Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 29/09/2023 02:28 GMT+7

Vắc xin phòng Covid-19 - “Lá chắn” tốt nhất bảo vệ con người trước đại dịch

Biên phòng -  Tính đến hết ngày 14-7, cả nước đã thực hiện tiêm chủng 4.079.066 liều vắc xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, một số người bất an, thậm chí trì hoãn tiêm vắc xin vì lo ngại không an toàn. Các chuyên gia y tế đã lên tiếng về việc cần hiểu đúng  về các phản ứng sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 xảy ra trong thời gian qua. Vì vậy, khi tiêm vắc xin phòng Covid-19, người dân không quá lo lắng và nên nghĩ việc tiêm vắc xin càng sớm sẽ giúp chúng ta có được “lá chắn” hữu hiệu ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 354, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng kiểm tra sức khỏe cho cán bộ cơ quan Bộ Tư lệnh BĐBP trước khi tiến hành tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: Thùy Chi

Tiêm vắc xin có gây ra phản ứng phụ?

Theo các chuyên gia dịch tễ, việc phản ứng không mong muốn có thể xảy ra với bất kỳ loại thuốc hay vắc xin nào và đây là những trường hợp cực kỳ hiếm gặp.

Thực tế, trong quá trình triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 của Astra Zeneca tại Việt Nam qua 4 đợt, hệ thống giám sát tiêm chủng đã ghi nhận khoảng 33% trường hợp phản ứng nhẹ thông thường như đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn. Tỷ lệ này thấp hơn báo cáo của châu Âu và nhà sản xuất.

Tuy nhiên, sau khi có thông tin 1 thanh niên tại Hà Nội tử vong sau khi tiêm vắc xin Astra Zeneca phòng Covid-19 đã gây ra tâm lý hoài nghi, lo sợ ở một số người. Mặc dù kết luận của Bộ Y tế khẳng định, nguyên nhân tử vong được xác định là sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm). Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Chính điều này đã khiến anh Hồ Tiến Nghĩa, trú tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh lo sợ bị phản ứng phụ sau tiêm như: Sưng tấy chỗ tiêm, sốt cao, tiêu chảy... Tuy nhiên, điều đó không xảy ra mà anh chỉ bị triệu chứng sốt nhẹ hết hẳn ngay sau đó. “Trước đó, tôi có tiền sử bị huyết áp cao. Khi đi tiêm, tôi đã thông báo tình trạng của mình cho các bác sĩ và đã được tư vấn kỹ. Các bác sĩ khuyên, nếu tôi đang uống thuốc huyết áp thì vẫn duy trì bình thường sau thời gian tiêm” - anh Nghĩa cho biết.

Chia sẻ thông tin về các phản ứng sau tiêm, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vắc xin cũng giống các loại thuốc khác, đều có thể dẫn tới các phản ứng không mong muốn khi sử dụng, thậm chí ngay cả thực phẩm cũng có thể gây ra phản ứng phụ khiến con người bị các dị ứng và vắc xin phòng Covid-19 cũng không phải ngoại lệ.

Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, đối với loại vắc xin phòng Covid-19, các phản ứng thông thường có thể xảy ra như đau tại chỗ tiêm, sốt, đau cơ, đau người, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi... Những phản ứng này không gây nguy hại cho người được tiêm và sẽ biến mất sau 2-3 ngày. “Vắc xin cũng có thể gây ra các phản ứng như sốc phản vệ, nguy hiểm cho tính mạng người được tiêm. Với mỗi loại vắc xin thì tỷ lệ phản ứng khác nhau, song đến nay, các loại vắc xin được cấp phép lưu hành trên thế giới có tỷ lệ tai biến rất thấp” - Tiến sĩ Lê Quốc Hùng khẳng định.

Tiêm chủng để đảm bảo an toàn trước dịch bệnh

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh - chuyên gia có gần 30 năm kinh nghiệm trong điều trị các bệnh truyền nhiễm cho rằng, hiện nay, chỉ có tiêm chủng thì mới đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân trước dịch bệnh.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, lo ngại hiện nay là về tâm lý trì hoãn tiêm chủng, nhất là trong những người trẻ tuổi. Thực tế cho thấy, hiệu quả phòng ngừa bệnh của vắc xin thường từ 75-95%. Điều đó có nghĩa, trong số 100 người được tiêm vắc xin thì có khoảng 75-95 người có miễn dịch, còn lại từ 5-25 người vẫn có thể mắc bệnh.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng cho hay: “Khi cơ thể được tiêm vắc xin nhưng không tạo ra kháng thể vì lý do nào đó thì vẫn có thể mắc bệnh nên không có gì là tuyệt đối cả. Do đó, chúng ta vẫn phải phối hợp giữa tiêm vắc xin và các biện pháp theo thông điệp “5K” của Bộ Y tế, đó mới là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất”.

Tương tự, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, vắc xin là thành tựu của lịch sử y học, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, kiểm soát nhờ vắc xin như bệnh đậu mùa, bại liệt, uốn ván... Đó cũng là lý do khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, đã có một cuộc chạy đua sản xuất vắc xin trên toàn thế giới để tìm ra vũ khí kiểm soát đại dịch này.

Để tránh vấn đề bị phản ứng nặng, sốc phản vệ sau tiêm vắc xin, các bác sĩ khuyến cáo, người được tiêm nên phối hợp với nhân viên tiêm chủng trong việc sàng lọc tiêm chủng, giảm thiểu ít nhất khả năng sẽ có phản ứng phản vệ sau khi tiêm. Khai báo trung thực các bệnh nền mình đang mắc phải, các loại thuốc đang sử dụng, các loại dị ứng có thể xảy ra...

Công nhân làm việc trong khu công nghệ cao tại thành phố Hồ Chí Minh được tiêm vắc xin phòng Covid-19 để đảm bảo hoạt động sản xuất. Ảnh: Hoàng Tuyết

Tuy nhiên, dù sàng lọc kỹ nhưng cũng có trường hợp có thể xảy ra phản ứng nặng đối với người không có cơ địa dị ứng hay mắc bệnh lý nền, đó là lý do phải ở lại điểm tiêm chủng từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ để theo dõi. Cá biệt có những trường hợp phản ứng phản vệ xảy ra chậm hơn 2-3 giờ sau khi tiêm, thậm chí 1-2 ngày sau khi tiêm. Do đó, trong vòng 3 ngày, người được tiêm vắc xin cần tự theo dõi các phản ứng của cơ thể và đến ngay các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị nếu có triệu chứng xấu.

Ngày 10-7, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan đã phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên toàn quốc. Với mục tiêu tiêm 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 cho khoảng 75 triệu người trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết, ủng hộ và trách nhiệm cộng đồng của toàn thể nhân dân để chiến thắng dịch bệnh.

Hơn lúc nào hết, mỗi người dân cần nhận thức đầy đủ rằng, được tiêm vắc xin là cách để người dân có “lá chắn” tốt nhất bảo vệ mình trước dịch bệnh Covid-19

Hoàng Tuyết

Bình luận

ZALO