Biên phòng - Để tháo gỡ các vướng mắc về phát triển nhà ở xã hội, mới đây, Bộ Xây dựng đã kiến nghị sửa đổi chính sách, điều chỉnh các quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân, người lao động tại khu công nghiệp.

Theo Bộ Xây dựng, đến hết năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án với hơn 142.000 căn nhà ở xã hội, tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2 (bao gồm cả nhà thu nhập thấp và nhà công nhân). Riêng năm 2021 đưa vào sử dụng 27.800 căn hộ, tổng diện tích khoảng 1,4 triệu m2.
Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn quá chậm so với yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt mục tiêu đến năm 2020 cần 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.
Thực tế, 575 khu công nghiệp trong cả nước đang thiếu hụt nghiêm trọng hạ tầng xã hội cho người lao động, nhất là nhà ở. Nhiều thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám, khu vui chơi giải trí... chưa được đầu tư, xây dựng.
Mặc dù, cả nước có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha, nhưng đến thời điểm này mới chỉ có 116 dự án hoàn thành với diện tích đất hơn 250ha, còn 98 dự án đang chậm tiến độ.
Do thiếu chỗ ở, phần lớn công nhân phải ra thuê trọ sinh sống ở nơi chật chội, điều kiện sống và sinh hoạt không đảm bảo. Khi dịch bệnh bùng phát, những khu nhà ở này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao; cộng với khó khăn về việc làm khiến nhiều lao động bỏ việc về quê, gây thiếu hụt nguồn lao động. Điều này đã gây tác động không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Trả lời cho vấn đề nan giải bao giờ cung mới “đuổi kịp” cầu, nhiều chuyên gia cho rằng, dù có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội nhưng vẫn còn “điểm nghẽn” khiến ít nhà đầu tư quan tâm đến loại hình này.
Bởi, so với nhà ở thương mại thì dự án nhà ở xã hội cần thêm một số thủ tục liên quan đến phê duyệt giá, danh sách khách hàng, thậm chí còn bắt buộc phải bố trí một phần diện tích nhà ở cho thuê nên phần nào làm giảm sự hấp dẫn của phân khúc này...
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu phát triển nhà ở trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Điển hình là nguồn vốn ngân sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội còn khó khăn, quỹ đất còn thiếu và bố trí chưa phù hợp, cơ chế ưu đãi chưa hài hòa lợi ích và thủ tục hành chính còn phức tạp...
Dự báo giai đoạn 2021-2025 nhu cầu về nhà ở xã hội cả nước khoảng 294.600 căn với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu rất lớn trên, nhiều chuyên gia kiến nghị cần sớm sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 để tháo gỡ ngay các vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo hướng điều chỉnh các quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo cho chủ đầu tư dự án được hưởng ưu đãi thực chất. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm các địa phương trong việc thực hiện quy hoạch và bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội; cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, xác nhận đối tượng thụ hưởng.
Trước thực trạng đời sống của trên 16 triệu công nhân còn nhiều khó khăn, chưa được đảm bảo về phúc lợi xã hội, thiết nghĩ, cần có chính sách riêng về nhà ở đối với công nhân để họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư nhà lưu trú cho công nhân, đảm bảo đời sống tinh thần cho người lao động.
Thanh Thảo