Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:38 GMT+7

Vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ

Biên phòng - Từ trước đến nay, đồng bào dân tộc Mông ở 2 xã Nà Bủng và Vàng Đán, huyện Nậm Bồ, tỉnh Điện Biên vẫn có thói quen sử dụng súng tự chế để săn bắn thú rừng, gây ra những vụ tai nạn đau lòng và gây mất an ninh trật tự ở địa bàn biên giới. Trước thực trạng trên, Đồn Biên phòng Nà Bủng, BĐBP Điện Biên đã tích cực vận động nhân dân tự nguyện giao nộp súng, vật liệu nổ theo đúng quy định của pháp luật.

k6w0_6a
Cán bộ Đồn Biên phòng Nà Bủng kiểm đếm vũ khí tự chế người dân giao nộp cho đơn vị. Ảnh: Kim nhượng

Trong cuộc sống hằng ngày, đồng bào người dân tộc Mông ở 2 xã biên giới nói trên thường xem khẩu súng săn (súng kíp) như vật bất li thân. Trước đây, gần như gia đình đồng bào dân tộc Mông nào ở 2 xã Nà Bủng và Vàng Đán cũng giữ súng săn trong nhà. 

Việc tàng trữ, sử dụng súng săn trong đời sống đã gây ra những vụ tai nạn đau lòng. Vụ việc đã trôi qua hơn 2 năm trước, nhưng câu chuyện về 2 anh em Thào A Chư và Thào A Dũng, ở bản Nà Bủng 1 vẫn được người dân nhớ rất rõ. Thời điểm đó, 2 anh em Chư và Dũng rủ nhau vào rừng đi săn thú, đến bìa rừng, mỗi người mang một khẩu súng, rồi chia nhau đi các hướng. Đến một địa điểm, Thào A Chư chui vào bụi cây bật điện thoại lên, phát âm thanh giả tiếng gà rừng nhằm dụ con mồi. Đúng lúc đó, Thào A Dũng đi từ một hướng khác đến, vô tình phát hiện tiếng gà gáy, tưởng như đã tìm thấy “mục tiêu” nên ngắm súng vào điểm có tiếng động và nổ súng. Phát súng oan nghiệt đã làm cho Thào A Chư tử vong tại chỗ. Gần đây nhất, vào tháng 6-2019, 2 anh em Cư A Chu, trú tại bản Huổi Dạo và Cư A Chùa, trú tại bản Ham Xoong, xã Vàng Đán rủ nhau đi săn bắn, do sơ suất, Cư A Chùa đã vô ý bắn chết anh trai mình...

Từ 2 vụ việc đau lòng nói trên và những yếu tố tiềm ẩn có thể gây mất an ninh trật tự địa bàn, Đồn Biên phòng Nà Bủng đã quyết tâm thực hiện vận động người dân giao nộp, hướng đến từ bỏ súng tự chế ra khỏi cộng đồng. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền nhân dân hiểu rõ những tác hại mà súng tự chế gây ra, nắm vững các quy định của pháp luật về việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.

Để đạt được mục đích, cán bộ đơn vị đã đến tận từng gia đình thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân. Nhờ sự đồng cảm, sẻ chia, tuyên truyền mềm dẻo, linh hoạt, thấu tình đạt lý nên nhiều trường hợp đã nhận thức được việc tàng trữ, sử dụng súng tự chế là vi phạm pháp luật và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. 

Câu chuyện của anh Mùa A Sử, SN 1996, trú tại bản Tá Kha, xã Nà Bủng 1, là một trường hợp điển hình. Quá trình công tác địa bàn, cán bộ Biên phòng nắm bắt được Mùa A Sử cất giấu 1 khẩu súng quân dụng loại CKC để săn bắn. Sử lén lút mua khẩu súng này ở Lào mang về. Tuy nhiên, khi được cán bộ Biên phòng vận động giao nộp, anh ta vẫn một mực chối cãi, cất giấu súng. Biết việc vận động Sử giao nộp khẩu súng quân dụng gặp nhiều khó khăn, Đồn Biên phòng Nà Bủng đã thông qua người có uy tín trong cộng đồng đến vận động và giúp đỡ gia đình Sử khi khó khăn. Tình cảm của những người lính Biên phòng đã giúp Sử nhận ra lẽ đúng sai và anh đã tự nguyện giao nộp súng. 

Thiếu tá Nguyễn Quốc Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nà Bủng cho biết: “Trước đây, người dân trên địa bàn xem việc sử dụng súng săn như một điều bình thường nên việc vận động họ giao nộp gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với tinh thần kiên trì bám dân, chúng tôi đã đạt được một số kết quả nhất định. Người dân đang bỏ dần thói quen tàng trữ, sử dụng súng tự chế, vật liệu nổ, tự nguyện giao nộp cho BĐBP”.

Trong 4 năm qua, Đồn Biên phòng Nà Bủng đã vận động nhân dân giao nộp hơn 200 khẩu súng các loại. Tính riêng trong năm 2019, đơn vị đã vận động nhân dân giao nộp được 18 khẩu súng, trong đó có 13 khẩu súng kíp, 4 súng cồn, 1 súng quân dụng loại CKC và 1 đầu đạn cối. 

Kim Nhượng

Bình luận

ZALO