Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 23/03/2023 08:35 GMT+7

Vấn đề vũ khí hóa học lại “nóng” ở Syria

Biên phòng - Vấn đề vũ khí hóa học ở Syria một lần nữa lại là chủ đề “nóng” trong cuộc họp bàn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 9-4. Cuộc họp này được tiến hành theo yêu cầu của Nga và Mỹ, sau khi có các thông tin về các vụ tấn công vũ khí hóa học tại Syria với cảnh báo “phải trả giá đắt” của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

5acb29837a76df9d1000108e
Hình ảnh các em bé được cho là hít phải khí độc hóa học ở Douma. Ảnh: Getty

Theo báo cáo của Cơ quan Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở ở Anh, đã có 11 người thiệt mạng ở Douma thuộc khu vực Đông Ghouta của nước này do hít phải khói độc, trong khi 70 người gặp vấn đề khó khăn về hô hấp sau khi hãng tin AFP đưa tin quân Chính phủ Syria tiến hành một loạt cuộc không kích mới nhằm vào mục tiêu của phiến quân tại khu vực này.

Ngay lập tức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho rằng, những thông tin trên, nếu được xác nhận, sẽ là thông tin kinh hoàng và đòi hỏi có phản ứng ngay lập tức của cộng đồng quốc tế. Bà Heather Nauert cho rằng, Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng cho các vụ tấn công này.

Thậm chí, trong một tuyên bố ngày 8-4, Tổng thống Tổng thống Mỹ Donald Trump còn nhấn mạnh, Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ phải "trả giá đắt" vì đã thực hiện vụ tấn công nghi là sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường, đồng thời ông Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích việc Nga và Iran hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Phản bác lại cáo buộc trên, ngày 8-4, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định những thông tin xoay quanh vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học ở Syria hoàn toàn giả mạo, đồng thời cảnh báo mọi hoạt động quân sự tiến hành dựa trên "chứng cứ giả mạo hoặc bịa đặt" có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Syria cho rằng, đây là một "kế hoạch dàn dựng từ trước" của phe đối lập.

Lâu nay, các nước phương Tây, trong đó có Mỹ cáo buộc quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học trong các vụ tấn công lực lượng đối lập, khiến nhiều dân thường thương vong, bất chấp sự phủ nhận việc chính quyền Syria và Nga.

Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã xúc tiến các cuộc điều tra về sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, tuy nhiên cho đến nay, tổ chức này vẫn chưa tìm ra được bất cứ bằng chứng xác thực nào chứng tỏ sự vi phạm của Chính phủ quốc gia Trung Đông này. Ngay cả trong vụ việc lần này, Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ cũng khẳng định đã không tìm thấy bằng chứng nào về việc quân đội Chính phủ Syria sử dụng các vũ khí hóa học ở thị trấn Douma.

Cáo buộc vũ khí hóa học được sử dụng tại Douma được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Syria đang thắng lớn với việc đạt được thỏa thuận với nhóm phiến quân cuối cùng kiểm soát Đông Ghouta, gần với Thủ đô Damascus. Bên cạnh đó, cán cân của các cường quốc can dự vào cuộc nội chiến Syria cũng đang có sự thay đổi lớn khi việc Nga và Iran tiếp tục đóng vai trò không thể thiếu đối với tiến trình chính trị tại Syria, trong khi Mỹ bắt đầu đề cập khả năng rút quân khỏi Syria “để dành việc chăm lo đất nước này cho người khác”.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, với cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học, kịch bản một cuộc tấn công quân sự của Mỹ nhằm vào các căn cứ của chính phủ Syria cách đây một năm đang lặp lại với sự tham gia của quân đội các nước. Pháp cho biết sẵn sàng có những hành động quân sự đơn phương nếu thực sự đã có các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria.

Hiện chưa ai rõ Mỹ hay các nước phương Tây sẽ trở lại can dự sâu vào cuộc nội chiến tại Syria hay không, nhưng sau chiến thắng IS, ngày hòa bình nhiều khả năng vẫn là điều quá xa vời đối với Syria.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO