Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:31 GMT+7

“Vaccine tinh thần” trong tâm dịch Covid-19

Biên phòng - Từ khi thành phố (TP) Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách, với niềm đam mê sáng tác, các nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực như âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu... tại TP Hồ Chí Minh cũng đã tích cực cho ra mắt nhiều sản phẩm mới trên nền tảng trực tuyến nhằm cổ vũ, động viên, lan tỏa tinh thần đoàn kết để cùng nhân dân, chính quyền quyết tâm chống lại dịch bệnh Covid-19.

Các nghệ sĩ tại thành phố Hồ Chí Minh ra mắt nhiều MV âm nhạc để cổ vũ công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Cỗ vũ tinh thần người dân trong mùa dịch

Ngay từ những ngày TP Hồ Chí Minh bước vào đợt giãn cách xã hội đầu tiên, Tuấn Hưng và Khắc Việt là hai nghệ sĩ mở đầu thực hiện MV cổ vũ, động viên người dân thành phố thực hiện nghiêm chỉ thị giãn cách để phòng, chống dịch. Theo đó, sau khi ra mắt, MV "Sài Gòn ơi, xin lỗi, cảm ơn" của ca sĩ Tuấn Hưng và Khắc Việt đã trở thành "liều thuốc" động viên tinh thần người dân TP một cách kịp thời trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Nội dung ca khúc là sự chia sẻ và đồng cảm với người dân TP Hồ Chí Minh đang trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Các hình ảnh nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh như nhà thờ Đức Bà, cầu Bình Triệu, tòa nhà Landmark... và cả những hình ảnh đời sống thường ngày của một Sài Gòn ngày và đêm cũng được đưa vào bài hát để cổ vũ tinh thần người dân sống lạc quan, kiên cường hơn trong mùa dịch. Ngoài ra, nội dung bài hát còn lay động đến cả những người con xa quê hương khi hồi tưởng về một TP Hồ Chí Minh năng động khi chưa có dịch và cùng hy vọng hình ảnh đó sẽ trở lại khi mọi người chung tay phòng, chống dịch bệnh.

Tương tự, trong những ngày ở nhà chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Hamlet Trương đã chợt thấy "Sài Gòn, cà phê, tình yêu". Nhạc sĩ Hamlet Trương cho biết: “Chợt tìm lại trong kho bài hát, tôi thấy ca khúc này nên quyết định post lên tặng mọi người. Ca khúc thật tươi sáng và như một liều thuốc tinh thần động viên người dân thành phố cùng cố gắng trong thời gian này để dịch bệnh lùi xa và chúng ta sớm được trở lại với cuộc sống bình thường”.

Cùng mang tinh thần cổ vũ người dân và chính quyền TP Hồ Chí Minh đang chống dịch, ca sĩ Vũ Thắng Lợi cũng góp sức mình trong MV "Thương nhớ Sài Gòn". Theo ca sĩ Vũ Thắng Lợi, anh cũng là một người lính và trước sự đồng cảm với bài thơ “Thương nhớ Sài Gòn” của Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, nên anh đã quyết định thực hiện sản phẩm âm nhạc này.

Nội dung của MV "Thương nhớ Sài Gòn" sử dụng khá nhiều tư liệu lịch sử để tái hiện về một thành phố sầm uất, náo nhiệt nhưng cũng đầy thương đau, mạnh mẽ, đã đứng lên từ trong chiến tranh để có tự do, độc lập cho dân tộc hôm nay. Từ đó, khơi gợi tinh thần, ý chí chiến đấu quật cường của người dân và chính quyền TP Hồ Chí Minh đang cố gắng vượt trên đau thương, khó khăn để chống lại dịch Covid-19.

Ca ngợi đội ngũ tuyến đầu chống dịch

Ở góc độ sân khấu, mở đầu cho hoạt động sáng tác trong lĩnh vực sân khấu cải lương cổ vũ công tác chống dịch, Sân khấu Sen Việt đã cho ra mắt tác phẩm ca cổ “Nước mắt và nụ cười” (dựa theo bài thơ cùng tên của nhà thơ, Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Lê Chức, chuyển thể cải lương Nguyên Phương). MV này đã có sự tham gia của Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Hằng và các nghệ sĩ Điền Trung, Lệ Trinh, Nam Thanh Phong...

Nghệ sĩ ưu tú Lê Nguyên Đạt, Giám đốc Sân khấu Sen Việt cho biết, nội dung của MV “Nước mắt và nụ cười” nhằm ca ngợi các lực lượng tuyến đầu chống dịch thông qua hình ảnh những người lính sẵn sàng nhường chỗ ngủ cho người dân cách ly; những bác sĩ, đội ngũ y tá, tình nguyện viên không ngại khó nhọc trong quá trình phòng, chống dịch bệnh. Mặt khác, MV này còn mang đến những góc nhìn đa chiều từ thực tiễn phòng, chống dịch trên cả nước, để khán giả hiểu hơn về sự hy sinh, kiên cường của những “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu.

“Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy, khi ghi hình cho MV trên, các nghệ sĩ đều tuân thủ nghiêm ngặt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, chia giờ thu âm, ghi hình không quá 5 người để đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Hy vọng, MV này sẽ là món quà tinh thần, tiếp lửa cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch hiện nay”- Nghệ sĩ ưu tú Lê Nguyễn Đạt nói.

Tương tự, các nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng thể hiện tinh thần xung phong của mình qua 2 MV cải lương “Niềm tin” và “Chúng con là chiến sĩ” để gửi đến độc giả cả nước. Theo soạn giả Hoàng Song Việt, các MV ra mắt trong mùa dịch là dịp viết tiếp khúc “quân hành ca” cùng đội ngũ y bác sĩ, lực lượng bộ đội, tình nguyện viên để tiếp thêm sức mạnh trong cuộc chiến đầy cam go này. Sau khi hai MV ra mắt đều mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết trong công tác chống dịch và gửi lời tri ân của người dân đến với các chiến sĩ áo trắng ở nơi tuyến đầu chống dịch.

Trong khi đó, một các chuyên gia về âm nhạc cho biết, nhìn chung, các MV ra mắt trong mùa dịch đều mang nội dung chung là cổ vũ tinh thần chống dịch, ca ngợi các chiến sĩ nơi tuyến đầu... Vì vậy, trong các MV, ngoài hình ảnh các nghệ sĩ tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch còn có những đoạn clip, phóng sự chân thực về lực lượng tuyến đầu như: bác sĩ, quân đội... đang căng mình ngày đêm chống dịch khiến khán giả có cái nhìn chân thực, xúc động về công tác chống dịch tại TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh cho biết: “Từ khi TP áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội cũng là lúc các nghệ sĩ không đi biểu diễn trực tiếp. Thay vào đó, đa số sáng tác, ra mắt MV trong mùa dịch đều thực hiện trực tuyến trên các nền tảng công nghệ. Việc ra mắt các tác phẩm trực tuyến cũng là cách giúp văn nghệ sĩ tiếp cận nhiều hơn với công nghệ mới để hướng tới sự thay đổi tốt đẹp hơn. Ngoài ra, thông qua những MV mới cũng giúp các nghệ sĩ quảng bá và lan tỏa tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP đến với công chúng gần hơn”.

Theo Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu, những MV ra mắt dịp này cũng được các nghệ sĩ đầu tư công phu hơn, dàn dựng sinh động, với những câu chuyện gắn với thời sự của cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh. Trong cuộc chiến này, bên cạnh các chiến sĩ tuyến đầu đang ngày đêm cứu chữa các bệnh nhân thì cũng có những đội ngũ tình nguyện là văn nghệ sĩ, các tổ chức mặt trận, đoàn thể... cùng chung tay tham gia vận động, chăm lo an sinh cho người dân, với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, để không người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Nguyễn Hoàng

Bình luận

ZALO