Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 28/05/2023 03:48 GMT+7

Ứng phó trong mùa dịch

Biên phòng - Những ngày gần đây, bên cạnh nỗ lực tháo gỡ của cơ quan chức năng, với tinh thần tương thân, tương ái, nhiều tổ chức, cá nhân cũng tích cực vào cuộc “giải cứu” nông sản cho nông dân Hải Dương. Gần nghìn tấn nông sản được tiêu thụ trong những ngày qua tuy chưa thấm vào đâu so với lượng tồn đọng, song cũng phần nào giúp người dân Hải Dương cảm thấy ấm lòng bởi sự chung tay của cả nước.

Ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương thống kê còn khoảng 4.000ha rau vụ đông đang đến thời điểm thu hoạch với sản lượng hơn 90.000 tấn bị ách tắc trong thu mua, vận chuyển do toàn tỉnh đang phải cách ly xã hội và nhiều khu vực thực hiện phong tỏa.

Kinh tế Hải Dương có độ mở rất lớn, giao thương đan xen không chỉ với thế giới mà với các tỉnh, thành phố khác trong toàn quốc. Hàng hóa nông sản Hải Dương sản xuất ra chỉ tiêu thụ khoảng 20% trong địa bàn tỉnh, còn lại 80% là xuất khẩu và lưu thông sang các tỉnh khác. Trong lĩnh vực công nghiệp, nhiều mặt hàng sản xuất tại Hải Dương là sản phẩm gia công, nguyên liệu đầu vào, lắp ráp theo chuỗi ở các nhà máy tại các tỉnh, thành khác.

Dịch bệnh khiến nhiều địa phương tạm dừng lưu thông, vận chuyển hàng hóa với Hải Dương đã gây ra những khó khăn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của Hải Dương mà còn tác động tiêu cực đến vùng tứ giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Hải Dương.

Thế nên, hiện tượng “ngăn sông cấm chợ” tại nhiều “tâm dịch” thời gian qua đang gây ách tắc chuỗi sản xuất. Mặt hàng nông sản thiệt hại lớn nhất do khâu bảo quản kém. Nhiều cơ sở sản xuất bị gián đoạn nguồn nguyên vật liệu buộc phải dừng hoạt động, công nhân phải nghỉ việc. Từ việc đứt gãy các chuỗi cung ứng, không ít doanh nghiệp điêu đứng vì vi phạm hợp đồng, thậm chí mất luôn bạn hàng và thị trường.

Trở lại câu chuyện “giải cứu” nông sản vừa qua cho thấy, các địa phương trong vùng dịch chưa có kịch bản vận hành lưu thông hàng hóa, nông sản trong tình trạng bị phong tỏa, giãn cách xã hội. Bài toán tiêu thụ nông sản như thế nào để tổn hại kinh tế ít nhất cho người nông dân đang thực sự nan giải đối với nhiều địa phương không chỉ riêng tỉnh Hải Dương.

Dù tỉnh Hải Dương đã áp dụng nhiều biện pháp đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện tốt nhất cho việc vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ, đặc biệt là nông sản xuất khẩu... Nhưng hàng chục nghìn tấn rau, củ, quả của tỉnh Hải Dương sẽ bị hỏng ngay trên ruộng, nếu không được tiêu thụ trong tuần tới, thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia chỉ ra, nếu thực hiện thấu đáo trạng thái “bình thường mới” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, thì nhiều địa phương sẽ chủ động ứng phó hiệu quả với các tình huống mới phát sinh và không để xảy ra ách tắc lưu thông hàng hóa.

Theo phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp, việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm Covid-19 của Bộ Y tế trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp, dẫn đến nông sản bị tồn ứ trong nước và chưa xuất khẩu được. Bởi, thiếu hướng dẫn cụ thể đối với hàng hóa là động vật, thực vật, thực phẩm - loại hàng hóa không thể khử khuẩn bằng hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế.

Trong khi Tổ chức y tế thế giới cho biết, rủi ro lây lan dịch qua việc giao nhận hàng hoá là rất thấp, nếu thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K” trong phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho người giao, nhận hàng hóa.

Do vậy, Bộ Y tế cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc xác nhận hàng hóa, nông sản an toàn, đồng thời, loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng đối với hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ vùng đang có dịch.

Thiết nghĩ, để cả nước vững vàng trong trạng thái “bình thường mới”, các ngành, các địa phương cần sớm xây dựng những kịch bản ứng phó thống nhất, đồng bộ giữa trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO