Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:20 GMT+7

Ủy quyền cho nhân viên: 7 điều cần nhớ

Biên phòng - Để đảm bảo tiến độ cũng như tạo sự thuận lợi trong công việc, nhiều nhà quản lý đã quyết định chia sẻ với cấp dưới trọng trách, nhiệm vụ cần làm. Điều này tuy nhỏ nhưng rất hữu ích, vì khi đó nhân viên sẽ quan tâm và có trách nhiệm hơn với công việc. Tuy nhiên, khi giao quyền tự chủ cho cấp dưới, sếp cần chú ý những quy tắc sau để gặt hái về “quả ngọt” như mong đợi.

Thấu hiểu nhân viên

Tất nhiên trước khi tạo cơ hội cho nhân viên có quyền tự chủ, tự đưa ra những quyết định quan trọng thì bạn nên dành thời gian lắng nghe, cũng như dẫn dắt, phát triển, hướng họ đi đúng đường lối và định hướng của công ty. Chắc chắn bạn sẽ nhận nhiều những phản hồi có giá trị. Cũng chính nhờ thường xuyên tiếp xúc với nhân viên bạn sẽ thấy rõ năng lực, tính cách, nhân phẩm… của họ và dễ dàng đặt niềm tin đúng chỗ để giao “đúng người, đúng việc” cho cấp dưới của mình.

Nêu rõ yêu cầu về tiêu chí và thời hạn công việc

Cần đưa ra thời gian hoàn thành và mục tiêu cụ thể để hoàn thành công việc. Đây cũng là bước đi cơ bản để giám sát nhân viên. Bạn cũng cần tạo môi trường làm việc thuận lợi để họ phát huy hết năng lực của mình. Khích lệ khi biết họ làm tốt nhưng cũng đừng quên nhắc nhở nhân viên thường xuyên chú ý về mặt quá hạn, những điều cần lưu ý, hay những tình huống cảnh báo và nguy cấp có thể xảy ra.

Xác định rõ ranh giới thưởng - phạt

Để nhân viên có quyền tự chủ không có nghĩa là trao toàn quyền để họ quyết định và làm việc một cách tùy tiện, không giới hạn. Tốt nhất, trước đó, bạn hãy là người vạch ra việc “được, mất” thông qua cơ chế thưởng – phạt cho nhân viên để họ tìm ra phương hướng làm việc không chỉ vừa thực hiện theo ý muốn mà còn đảm bảo quyền lợi chung của đơn vị. Ranh giới này sẽ hiệu quả hơn nếu bạn dựa trên việc đảm bảo tính rõ ràng, rành mạch về thời gian, trách nhiệm, quyền hạn cũng như các công việc cụ thể mà cấp dưới cần thực hiện.

Vẫn theo sát trực tiếp hoặc gián tiếp

Từ việc thực hiện quyền tự chủ, bạn đang rèn luyện nhân viên kỹ năng ra quyết định, cũng như chủ động học hỏi mọi việc. Song, điều đó không có nghĩa là bạn không cần giám sát họ. Bạn vẫn nên theo sát họ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Việc tinh ý theo dõi, nắm bắt công việc sẽ giúp bạn xử lý kịp thời những vấn đề đột xuất hay tình huống bất ngờ để tránh gây hậu quả đáng tiếc cho công ty bằng việc yêu cầu nhân viên báo cáo công việc thường xuyên, thông qua ý kiến của bạn trước khi thực hiện dự án quan trọng. Khi đóng góp ý kiến bạn nên tạo môi trường thoải mái, với thái độ tích cực thể hiện sự tin tưởng và sự ủng hộ.

Hãy là một tấm gương tốt

Là sếp không có nghĩa bạn tự cho mình quyền đi trễ về sớm. Đặc biệt bạn không chỉ làm việc như người khác mà còn phải làm tốt hơn để xứng đáng với cấp bậc mình đang ngồi, và cũng là tấm gương tốt cho họ noi theo. Như vậy bạn mới có được sự tôn trọng và đồng lòng từ phía nhân viên. Khi đã chiếm được niềm tin này thì cấp dưới sẽ sẵn sàng tin tưởng mọi quyết định của sếp, cụ thể như việc bạn cân nhắc, đánh giá đúng năng lực từng cá nhân để giao việc mà không lo sợ họ không làm được hoặc quá sức.

Không tiếc lời khen và công nhận thành tích của cấp dưới

Thực tế cho thấy nhân viên được sếp công nhận và trân trọng thành tích sẽ ít truy cập vào các trang việc làm 24h để tìm kiếm công việc mới, đồng nghĩa họ sẽ gắn bó lâu dài hơn với công ty. Do đó, hãy cởi mở hơn trong việc chia sẻ, giúp đỡ họ trong cuộc sống cũng như công việc. Tất nhiên vấn đề khen thưởng phải theo nguyên tắc công bằng và ngay thẳng. Người có thành tích xuất sắc sẽ được tuyên dương trước toàn bộ nhân viên nhưng đừng “làm quá” để nhân viên đó tự kiêu mà rời xa mọi người. Hãy cho họ biết dù là tự chủ trong công việc, có quyền đưa ra ý kiến và thực hiện nó nhưng “một cánh én không thể làm nên mùa xuân”, mà thành tích đó là sự đóng góp của cả tập thể.

Đừng quên nói lời cảm ơn

Lời khen và những phần thưởng chính là đánh giá chuyên nghiệp của cấp trên dành cho nhân viên, đánh giá mức độ đóng góp của họ với công ty. Đặc biệt thành công này lại xuất phát từ sự tự chủ, sắp xếp trong công việc thì càng cần được trân trọng. Song, lời cảm ơn từ bạn không bao giờ dư thừa. Với nhiều người, điều này còn đáng quý hơn bất cứ phần thưởng nào. Đừng ngại ngần, hãy nói “Cảm ơn vì anh/chị đã làm rất tốt”. Tất nhiên nếu sau dự án này, bạn lại có công việc liên quan muốn giao thì họ sẽ vui vẻ chấp thuận mà không hề kêu than.

Mai Hương

Bình luận

ZALO