Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:09 GMT+7

Ủy ban Quốc phòng và An ninh họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Biên phòng - Sáng 14/3, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (gọi tắt là Ủy ban) tổ chức phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Dự án do Bộ Quốc phòng chủ trì, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thẩm tra.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo phiên họp.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội dự, chỉ đạo phiên họp. Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì phiên họp.

Dự phiên họp có các đồng chí: Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; các đồng chí Phó chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực Ủy ban; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; đại diện một số cơ quan của Quốc hội và cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an...

Tại phiên họp, đại diện Ban soạn thảo đã trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Theo đó, công trình quốc phòng và khu quân sự là tài sản Nhà nước, giao cho Quân đội và chính quyền các cấp tổ chức xây dựng, quản lý, sử dụng, bảo vệ. Việc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân, nòng cốt là lực lượng quân đội.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì phiên họp.

Ngày 19-5-1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (Pháp lệnh). Quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh, công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, sau 28 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, một số nội dung chưa theo kịp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; một số nội dung quy định tại Pháp lệnh không phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Do đó, yêu cầu phải xây dựng một đạo luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo là hết sức cần thiết.

Quang cảnh phiên họp.

Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được xây dựng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Luật ra đời còn nhằm tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu tiên các chương trình đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn bị ảnh hưởng lớn; chính sách đối với các khu vực bị hạn chế về quyền sử dụng đất và các quyền, lợi ích hợp pháp khác do yêu cầu quản lý, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho các công trình quốc phòng và khu quân sự. Ngoài ra, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó trưởng ban Thường trực Ban soạn thảo dự án Luật phát biểu tại phiên họp.

Dự án Luật được xây dựng trên quan điểm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới; bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với Luật Quốc phòng và các luật có liên quan; nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; kết hợp hài hòa giữa hoạt động quản lý, bảo vệ với phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nhằm củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng trong quá trình phát triển của đất nước.

Luật được kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã được thực tiễn kiểm nghiệm thấy phù hợp; đồng thời, bổ sung những nội dung mới để điều chỉnh, giải quyết những vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Bố cục dự thảo Luật gồm 6 chương, 33 điều; nội dung cơ bản của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 4 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13-6-2022 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 28-2-2022.

Đại diện Ban soạn thảo trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật.

Cùng với tờ trình của Chính phủ, các đại biểu dự họp nghe Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội báo cáo thẩm tra sơ bộ Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Qua báo cáo cho thấy, Cơ quan nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ và cho rằng công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đây là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, của nhân dân mà nòng cốt là lực lượng Quân đội. Việc ban hành Luật trên cơ sở Pháp lệnh trước đó có bổ sung nội dung về quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự là cần thiết.

Đại diện Bộ Tư pháp phát biểu tại phiên họp.

Thường trực Ủy ban thấy rằng, hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ trình cơ bản theo đúng quy định, nhiều nội dung nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đủ điều kiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Cùng với đó, nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và cơ bản bảo đảm tính khả thi; đa số ý kiến của thành viên trong Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với bố cục của dự thảo Luật…

Sau khi nghe tờ trình, báo cáo trên, các đại biểu dự họp đã phát biểu nhiều ý kiến đóng góp giá trị cho dự án Luật. Các ý kiến đều thống nhất cho rằng, việc ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự hiện nay là hết sức cần thiết; nội dung của dự thảo Luật cơ bản đầy đủ, phù hợp, mang tính thực tiễn và lâu dài… Một số ý kiến bổ sung, đề nghị làm rõ hơn các vấn đề về các nhóm chính sách trong dự thảo Luật.

Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ dự án Luật của cơ quan chủ trì, Chính phủ và các ý kiến thảo luận hết sức có giá trị tại phiên họp. Đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, khách quan hồ sơ dự thảo Luật, nhất là đánh giá các tác động tích cực, tiêu cực của Luật để từ đó đề ra các chính sách phù hợp, hiệu quả khi triển khai.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát các văn bản quy định chi tiết giao Chính phủ để tránh bỏ sót các nội dung; cố gắng công khai, luật hóa các vấn đề không liên quan đến yếu tố bí mật; nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng một số nội dung của Luật, nhất là vấn đề liên quan đến tác động về giới để bảo đảm đầy đủ hồ sơ theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, cần rà soát, nghiên cứu kỹ, đối chiếu với các luật đã và chuẩn bị thông qua, bảo đảm tương thích, không trái Hiến pháp, không mâu thuẫn với các luật khác, nhất là các nội dung bổ sung, sửa đổi. Cần nghiên cứu lại cách sử dụng một số thuật ngữ, khái niệm; có sự phân nhóm, phân loại rõ hơn các công trình bảo đảm phù hợp, sát với thực tiễn. Đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến tại phiên họp và bổ sung của các bộ, ngành, cơ quan, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 21 sắp tới.

Theo qdnd.vn

Bình luận

ZALO