Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 12:10 GMT+7

Ứng xử khi bị kẹt giữa các đồng nghiệp đang cạnh tranh nhau

Biên phòng - Việc cạnh tranh nơi công sở không phải là chuyện lạ, đôi khi còn rất gay cấn, kịch tính hơn cả những bộ phim trên màn ảnh. Giữa cuộc cạnh tranh đó, nếu bạn không lanh trí thì khó tránh khỏi nguy cơ đánh mất các mối quan hệ. Vậy làm thế nào để “sống sót” giữa môi trường ấy? Hãy tham khảo một số “bí kíp” hữu dụng sau đây nhé.

Giữ mình trung lập

Lan truyền thông tin xấu, có những hành động và thái độ cố tình phản bác nhau là “chuyện thường ngày ở huyện” khi các đồng nghiệp đối đầu nhau trong công việc. Điều tệ hại hơn, những chiêu trò “hạ bệ” nhau phần lớn có thể thông qua bạn. Và nếu không muốn biến mình thành những “quân cờ” thì hãy tỉnh táo, khéo léo để không bị cuốn vào guồng quay đó. Hãy đưa công việc làm yếu tố tiên quyết trong mọi tình huống, mọi thương thuyết, thảo luận.

Trưởng phòng Nhân sự Công ty tuyển dụng và tìm kiếm việc làm nhanh CareerLink chia sẻ, hãy cố gắng giữ mình ở vị trí trung lập trong mọi tình huống. Chắc chắn, đồng nghiệp nào cũng sẽ tìm cách “chiêu dụ” bạn về phe mình nhằm củng cố thế lực, thế mạnh cho bản thân. Vì vậy, bạn cần một khoảng cách an toàn với họ. Dù bạn không hề có ý xấu nhưng nếu quá thân thiết với một trong số họ thì mặc định người kia sẽ cho rằng bạn thuộc “phe” của đối thủ, điều đó hoàn toàn không có lợi cho bạn. Nên nhớ ai cũng là đồng nghiệp, một khi họ đã “để mắt” đến bạn thì lúc nào bạn cũng có thể trở thành “tấm bia” thay thế đối thủ của họ.

Nghe theo lẽ phải

Khi các đồng nghiệp mâu thuẫn, chắc chắn công việc của bạn cũng bị vạ lây. Bạn sẽ làm thế nào nếu như cùng một công việc mà mỗi người có một ý kiến hoàn toàn “chỏi” nhau. Nếu trong tình huống bắt buộc bạn phải chọn hướng giải quyết, hãy lựa chọn “lẽ phải”. Hãy chọn cách theo bạn sẽ tốt nhất, mang lại hiệu quả cao nhất cho công việc và hãy làm thật tốt công việc đã được giao.

Nên nhớ, tiêu chí hàng đầu để đánh giá về bạn là thông qua kết quả công việc của bạn. Nếu bạn hoàn thành công việc với hiệu quả tốt nhất thì không đồng nghiệp nào có thể xem thường bạn. Ngược lại, nếu biết sai mà bạn vẫn chọn lựa dẫn đến công việc thất bại sẽ là cái cớ lớn nhất để mọi người đánh giá thấp bạn.

Buôn khả năng, đừng buôn “dưa lê”

Nên nhớ, công ty trả lương để mua tài năng của bạn và những thứ bạn nên làm là mang lại thành công, hiệu quả trong công việc. Trong cuộc cạnh tranh của đồng nghiệp thì việc dèm pha, đàm tiếu, thị phi sẽ đầy rẫy. Nếu bạn đã đứng ở vị trí trung lập thì cũng đừng nên tham gia vào những trận “đấu khẩu” của đồng nghiệp, đừng trở thành những “bình luận viên” hay “anh hùng bàn phím” trong cuộc cạnh tranh đó. Người ta thường bảo “nói dài, nói dai thành ra nói… dại” và đừng quên chốn công sở lắm “tai vách mạch rừng”. Một lời nói bạn vô tình buột miệng thốt ra, bạn sẽ là người đầu tiên lãnh hậu quả.

Tử tế, chân thành với tất cả mọi người

Ngoài việc giữ cho mình trung lập trong cuộc cạnh tranh của những đồng nghiệp thì hãy đối xử tử tế, chân thành với tất cả mọi người. Chẳng ai có thể hoài nghi, ghen ghét, tìm cách đối phó với người luôn đối xử chân thành, tử tế với người khác. Hãy luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp trong công việc nếu bạn có khả năng. Tuy nhiên bạn nên nhớ ranh giới của sự chân thành, tử tế và bao đồng, giả tạo đôi khi chỉ mong manh như sợi chỉ mành treo chuông. Bạn cần phân biệt rõ ràng các khái niệm này để tránh tác dụng ngược, đặc biệt là trong tình huống nhạy cảm khi giữa các đồng nghiệp đang có những mâu thuẫn khó có thể dung hòa.

Hy vọng rằng với những chiến thuật phòng thân mà bài viết chia sẻ sẽ giúp bạn “vững như kiềng ba chân”, tập trung cho công việc trước những sóng gió, thị phi đến từ cuộc cạnh tranh của các đồng nghiệp. Chúc bạn thành công!

Mai Hương

Bình luận

ZALO