Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 12:19 GMT+7

Ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất

Biên phòng - Nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, sắp xếp, đổi mới đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường để tối ưu hóa việc sử dụng đất, cải thiện đời sống của người dân đã được đưa ra tại Hội thảo Nghịch lý Thiếu - Thừa: Giải pháp nào cho quản lý và sử dụng đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh? Hội thảo do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức sáng nay, 30-11.

Ảnh minh họa: Nhiều diện tích đất rừng hiện nay chưa được sử dụng hiệu quả do chưa tìm được mô hình quản lý phù hợp. Ảnh: Bích Nguyên

Thông tin tại hội thảo cho thấy, với 9,1 triệu ha, chiếm 27,75% diện tích đất liền của cả nước, khu vực nông-lâm trường chiếm một quỹ đất lớn và giữ vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng và hình thành các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa tập trung, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Hiện tại, dù đã có trên 75% các địa phương cơ bản hoàn thành rà soát, phân định ranh giới và có phương án sắp xếp, đổi mới với các diện tích đất này, kết quả vẫn không đạt được như kỳ vọng.

Thực tế, 1,8 triệu ha được giữ lại, hiện thuộc quyền quản lý của các công ty nông, lâm nghiệp nhưng hiệu quả đóng góp cho môi trường hay phát triển kinh tế-xã hội vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Với các diện tích đã xác định chuyển đổi, bổ sung quỹ đất cho địa phương thì vấn đề liên quan đến rà soát ranh giới và chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn là điểm nghẽn lớn nhất. 13/45 địa phương vẫn chưa hoàn thành viêc phân định ranh giới đất đai nông, lâm trường. 34/45 tỉnh vẫn đang vướng mắc trong việc thực hiện rà soát và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được giao, cho thuê đất.

Điều đó dẫn tới nghịch lý thiếu-thừa khi một diện tích lớn đất đai luôn ở trong trạng thái chờ. Các công ty nông, lâm nghiệp không còn hoặc không có kế hoạch cũng như kinh phí quản lý, sử dụng hiệu quả. Một diện tích không nhỏ rừng và đất lâm nghiệp đã và đang chịu sức ép lớn về xâm lấn, chuyển đổi. Trong khi đó, người dân địa phương xung quanh lại luôn trong tình trạng "đói" đất sản xuất

Một thực tế nữa là tình trạng sử dụng quỹ đất của Nhà nước để cho thuê, cho mượn, khoán trắng; tình trạng lợi dụng ranh giới giữa rừng sản xuất với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ không rõ ràng để khai thác rừng không đúng pháp luật còn thường xuyên xảy ra.

Tại hội thảo, cùng với thảo luận hiện trạng quản lý và hiệu quả sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông lâm trường, các đại biểu đã bàn luận các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng đất đai nông lâm trường và đề xuất cơ chế thúc đẩy sự tham gia đa bên (cộng đồng, hộ gia đình, chính quyền địa phương) trong sử dụng hiệu quả đất đai nông lâm trường.

Bàn về giải pháp sử dụng hiệu quả đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, ông Triệu Văn Bình, Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần rà soát các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc ít người;... để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, phải xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, lấn chiếm, tranh chấp đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng.

Cũng theo ông Bình, các địa phương quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, cơ chế xây dựng, phát triển các mô hình quản trị doanh nghiệp, đổi mới mô hình quản lý các công ty nông, lâm nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ cao, gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương. Có các giải pháp kiên quyết và đủ mạnh, đồng bộ để sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng.

Đồng thời thu hồi diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả, bàn giao cho chính quyền địa phương để quản lý, sử dụng, ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất; giao đất cho các tổ chức, cá nhân thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.

Về cơ chế, chính sách, ông Phạm Văn Hạnh, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông lâm nghiệp. Trong đó tập trung khắc phục, giải quyết triệt để những khó khăn, tồn tại về: Mô hình sắp xếp; quản lý đất đai, tài nguyên rừng…; xử lý tài chính, tài sản, các khoản nợ…, lao động.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO