Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 21/03/2023 03:40 GMT+7

Vấn đề biên phòng trong Bộ luật Hồng Đức thời Lê sơ

Biên phòng - Dưới thời Lê sơ, kinh tế, chính trị và xã hội phát triển rực rỡ, hoạt động lập pháp được triều đình chú trọng. Hệ thống luật pháp bàn về vấn đề cương vực quốc gia đã thể hiện tính nghiêm minh, chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới của triều đình.

283g_6a
Cán bộ BĐBP Điện Biên phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới của tỉnh. Ảnh: Mai Viết Nhân

Ngay từ những ngày đầu dựng nền xã tắc, nhà Lê đã chú trọng đến việc dùng luật pháp vào quản lý đất nước. Hệ thống luật pháp được xây dựng củng cố, hoàn thiện và đưa vào sử dụng rộng rãi dưới các đời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông. Đến thời vua Lê Thánh Tông, ông đã cho sưu tập lại toàn bộ các văn bản luật hình trước đây, cho chỉnh lý và biên soạn hoàn chỉnh. Năm 1483, nhà vua ra chỉ dụ ban hành bộ luật lấy niên hiệu là Hồng Đức, sau này được bổ sung và đổi tên thành Quốc triều hình luật. Trong hệ thống luật hình đó ít nhiều đã đề cập đến vấn đề cương vực của Đại Việt.

Bộ luật Hồng Đức bao gồm 722 điều, trong đó, triều đình đã dành hơn 50 điều để bàn bạc, quy định những vấn đề liên quan đến công tác biên phòng của quốc gia. Cũng trong bộ luật này, tư tưởng biên phòng và các chính sách biện pháp của triều đình được thể hiện rõ nét. 

Hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền kinh tế của quốc gia được chỉ rõ từng tội danh. Hệ thống các điều luật về vấn đề biên phòng được quy định rất rõ ràng, trong Điều 71: “Người trốn qua cửa quan ra khỏi biên giới đi sang nước khác thì bị chém”, kể cả những người theo thuyền buôn sang nước ngoài đều chịu chung mức hình phạt. Đây là một trong những hành vi được khép vào tội phản quốc, tương tự trong Điều 653 cũng quy định về vấn đề ấy: Những người trốn ra nước ngoài thì bị xử tội phản nghịch. 

Còn những hành vi cắt đất đai đem bán, trao đổi với người nước ngoài để câu lợi cho bản thân hay thực hiện vì mục đích, lý do cá nhân làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lãnh thổ, cương vực của quốc gia đều chịu chung mức phạt tử hình. Bên cạnh đó, Điều 74, Chương Cấm vệ cũng quy định: “Những người bán ruộng đất ở bờ cõi cho người nước ngoài thì bị tội chém”. Đối với các hành vi kết hôn với người nước ngoài, chặt đẵn tre gỗ nơi biên giới để giải quyết mục đích cá nhân, làm cho thế hiểm trở nơi biên giới bị giảm sút thì bị tội lưu đày đi châu xa, hay bị xử tội đồ (theo sử cũ, tội đồ là hình phạt giam cầm, bắt làm việc khổ sai).

Để quản lý chặt chẽ đất nước, tránh việc lộ bí mật quân sự và bí mật quốc gia, đồng thời ngăn cản cư dân ven biên giới trao đổi hàng cấm với nước ngoài, Điều 74 của Bộ luật Hồng Đức đã nêu rõ: “Những người bán nô tì và voi ngựa cho người nước ngoài thì bị tội chém”. Hoặc trong Điều 75 cũng quy định: “Những người đem binh khí và những thứ thuốc nổ có thể chứa hỏa pháo, hỏa tiễn bán cho người nước ngoài hay tiết lộ việc quân cơ ra nước ngoài thì bị tội chém”. Sự quy định chặt chẽ của triều đình về những vấn đề quan trọng của biên viễn làm cho biên cương nước ta trở nên yên ổn.

Các tội phá hoại an ninh quốc gia và trật tự xã hội ở vùng biên giới như thông đồng với người nước ngoài, tiết lộ an ninh quốc gia, tung tin đồn làm lung lạc tinh thần nhân dân khu vực biên giới, cướp của, giết người thuộc vùng biên giới đều bị xử tội chết. Các hành vi trên đều được triều đình quy định rất chặt chẽ, Bộ luật Hồng Đức đã xếp ngang hàng những tội này với tội phản nghịch để thị uy, đồng thời thể hiện sự cương quyết của triều đình đối với vấn đề bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Những hành vi liên quan đến việc quản lý hành chính ở vùng biên giới như đi lại tùy tiện, không khai báo tạm trú, tạm vắng ở vùng biên giới, ven biển; quan lại địa phương không kiểm kê nhân khẩu, bỏ sót hay gian lận tên người trong địa hạt của mình quản lý đều bị xử tội, thấp nhất là bị xử tội đồ, cao nhất là xử tội lưu đày viễn châu.

