Biên phòng - Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 33, chiều 11-4, dưới sự điều hành Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên sau hơn 20 năm được ban hành đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, để phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có quy định liên quan đến lực lượng dự bị động viên như Luật Quốc phòng, Luật Sỹ quan QĐND Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ… nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản quy phạm pháp luật tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Do đó, việc xây dựng Luật Lực lượng dự bị động viên là hết sức cần thiết.
“Việc xây dựng dự án Luật nhằm mục đích xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, có chất lượng cao làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội” - Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.

Thảo luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên năm 1996 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, tuy nhiên, để thể chế hóa nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng dự bị động viên và để xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, có chất lượng cao làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng thì cần thiết phải ra đời một văn bản có giá trị pháp lý cao, đó là Luật Lực lượng dự bị động viên.
Liên quan đến chế độ chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh chỉ ra rằng, tại khoản 4, Điều 33 có quy định về chế độ chính sách đối với quân nhân dự bị ốm đau, bị tai nạn lao động hoặc bị chết. Theo đó, quân nhân dự bị đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động mà bị ốm đau, bị tai nạn được xác định là tai nạn lao động hoặc bị chết thì được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn vệ sinh lao động hiện hành.

“Quân nhân dự bị chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động mà bị ốm đau, bị tai nạn được xác định là tai nạn lao động hoặc bị chết thì được Nhà nước bảo đảm. Trên cơ sở quy định của dự án Luật, đề nghị Chính phủ cần có quy định cụ thể, chi tiết hơn về nội dung này để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng” - Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh đề nghị.
Danh Anh