Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 27/09/2023 11:09 GMT+7

Ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Sáng 19–6, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi). Qua thảo luận, nhiều ý kiến băn khoăn khi dự thảo chưa quy định rõ trách nhiệm bảo vệ rừng.

ksor-phuoc-ha
Đại biểu Ksor Phước Hà thảo phát biểu ý kiến. Ảnh: Quang Khánh

Liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, đại biểu Ksor Phước Hà (Gia Lai) cho rằng, dự thảo Luật chưa chỉ rõ người chịu trách nhiệm cụ thể khi rừng bị phá, cháy rừng và mất rừng. Do đó, cần bổ sung quy định Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm chính đối với các vụ cháy rừng, phá rừng thuộc phạm vi, địa bàn quản lý.

Một nội dung khác quy định quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, trong đó quy định thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng, đây là điều không hợp lý. 

"Hiện nay, lực lượng Kiểm lâm có chuyên môn, có chức năng quyền hạn rõ ràng, được trang bị công cụ hỗ trợ mà còn khó khăn trong việc bảo vệ rừng. Dự thảo Luật quy định thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách với những quy định khái quát trong dự thảo sẽ không đủ thầm quyền xử lý vi phạm. Họ không có công cụ hỗ trợ, hoạt động độc lập, không có sự phối hợp với Kiểm lâm thì sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ" - Đại biểu Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.

Đối với các chính sách về bảo vệ và phát triển rừng, nhiều đại biểu cho rằng, quy định trong dự thảo Luật không thực tiễn, không đảm bảo phát triển rừng theo chuỗi giá trị và bền vững. Đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) đề nghị, cần quy định chi tiết các chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng bền vững, đặc biệt là các chính sách thu hút nguồn lực trồng rừng, khuyến khích ứng dụng công nghệ trong canh tác rừng, khuyến khích chuyển đổi giống cây rừng có giá trị cao, xúc tiến thương mại lâm sản…

Cũng liên quan đến việc phân trách nhiệm bảo vệ rừng, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) cho rằng: Cần gắn trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng với việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư. Mặt khác, quy định cơ chế chia sẻ quyền lợi rừng với người dân để họ yên tâm bảo vệ rừng. Hiện dự thảo Luật không có điều khoản riêng về chính sách phát triển rừng, ưu tiên với đồng bào dân tộc thiểu số. Các đại biểu Quốc hội đã đề nghị bổ sung điều này.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Về đề nghị của các đại biểu ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, giao rừng gắn với giao đất, sẽ tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để việc giao rừng, cho thuê rừng phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về việc bổ nhiệm 2 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao với 83,10% số phiếu tán thành đối với ông Lê Hồng Quang (sinh năm 1968), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang và ông Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1966), Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Phúc Thắng

Bình luận

ZALO