Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 24/03/2023 02:17 GMT+7

“Uy lực” giữa Biển Đông

Biên phòng - Đa số những ông chủ sắm tàu to chuyên hành nghề mành chụp hiện nay ở các tỉnh Nam Trung bộ nói chung và Khánh Hòa nói riêng, trước đó đã trải qua làm nghề câu cá ngừ đại dương, lưới cản (lưới rê), lưới vây,... Nguyên nhân chuyển đổi nghề, vì mành chụp luôn ở “thế” đánh bắt chủ động và đang làm ăn được.

tq4l_11b
Sản phẩm của tàu mành chụp đánh bắt được. Ảnh: Hải Luận

Bài 1: “B52 trên biển”

Bài 2: Đánh bắt chủ động

Ông chủ, kiêm Thuyền trưởng Cao Văn Thơ, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, có 3 chiếc tàu chuyên câu cá ngừ đại dương, nhưng khát khao muốn “nằm” lì bám biển nhiều ngày trên con tàu hiện đại, buộc ông Thơ phải tính toán.

Ông nói: “Mấy năm qua, tôi thấy tàu mành chụp khơi ăn nên làm ra, năm 2017 đã vay vốn theo dự án 67 đóng chiếc tàu composit dài 32m. Nhờ ông Bảy Ngọc có kinh nghiệm  đứng ra hướng dẫn, thầu làm hệ thống tời, cẩu, gông, hệ thống điện...

Theo dự toán chi phí hết tầm 20 tỉ đồng. Hôm rồi, tôi bán chiếc tàu nhỏ 1,7 tỉ đồng để “đập” vào mua sắm thêm các thiết bị. Lúc ra biển khơi mênh mông sóng gió, mình luôn an tâm, đứng ở thế chủ động và thế tiến công thì không sợ bị thua lỗ”.

Gom cá bằng đèn

Khoảng 5 giờ chiều, các lao động trên tàu mành chụp bắt đầu chuẩn bị giàn gông, dây tời, dây kéo, giàn lưới... Đặc biệt, 2 máy phát điện trên tàu mành chụp nổ máy hoạt động để cung cấp cho gần 500 bóng điện cao áp, có những bóng điện 2.000-3.000W, sáng rực cả vùng biển, “dẫn dụ” cá kéo về xung quanh tàu. Người thuyền trưởng luôn quan sát vào hai máy dò cá (máy dò ngang, máy dò dọc) để biết được số lượng cá đến khu vực đèn sáng.

“Nếu những đàn cá đã “thấm đèn” nó sẽ ít chạy hơn, nhưng vẫn nằm rải rác ở phía ngoài vòng lưới chụp. Mình bắt đầu gom đèn, bằng cách tắt bớt khoảng 100 bóng đèn, quan sát đàn cá chạy vòng vòng xung quanh chiếc tàu. Thuyền trưởng tắt tiếp 100 đèn nữa và cứ thế tắt đèn dần dần. Thấy đàn cá đã “phê” đèn, tắt hết bóng đèn, chỉ để lại 2-4 bóng đèn pha cao áp đặt sát mặt nước để gom đàn cá lại thật gọn trong phạm vi giàn lưới sẽ bao vây. Thuyền trưởng bấm một hồi còi, báo hiệu thả lưới, lập tức cả giàn lưới chụp xuống bao trọn cả đàn cá, mực” - Thuyền trưởng Ngô Xuân Hoàng tường thuật.

 Giàn lưới vừa xuống nước đã có tiếng động, con cá phóng mất rồi, sao mình chụp được?” - Tôi hỏi.

- Khi con cá đã “phê” đèn rồi, nó sẽ mất cảnh giác, phía dưới giàn lưới có gắn khoảng 2,5 tấn chì, chỉ cần thả dây, lập tức lưới chạy vụt sâu xuống cả 100m nước. Mình nhanh chóng kéo thắt dây dưới đáy lại, nó giống như cái bao, thế là cẩu lên tàu thôi.

- Trung bình mỗi lần chụp như vậy đạt bao nhiêu cá?

- Thấp nhất cũng đạt vài tạ mới “tung chưởng”. Trung bình là 2 - 5 tấn, có những mẻ lưới trúng 40 - 60 tấn cá. Nếu gặp tàu nhỏ không chở hết cá, buộc phải thả lại xuống biển.

- Tại sao tàu mình gắn 4 máy bộ đàm đường dài?

- Ra khơi ai nắm được thông tin sớm là người đó thắng, chủ yếu liên lạc và nghe thông tin từ các tàu khác đang đánh bắt cách xa tàu mình vài chục hải lý, về dòng hải lưu, về dòng cá, mực đang di chuyển để mình biết và lái tàu chạy đón đầu đàn cá. Rồi điện đàm với đất liền để nghe thông báo về gió bão, sản lượng đánh bắt, làm giá bán sản phẩm với các thương lái.

