Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:20 GMT+7

Vẫn còn “độ vênh” từ chính sách đến cuộc sống

Biên phòng - Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14-4-2015 của Thủ tướng Chính phủ, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên quy mô toàn quốc đã có những chuyển biến tích cực; nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) về pháp luật được nâng lên, trong đó có Luật Hôn nhân và gia đình, tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra khá phổ biến ở vùng nông thôn và miền núi, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Cán bộ BĐBP Nghệ An tuyên truyền cho đồng bào DTTS về tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: TTH

Theo thông tin từ Hội thảo “Rà soát việc giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS”, do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức mới đây cho thấy, trong năm 2018, tỷ lệ người DTTS tảo hôn là 21,9%, giảm 4,7% so với năm 2014. 46/53 DTTS có tỷ lệ tảo hôn trên 10%; tỷ lệ tảo hôn vẫn ở mức cao tại những vùng tập trung nhiều đồng bào DTTS sinh sống như Tây Nguyên với hơn 27,5% số người bước vào hôn nhân khi chưa đủ tuổi kết hôn; trung du và miền núi phía Bắc là 24,6%.

Tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn tăng cao ở một số dân tộc. Năm 2018 ghi nhận sự gia tăng của tỷ lệ kết hôn cận huyết thống ở một số DTTS như là La Chí (tăng từ 10,1% năm 2014 lên 30,8% năm 2018), Bru Vân Kiều (tăng từ 14,3% năm 2014 lên 28,6% năm 2018), Lô Lô (tăng từ 8,3% năm 2014 lên 22,4% năm 2018)...

Theo đánh giá của các đại biểu tham gia hội thảo, cả 2 tiêu chí về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đều chưa đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS. Đặc biệt là mục tiêu giảm bình quân 2-3%/năm số cặp tảo hôn và 3-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn DTTS có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết cao của Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2020” (gọi tắt là Đề án).

Theo báo cáo tổng kết giai đoạn 2015-2020 của Đề án, việc rà soát thực hiện Đề án cho thấy, một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa coi trọng đúng mức nhiệm vụ phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; chưa quan tâm chỉ đạo và bố trí ngân sách địa phương đầy đủ cho thực hiện Đề án, thậm chí có tỉnh, thành phố sau 2 năm mới xây dựng được kế hoạch tổ chức thực hiện.

Công tác phối hợp giữa các đơn vị, các tổ chức đoàn thể trong thực hiện Đề án chưa thường xuyên liên tục, thiếu đồng bộ. Khi triển khai, đội ngũ công chức, viên chức của Ủy ban Dân tộc và hệ thống cơ quan công tác dân tộc chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để thực hiện có chất lượng các nhiệm vụ về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nói chung. Hoạt động nâng cao năng lực trong khuôn khổ Đề án còn hạn chế về nguồn lực.

Công tác kiểm tra, rà soát tảo hôn và kết hôn cận huyết thống ở địa phương cũng còn nhiều bất cập, chủ yếu là báo cáo những cặp đã bị xử lý, nên việc thống kê số liệu hằng năm gặp nhiều khó khăn và không chính xác. Một số nơi vì liên quan đến việc công nhận làng văn hóa nên không dám báo cáo đầy đủ số liệu về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Ở khía cạnh khác, một số đại biểu cho rằng, vấn đề không có việc làm hoặc cần người để làm việc cũng là yếu tố làm tỷ lệ kết hôn sớm tăng. Đặc biệt, đối với đồng bào DTTS thì kết hôn sớm do nhu cầu về lao động là động cơ quan trọng. Những phản ứng từ phía cộng đồng còn rất yếu ớt, hầu hết coi đây là chuyện riêng của từng gia đình. Thậm chí, cộng đồng không những không phản đối, mà còn đồng tình ủng hộ.

Thêm vào đó, việc quản lý con em của phụ huynh vùng DTTS chưa được quan tâm chú trọng, nhiều gia đình có sự buông lỏng con cái. Bên cạnh đó, công tác quản lý học sinh tại các trường trung học phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú, giữa nhà trường và gia đình chưa chặt chẽ, sự du nhập của văn hóa ngoại lai, lối sống thử, thiếu kinh nghiệm giới tính... đã ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh. Điều này dẫn đến những trường hợp mang thai ngoài ý muốn phải nghỉ học.

Theo đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: "Trong giai đoạn 2021-2025, cần đặt vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong bối cảnh rộng lớn và đa chiều hơn. Cần thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng của phụ nữ, bảo đảm cho phụ nữ tham gia lãnh đạo, cũng như tham gia vào quá trình ra quyết định trong hộ gia đình và ở cộng đồng. Đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa và ứng phó với mọi hình thức bạo lực đối với trẻ em DTTS, trong đó, giảm thiểu tảo hôn phải là một ưu tiên quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới vùng DTTS".

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, bà Vũ Phương Ly, chuyên gia của UN Women tại Việt Nam nhận định, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một trong những biểu hiện rõ ràng về bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại dai dẳng tại vùng DTTS. Việc thay đổi nhận thức và hành động của các cá nhân trong cộng đồng cần có hệ thống giải pháp tổng thể về phát triển kinh tế-xã hội, đồng bộ, lâu dài và cách thức thực hiện cần phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa của từng dân tộc. Tuy nhiên, điều này chưa được quan tâm đúng mức.

Để hoàn thành mục tiêu của Đề án, các đại biểu đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền bố trí đủ nguồn lực để thực hiện chính sách về đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đưa mục tiêu, nhiệm vụ về hôn nhân và gia đình, về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào nghị quyết của cấp ủy Đảng, chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của chính quyền và các đoàn thể ở địa phương. Đồng thời, phát huy vai trò của MTTQ, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, BĐBP, già làng, trưởng bản, người có uy tín ở vùng DTTS trong vấn đề tuyên truyền, vận động đồng bào...

Linh Đan

Bình luận

ZALO