Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 02/12/2023 12:18 GMT+7

Ươm “mầm xanh” nơi biên giới Tây Nguyên

Biên phòng - Với nhiều người, hình ảnh những cô bé, cậu bé sống và sinh hoạt trong các đồn Biên phòng nơi biên giới xa xôi vốn đã không còn xa lạ. "Con nuôi đồn Biên phòng" là cái tên thân thương mà nhiều người dân nơi biên giới thường nhắc đến. Và "cha", "mẹ" của các em, không ai khác chính là những người lính mang quân hàm xanh ngày đêm canh giữ chủ quyền của Tổ quốc.

cvbx_12
Lãnh đạo BĐBP Gia Lai, Đồn Biên phòng Ia O trực tiếp xuống từng nhà người dân tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Ảnh: Kim Nhượng

Chúng tôi theo chân Thượng tá Rơ Mah Tuân, Phó Chính ủy BĐBP Gia Lai cùng một số cán bộ Phòng Chính trị BĐBP tỉnh đi khắp tuyến biên giới, nơi có các đồn Biên phòng đóng quân để rà soát những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thực hiện mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Có đi tới biên giới, tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh éo le của các em mới thấy, mô hình "Con nuôi đồn Biên phòng" ý nghĩa biết nhường nào. Họ - những người lính Biên phòng đã dang rộng vòng tay đón lấy những đứa trẻ non nớt, tâm hồn còn trong trắng, không biết bám víu vào đâu để sống khi hoàn cảnh gia đình chúng quá éo le, chật vật. 

Trường hợp đầu tiên chúng tôi đến là gia đình Ksor Chơnh (sinh năm 2008), ở làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai. Em mồ côi cả cha lẫn mẹ, hai chị em nương tựa vào nhau để sống, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuy là trẻ mồ côi, nhưng Ksor Chơnh rất ham học, đang là học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân. Năm nào Ksor Chơnh cũng đạt học sinh tiên tiến, vì nhà quá nghèo nên em định bỏ học ở nhà phụ giúp chị làm nương rẫy.

Biết được hoàn cảnh của em, đoàn công tác cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O đã xuống tận nhà, trực tiếp nói chuyện cùng gia đình để thuyết phục em về làm “Con nuôi đồn Biên phòng”. Ban đầu, người bác ruột của Ksor Chơnh phản đối kịch liệt, không cho bộ đội đón Ksor Chơnh, vì sợ "đi sẽ mất cháu", "nếu muốn cho cháu đi thì phải làm lễ như tục lệ của người dân tộc Jrai" (tục lệ nhận con nuôi phải làm lễ ăn uống linh đình). Biết tâm lý của bác Ksor Chơnh, Thượng tá Rơ Mah Tuân đã giải thích thật cặn kẽ cho ông hiểu. Sau một hồi nói chuyện bằng tiếng Jrai, nét mặt ông đã tươi hẳn. Ông nắm tay những người lính thật chặt, rưng rưng nước mắt vì xúc động.

Thượng tá Rơ Mah Tuân chia sẻ: “Tâm lý của đồng bào là thế. Họ sợ mất con, mất cháu, nên cần phải tuyên truyền cho người dân hiểu về mô hình "Con nuôi đồn Biên phòng", rằng nhận con nuôi là để nuôi dưỡng, cho ăn học thành người đến khi trưởng thành, chứ không phải nhận nuôi để bắt các em đi làm công”.

Thượng tá Rơ Mah Tuân cho biết thêm: “Mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” đã được một số đơn vị BĐBP phía Bắc thực hiện, nhưng trên địa bàn biên giới Tây Nguyên chưa được triển khai nhiều do đặc điểm khác nhau giữa các vùng, miền. Trước đây, một số đồn Biên phòng trong tỉnh cũng đã nhận các em về nuôi dưỡng nhưng chưa đi vào quy củ. Hiện nay, mô hình đã được mở rộng, chính vì vậy, công tác rà soát, chọn lọc càng phải thận trọng hơn, những em được chọn nhận nuôi phải là những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa; con, cháu của liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng và đặc biệt là các em phải có ý chí vươn lên trong học tập”. 

Đến Đội công tác địa bàn của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, chúng tôi thấy một em nhỏ đang chơi đùa tại sân của đội công tác, khi thấy chúng tôi, em khoanh tay lễ phép chào từng người. Thiếu tá Nguyễn Văn Thành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh dí dỏm giới thiệu: “Con nuôi tương lai của Đồn Lệ Thanh đó”.

Đó là em Lê Đại Vỹ (sinh năm 2002), ở thôn Mook Treel, xã Ia Dom, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Trần Phú. Lê Đại Vỹ cũng là một trong những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt. Mồ côi bố từ nhỏ, mẹ bỏ đi lấy chồng 9 năm không liên lạc với gia đình, Vỹ ở với bà nội, nhưng bà nội cũng vừa mất cách đây 2 tuần vì tai nạn giao thông. Nhìn ánh mắt nặng trĩu nỗi buồn trong độ tuổi hồn nhiên của Vỹ, chúng tôi thấy được sự thiếu thốn tình cảm cũng như nỗi vất vả mà em đã trải qua.

Khi nghe hỏi, có muốn về ở với các chú BĐBP không, ánh mắt Vỹ bừng sáng hẳn lên: “Cháu muốn về ở với các chú, cháu sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng các chú bộ đội nuôi dưỡng cháu bao năm nay”. Tôi thật sự bất ngờ với câu nói của một cậu nhóc mới học lớp 3. Sau này, chúng tôi được biết, Lê Đại Vỹ nằm trong diện học sinh được hỗ trợ của Chương trình "Nâng bước em tới trường" và em được nuôi ăn trong mô hình “Bếp ăn tình thương” của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. 

Thiếu tá Nguyễn Văn Thành chia sẻ:" Mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng" là mô hình mới đối với tuyến biên giới tỉnh Gia Lai, nhưng riêng đối với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, mô hình “Bếp ăn tình thương” đã được đơn vị triển khai từ nhiều năm nay, nuôi dưỡng và hỗ trợ các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.

Mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” thực sự là một mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không những giúp cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện ăn ở, học hành, mà còn giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn. Đúng như lời của Thượng tá Rơ Mah Tuân chia sẻ: Chương trình được mở rộng sẽ mở ra cánh cửa tương lai, giúp nhiều em nhỏ có điều kiện học hành, sau này sẽ trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội. Các em sẽ có điều kiện để quay trở lại phục vụ chính quê hương, thôn, làng của mình. Đó chính là những “mầm xanh” của biên giới và đây cũng là một chương trình ý nghĩa nhằm tri ân đồng bào biên giới bao năm qua đã kề vai, sát cánh cùng những người lính Biên phòng gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Kim Nhượng

Bình luận

ZALO