Biên phòng - Sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ đã tạo ra những thay đổi lớn trong cách tiếp nhận và hoạt động trao đổi thông tin của con người trong xã hội hiện đại. Việc tiêu thụ thông tin từng bước được số hóa và những thông tin truyền phát trên "mạng ảo" đã tạo ra những thách thức lớn đối với ngành công nghiệp truyền thông, trong đó có các phương tiện truyền thông truyền thống đang phải "oằn mình" chống chọi với sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông mới. Vậy làm thế nào để các phương tiện truyền thông cổ điển sản xuất ra các sản phẩm truyền thông phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của công chúng truyền thông hiện nay?
Tính đến nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của báo điện tử, chúng ta có thêm hàng ngàn website, blog cá nhân trên mạng. Sự phong phú về thông tin trên mạng Internet cũng kèm theo nhiều hệ lụy khó lường, gây nhiễu loạn thông tin, trong đó, xuất hiện không ít thông tin độc hại, với sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo ra hiệu ứng đám đông, đôi khi làm rối loạn thông tin.
Trong "xã hội ảo" đó, nếu mọi người biết sử dụng mạng Internet một cách nhân văn, nó trở thành một kênh giao tiếp giải trí lành mạnh, hỗ trợ đắc lực cho cuộc sống của con người, thúc đẩy xã hội phát triển.
Tác hại của việc "chính thống hóa" tin đồn
Cuối năm 2012, đầu năm 2013, nhiều cư dân mạng đã lan truyền các thông tin vô căn cứ về gạo giả; trong sữa - trứng - bánh yoyo có đỉa, mì ăn liền xuất hiện sinh vật lạ... càng làm cho cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Điển hình, ngày 16-8-2013, sự kiện hàng trăm người dân hiếu kỳ đổ về nhà bà N.T.X (ở xóm Đông Đoài, xã Thạch Hà, TP Hà Tĩnh) để chứng kiến "sinh vật lạ" ngoe nguẩy, co giãn như con đỉa trong tô mì tôm. Nhiều trang mạng sau đó liên tiếp đưa tin dồn dập và mô tả khá chi tiết rằng: Sáng hôm đó, bà N.T.X đã pha hai gói mì tôm "ba miền" vào tô. Khi con trai bà vừa dùng xong, trong tô vẫn còn lại một ít sợi mì và nước, bà thấy có cái gì ngoe nguẩy trong đó nên vội hất xuống sàn nhà, rồi gọi người nhà lên xem.
Thông tin đó được lan nhanh trên các trang mạng xã hội khiến người tiêu dùng sợ mì tôm, thậm chí có người còn bài xích loại "thực phẩm bẩn" này. Sau đó không lâu, Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia đã chính thức kết luận: "Không phát hiện sinh vật lạ trong mì tôm "ba miền" và sản phẩm này đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế".
Theo phân tích của Cục An toàn thực phẩm, mì tôm là sản phẩm trong quá trình chế biến có xử lý ở nhiệt độ cao (trên 100 độ C), được bao gói kín nên chắc chắn "sinh vật lạ" có trong mì tôm ở nhà bà N.T.X là do xâm nhập từ môi trường bên ngoài vào trong quá trình sử dụng.
Ngoài những tin đồn nêu trên, nhiều tin đồn khác đã khiến công chúng mất niềm tin vào những sản phẩm mà họ sử dụng hằng ngày như thịt, trứng, gạo... Có thể chỉ là một câu chuyện phiếm, hoặc chỉ với mục đích câu khách, rẻ tiền lại gây ra những hậu quả nặng nề cho những người trong cuộc, dẫn đến công chúng tỏ ra mất niềm tin khi đọc những thông tin trên báo chí.
Ví dụ thứ hai, ngày 24-7-2013, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã gửi công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm những trang mạng, báo điện tử đưa thông tin vô căn cứ về "Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần 3 năm 2013". Nạn nhân mới nhất của sự "hợp tác" giữa tin đồn và báo mạng chính là tân Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013 Nguyễn Thị Ngọc Anh. Đăng quang tối 26-6-2013, tại Quảng Nam, chưa kịp vui mừng với danh hiệu cao nhất cuộc thi, thì vài ngày sau, thông tin cô mua giải với giá 1,5 tỷ đồng, có quan hệ tình cảm với cậu con trai chưa tròn 16 tuổi của bà Kim Hồng, Phó Ban tổ chức cuộc thi đã được đưa ầm ĩ trên nhiều trang báo mà không hề có bằng chứng rõ ràng, thuyết phục nào...
Cần sự tỉnh táo của nhà báo
Qua những ví dụ trên có thể thấy, với sức truyền tải nhanh chóng, những tin đồn trên mạng luôn được lan rộng theo cấp số nhân khiến tâm lý công chúng tỏ ra hoang mang không phân biệt được đúng sai.
Thực tế cho thấy, việc đăng tải những thông tin theo hướng tích cực sẽ rất tốt để công chúng biết cách phòng tránh. Tuy nhiên, không ít tin đồn "chễm chệ" trên các trang mạng, thậm chí xuất hiện trên vài tờ báo chính thống (đưa tin theo kiểu giật gân, câu khách) chưa được kiểm chứng thực hư.
Điều đó không những tác động trực tiếp đến tâm lý của công chúng, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, chính trị, uy tín và danh dự của tổ chức, cá nhân nào đó, thậm chí dẫn đến bất ổn xã hội.
Vấn đề nhà báo sử dụng tin đồn trên mạng để "chính thống hóa" bài báo của mình không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà xuất hiện nhiều ở các nước trên thế giới, gây hoang mang dư luận xã hội, ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh, chính trị đất nước. Qua những sự việc nêu trên, có thể rút ra một số vấn đề như sau:
- Thứ nhất, báo chí cần thận trọng trước tin đồn trên mạng xã hội. Một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận hiện nay là một số phóng viên, cộng tác viên của các tờ báo điện tử, trang tin điện tử đang "hoành hành", gây rối loạn thông tin, nhất là báo chí tiếp tay cho tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội.
- Thứ hai, báo chí không chỉ là nơi cung cấp thông tin chính xác, bổ ích cho độc giả, mà còn phải định hướng dư luận xã hội, bác bỏ những tin đồn thất thiệt. Không phải vấn đề nào cũng có thể đưa lên mặt báo, mà đòi hỏi người làm báo cần có sự "nhạy cảm nghề nghiệp" trong chọn lựa, xử lý và có liều lượng thông tin.
- Thứ ba, trong môi trường thông tin đa chiều, báo chí cần phải "vun đắp" niềm tin cho công chúng. Khi khai thác thông tin trên mạng xã hội, nhà báo luôn phải nhớ rằng, báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển. Để làm tốt chức năng ấy, báo chí trước hết phải tôn trọng sự thật và "vun đắp" niềm tin cho công chúng của mình.
- Thứ tư, để chiếm lĩnh và làm chủ không gian trên mạng Internet, các cơ quan báo chí, đặc biệt các nhà báo luôn phải tỉnh táo, ứng xử một cách linh hoạt để có những bài viết chính xác, đưa ra cảnh báo cũng như hệ lụy của những tin đồn gây hại cho đất nước, dân tộc...
Nếu nhà báo không có sự sàng lọc, kiểm chứng nguồn tin để tin đồn "tung hoành" trên báo chí, vô hình trung vai trò và uy tín của báo giới trong mắt của công chúng bị hạ thấp, lòng tự trọng nghề nghiệp của những người làm báo chân chính bị tổn thương nặng nề.