Biên phòng - Sáng 30-5, Quốc hội (QH) đã nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và thảo luận tại hội trường về nội dung này.

Theo Tờ trình, năm 2019, QH xem xét, thông qua 5 dự án luật, cho ý kiến 9 dự án luật tại Kỳ họp thứ 7; xem xét thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến 4 dự án luật tại Kỳ họp thứ 8. Đối với việc điều chỉnh chương trình năm 2018, rút khỏi chương trình dự án Luật Công an xã để nhập nội dung vào Luật Công an nhân dân (sửa đổi); lùi thời hạn trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; đồng thời, bổ sung vào chương trình 10 dự án luật.
Thảo luận Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, các đại biểu đánh giá cao công tác lập pháp của QH, góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh.
Tuy nhiên, việc xây dựng luật còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, tác động không nhỏ đến công tác xây dựng luật, pháp lệnh và hiệu lực của các văn bản pháp luật vào đời sống.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, việc lấy ý kiến các đối tượng, các cơ quan còn thực hiện hình thức, chưa đầy đủ, dẫn đến chất lượng dự thảo các luật không cao, mất nhiều thời gian thảo luận, tranh luận tại các kỳ họp.
Theo đại biểu Phan Anh Khoa (Phú Yên), một số dự án luật trình QH không được sự đồng thuận cao của đại biểu, thảo luận ở nhiều kỳ họp mới được thông qua và phải rút một số luật ra khỏi chương trình.
Nguyên nhân là các dự án luật chưa đảm bảo tính khoa học, nhiều quy định chồng chéo, giao thoa trong hệ thống pháp luật, không đáp ứng tương tác trong cuộc sống và thực tiễn yêu cầu của xã hội. Một số dự án luật được thông qua, triển khai thực hiện còn lúng túng, hiệu lực pháp luật không cao, gây lãng phí, luật phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn.
Để khắc phục hạn chế, các đại biểu đề nghị cần thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến theo quy định, trước khi trình QH cho ý kiến để nâng cao tính khả thi và bền vững của luật.
Đại biểu Phan Anh Khoa đề nghị, tập trung nguồn nhân lực tâm huyết, có chuyên môn cao chuẩn bị hoàn thiện dự án luật trước khi trình QH. Chú trọng việc lấy ý kiến của nhân dân, đối tượng tác động của luật, các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức nhiều hội nghị để toàn dân cùng tham gia xây dựng pháp luật.
Trước khi thảo luận Tờ trình về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH).
Theo Tờ trình, qua 5 năm thi hành, Luật GDĐH năm 2012, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển GDĐH Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và GDĐH nói riêng.
Tuy nhiên, để phù hợp với quá trình đổi mới toàn diện, căn bản hệ thống giáo dục và phù hợp với các luật đã ban hành, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 31 điều; bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 1 điều và 1 khoản; bãi bỏ cụm từ tại 5 điều; thay thế cụm từ tại 1 điều; đồng thời rà soát chỉnh sửa tên một số điều về mặt kỹ thuật.
Viết Hà