Bên cạnh đó, hình thức tuyên truyền, PBGDPL trên Internet, mạng xã hội như Zalo, facebook, cổng thông tin điện tử được các cấp, ngành, địa phương quan tâm khai thác hiệu quả. Qua đó, thường xuyên cập nhật, đăng tải tài liệu, thông tin tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh và các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hàng tháng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tổ chức tuyên truyền, PBGDPL trên chuyên mục “Vì chủ quyền, an ninh biên giới”, đưa lên Cổng thông tin điện tử Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới, phục vụ nhu cầu tìm hiểu, tra cứu thông tin của quần chúng nhân dân.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, công tác quản lý, bảo vệ biên giới và đấu tranh chống xuất, nhập cảnh trái phép đặt ra yêu cầu mới nặng nề và phức tạp. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị BĐBP tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng bắt giữ và xử lý nhiều vụ việc xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật (ngành Kiểm sát, Tòa án tỉnh, các ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương) tổ chức xét xử lưu động 3 vụ với 17 bị cáo về tội “Tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép” tại địa bàn biên giới.

Các hoạt động xét xử lưu động đã kịp thời đưa tin trên trang Cổng thông tin điện tử của ngành Kiểm sát, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Báo Bảo vệ pháp luật, phát sóng trên kênh thời sự Quảng Ninh... Qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân hiểu rõ tính chất, mức độ vi phạm, từ đó, không tham gia tiếp tay, bao che, đưa dẫn người xuất, nhập cảnh trái phép.

Những năm tới, tình hình chủ quyền lãnh thổ, an ninh trên biên giới, biển đảo của tỉnh Quảng Ninh cơ bản ổn định; quan hệ hai bên biên giới tiếp tục được mở rộng, phát triển. Yêu cầu về công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới ngày càng cao. Mặt khác, các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, mua bán người, buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới diễn ra với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận quần chúng nhân dân khu vực biên giới, hải đảo còn hạn chế.

Do đó, công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo luôn được xác định là một nội dung quan trọng. Để tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo, thời gian tới, BĐBP Quảng Ninh xác định, cần tập trung một số nội dung sau:

Một là, trên cơ sở tình hình thực tế địa bàn biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh, đề nghị Ban Chỉ đạo Đề án Bộ Quốc phòng nghiên cứu báo cáo Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện Đề án trong những năm tiếp theo; chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực để tham mưu điều chỉnh, bổ sung, đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn và yêu cầu hợp tác quốc tế hiện nay. Đặc biệt, các văn bản luật điều chỉnh đến công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; phòng, chống bệnh truyền nhiễm; buôn lậu; mua bán người; xuất nhập cảnh...

Hai là, tiếp tục biên soạn, cấp phát tài liệu, xây dựng đa dạng các tác phẩm truyền hình; mẩu chuyện an ninh, phim tư liệu, tiểu phẩm... có nội dung tuyên truyền, PBGDPL để phát trên các kênh truyền hình quốc gia, truyền hình địa phương và trang mạng xã hội; chỉ đạo việc biên tập, đăng tải các tác phẩm báo mạng có nội dung tuyên truyền phải có định hướng giáo dục kiến thức pháp luật rõ ràng, đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền, PBGDPL trong tình hình mới.

Ba là, các cấp cần tiếp tục quan tâm đầu tư trang bị phương tiện, cơ sở vật chất, kinh phí đảm bảo, có chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, nhất là các đồng chí kiêm nhiệm để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo trong tình hình mới.

Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Chính ủy BĐBP Quảng Ninh

Bình luận

ZALO