Đối với quan trấn giữ và cai quản ở biên giới, Bộ luật Hồng Đức cũng quy định xử tội khi vô trách nhiệm, mất cảnh giác không chủ động trước mưu đồ xâm phạm của kẻ địch. Quy định tại Điều 243 của Chương Quân chính nêu rõ: Các tướng sĩ phòng giữ nơi quan ải, nếu phòng bị không cẩn mật, dò la không cẩn thận để quân giặc bất ngờ đánh úp thì đều phải chém. Hay những võ quan cai quản nơi đóng đồn, cửa ải để lính đồn thú bỏ trốn, thay phiên canh giữ của lính không đúng thời hạn, sơ ý để lính đi cướp phá của nhân dân địa phương thì bị biếm (giáng chức quan, gồm 5 bậc: 1 tư, 2 tư, 3 tư, 4 tư, 5 tư) hay phạt tiền.

Đối với lính canh giữ nơi quan ải, quan trấn thủ dung túng, ăn hối lộ sách nhiễu gây phiền hà cho những người đi qua cửa quan đều bị tội giam cầm hoặc giáng chức, bồi thường gấp đôi số tiền ăn hối lộ. Điều 72, Chương Cấm vệ quy định rõ: Những người giữ cửa quan thấy người đem đồ cấm qua cửa quan mà không bắt giữ lại, nếu là lính bị tội khao đinh, người ở trấn giảm tội một bậc. Nếu chiếu giấy phép xét ra có mang thừa cấm vật gì mà không giữ lại thì lính và quan trấn thủ đều bị xử phạt như người vi phạm, tuy nhiên sẽ giảm tội một bậc, nếu lính canh hay quan trấn thủ cố ý dung túng, cũng là tự mình phạm vào tội trên thì đều phải xử nặng hơn tội đem cấm vật ra ngoài một bậc. Nếu khách buôn cùng dân man liêu (người miền núi) qua cửa quan, mà quan lại sách nhiễu lễ lạt thì bị giảm 2 bậc chức vụ và bắt bồi thường gấp 2 lần số tiền đã nhận của khách buôn.

Những viên quan triều đình được cử đi trấn trị, đánh dẹp nơi biên giới mà sợ khó khăn gian khổ, thoái thác có thể bị xử các tội biếm, đồ, hay xử tử như trong luật hình đã quy định. Đối với những viên quan được giao quyền kiểm tra, kiểm soát ở nơi ven biển, triều đình cũng đã quy định về việc đi lại và ra vào ở các cửa sông, cửa biển. Các Chương Cấm vệ, Tạp luật của luật hình quy định rất cụ thể các trường hợp kiểm tra thuyền bè đi lại, ra vào cửa sông, bến cảng, đồng thời nêu lên trách nhiệm của nhân dân địa phương phải giúp đỡ lính canh phòng tuần tra làm nhiệm vụ. 

Ngoài việc quy định cụ thể về vấn đề biên cương, bộ luật còn thể hiện những chính sách mềm dẻo, những ưu đãi của triều đình đối với cư dân miền núi để động viên họ giữ gìn biên cương của đất nước. 

Những quy định trên trong Bộ luật Hồng Đức về công tác biên phòng đã cho thấy sự quan tâm sâu sát của triều đình về vấn đề cương vực quốc gia. Đồng thời, Bộ luật Hồng Đức đã làm sáng tỏ tư tưởng chỉ đạo của nhà Lê sơ về vấn đề biên cương, lãnh thổ đúng như lời nhận xét của nhà sử học Phan Huy Chú: "Luật Hồng Đức cái mẫu để trị nước, cái khuôn phép để buộc dân". Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang quan tâm, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân để hoàn chỉnh Dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Việc hoàn chỉnh và ban hành luật trong thời điểm hiện tại có ý nghĩa vô cùng quan trọng; là tấm khiên vững chắc bảo vệ Tổ quốc trước yêu cầu của nhiệm vụ đổi mới, phát triển và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, dân tộc.

Mai Viết Nhân

Bình luận

ZALO