Nghề mành chụp bắt được tất cả các loại cá, nhưng phổ biến với số lượng lớn là cá ồ, mực... Đặc tính cá nhỏ sợ cá lớn, chỉ cần có bóng dáng con cá heo xuất hiện, y rằng đàn cá biến mất. Ông Ngô Trọng Hoàng, thuyền phó tàu KH 97975 TS, kể: “Nhiều khi đang chong đèn được mấy tiếng đồng hồ, cá, mực bắt đầu “phê” đèn, mấy ông cá heo xuất hiện, nhảy lộn xung quanh tàu phá đám, coi như thành công cốc. Chúng tôi tắt đèn cho tàu chạy đi chỗ khác để “né” mấy ông cá heo. Có nhiều lần tàu đã chạy cách xa 15 - 20 hải lý, dừng tàu lại bật đèn. Điện mới sáng đã thấy mấy ông cá heo nhảy múa dưới đó rồi, hình như nó chạy theo tàu. Thấy vậy, anh em bỏ đi ngủ để điện sáng cho mấy ông cá heo ăn no rồi tự bỏ đi, khi đó mình thức dậy buông lưới làm tiếp”.

Một lần, tàu ông Ngô Trọng Hoàng chụp mẻ lưới bắt được 7 con cá heo, con to nặng 1 tạ, con nhỏ 50kg, tất cả đều thả lại biển. Theo truyền thống của dân biển, cá voi, cá heo là con vật linh thiêng, nên họ không có những hành động làm ảnh hưởng đến môi trường sống của cá heo.

5ad55c0c471e3c3210000620
Thuyền trưởng Ngô Xuân Hoàng. Ảnh: Hải Luận

Cần hợp sức bảo vệ biển

Những loại nghề như câu cá ngừ đại dương, lưới vây... khi ra biển gặp tàu mành chụp của Trung Quốc, họ luôn phải “né”, vì ánh đèn quá sáng của tàu Trung Quốc “hút” hết cá. Bây giờ, tàu mành chụp của tỉnh Khánh Hòa được trang bị tàu to, máy móc hiện đại, đặc biệt ánh sáng điện không thua kém gì tàu cá Trung Quốc.

Thuyền trưởng Lê Tuấn Hiệp, thành phố Nha Trang, chuyên hành nghề mành chụp khơi, kể tội tàu cá Trung Quốc: “Theo “luật” làm nghề biển với nhau, khi thấy có một tàu đang chong đèn đánh bắt, thì tàu đến sau phải cách xa từ 10-20 hải lý. Tàu đánh cá Trung Quốc đã xâm phạm vào vùng biển Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đánh bắt trộm hải sản, mà còn chuyên đi phá đám. Họ cố tình chạy áp gần tàu của Việt Nam, khiến cả hai tàu đều không đánh bắt được hải sản. Hình như những chiếc tàu cá của Trung Quốc được hỗ trợ tài chính từ nguồn nào đó, nên họ mới có thời gian đi phá người khác, không cần đánh bắt. Còn như tàu chúng tôi, một đêm không đánh bắt được là bị lỗ 20 triệu đồng tiền dầu, mất 5 đêm biển cứ xoay quần với mấy chiếc tàu cá Trung Quốc là mất toi 100 triệu đồng. Tàu cá của mình bỏ đi chỗ khác đánh bắt, thì tàu cá của Trung Quốc “lên mặt” lấn át, chiếm biển của chúng ta”.

Ông Hiệp trước đây làm nghề câu cá ngừ đại dương đã nhiều lần bị tàu lực lượng vũ trang của Trung Quốc vô cớ xua đuổi ở vùng biển Trường Sa. Thuyền trưởng Hiệp nói: “Tất cả các thuyền trưởng tàu cá của Việt Nam xem biển Trường Sa là “nồi cơm” của mình, thì không có sợ các tàu của Trung Quốc. Kiểu hù doạ của tàu Trung Quốc là họ cứ cho tàu chạy lòng vòng gần với tàu của mình, rồi giương súng, dọa nạt bằng tiếng Việt... Mình đừng bỏ chạy, bình thản mà đi, cứ bình tĩnh mà đánh bắt. Nhà nước đã hỗ trợ tiền dầu cho các tàu cá rồi, mỗi con tàu, mỗi thuyền trưởng và lao động trên tàu phải có trách nhiệm bảo vệ biển, bảo vệ “nồi cơm” của mình lâu dài”.

Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có những cuộc họp với những tài công (thuyền trưởng) để cùng nhau trao đổi, hướng dẫn, hiệp đồng và nói rõ cho mọi người biết về những thủ đoạn bành trướng của tàu Trung Quốc trên Biển Đông. Từ đó mới có giải pháp cho tàu thuyền của chúng ta bám biển thường xuyên ở những vùng nhạy cảm” - Thuyền trưởng Lê Tuấn Hiệp đề xuất.

Hải Luận

Bình luận

ZALO