Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:29 GMT+7

Ứng phó bão Vamco khi "vết thương" chưa lành

Biên phòng - Chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Trung khắc phục chưa xong thiệt hại từ cơn bão số 9 thì bão số 13 ập vào. Người dân và chính quyền đã thực hiện phương châm 4 tại chỗ như thế nào? Phương án phòng, chống bão theo kinh nghiệm dân gian; phòng, chống bão cộng đồng là bài học cho các địa phương khác.

Phương pháp neo tôn bằng bao cát treo của vợ chồng ông Nguyễn Tin ở làng chài An Cường (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) tiện lợi và hiệu quả trong phòng, chống bão. Ảnh: Văn Chương

Giờ G, dự đoán

Lúc 12 giờ trưa ngày 14-11, đường phố ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế… trở nên vắng vẻ trước lệnh “cấm ra đường từ lúc 12 giờ để phòng, chống bão số 13”. Ngoài mặt hàng rau, thịt được nhiều người tranh thủ mua, thì băng keo dính để dán cửa kính, chống mảnh vỡ vụn cũng được các hộ gia đình chú ý. Theo dự báo thì bão số 13 sẽ quét từ tỉnh Quảng Ngãi cho đến tỉnh Quảng Bình. Trưa 14-11, một người dân ở địa bàn huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tới lúc này thì bước sóng ở các bãi san hô chưa cao, nên khả năng chỉ bị ảnh hưởng nhẹ và bão sẽ ra Thừa Thiên Huế. Những người già sống ở làng chài có kinh nghiệm dân gian là nhìn sóng va đập vào dải san hô trước lúc bão vào cũng dự đoán chính xác được mức độ ảnh hưởng của bão.

Nhà cửa của nhiều người dân ở các tỉnh miền Trung vừa kịp khắc phục sau bão số 9, một số nhà bị thiệt hại nặng chưa kịp sửa chữa, vì các cơn bão sau tiếp tục ập vào. Những nơi nào thực sự được xem như vết thương hở, có thể tiếp tục phát sinh “bệnh”? Theo kinh nghiệm quan sát của tôi, đối với các huyện miền núi, vùng có nguy cơ sạt lở cao, giờ G chính thức bắt đầu sau khi cơn bão lắng xuống. Còn ở miền xuôi, giờ G là thời điểm chính quyền cấm người dân ra đường.

Ông Lê Ngọc Hà, 60 tuổi, người dân tộc Ca Dong ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam chỉ cho tôi những cây cổ thụ đổ gục, những rừng keo tràm trên núi ngã rạp rồi phân tích nguyên nhân sạt lở núi theo kinh nghiệm dân gian: “bão lay cây, xoay gốc cây liên tục, sau đó mưa lớn và nước ngấm vào lòng núi, không trượt trên bề mặt, cả túi nước và bùn đó từ từ ục xuống chứ không phải nguyên nhân báo đăng”.

"Mặc áo" cho nhà

Chính quyền khuyến cáo người dân phòng, chống bão số 13 thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, nhắn tin SMS, Zalo. Tuy nhiên, người dân ở miền Trung thì đã "lên dây cót” phòng, chống bão từ thời điểm bão số 9, nên đã góp phần giảm bớt thiệt hại. Ở nhiều địa phương ven biển, người dân vẫn để nguyên dây neo nóc nhà, bao cát, cây chốt cửa, bắt vít lên mái tôn.

Nhiều ngôi nhà ở vùng biển Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế tránh được thiệt hại nhờ tủ lưới. Ảnh: Văn Chương

Tại vùng biển xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, chiều 13-11, nhiều người dân lấy “bửu bối” phòng, chống bão ra để phòng, chống cơn bão mạnh. Ông Huỳnh Ngọc Hùng và vợ buộc dây, lôi tấm lưới phủ lên mái nhà. Đây là loại lưới cước có màu xanh, mắt lưới nhỏ, sợi lớn, giống như lưới ngư dân thường đánh giã cào. Lưới được phủ kín trên nóc nhà, buộc thắt nút và kéo vít xuống mặt đất. Các điểm như viền mái, góc mái đều được thắt nút dây. Ông Hùng cho biết “cột như ri thì bão đi sao cũng ổn hết”. Sau bão tôi trở lại và chứng kiến ngôi nhà không hề sứt mẻ, trong khi những nhà xung quanh đều bay mái tôn, tốc ngói.

Một số gia đình khác thì phủ lưới trũ, là loại lưới chuyên đánh bắt ruốc biển (nhỏ như que tăm), có mắt lưới rất nhỏ. Lưới kéo căng ở các góc và cũng ghim chặt xuống đất. Sau bão, tôi quay trở lại để xem hiệu quả phòng, chống bão theo cách của người dân và cũng đều ghi nhận là khá tốt, không có một viên ngói nào bay. Bà con cho biết “thời trước chưa phủ lưới thì nghe tiếng gió rất to, tôn phập phồng, nhấp nhô muốn bay, còn khi phủ lưới thì mái nhà không bị ảnh hưởng gì”.

Miền núi là vùng nhạy cảm với sạt lở núi. Trước khi bão số 13 đổ bộ, BĐBP Quảng Nam và các lực lượng tham gia tìm kiếm người mất tích ở 2 xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) và xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) đã tạm dừng lại. Lực lượng tìm kiếm đã có kinh nghiệm hơn trong việc “nhìn núi” đoán sạt lở. Đó là chú ý vào những dòng suối chảy ra từ khe núi, nơi nào có dòng suối đục ngầu bùn đất thì đó là nơi nước đang “khoét” núi, những khu vực đó rất dễ đổ sập cả mảng núi.

Mặc dù chính quyền và người dân đã lên dây cót phòng, chống bão nhưng cũng có những nơi thì phải phó mặc cho thiên nhiên. Đó là những khu dân cư ven biển sau bão số 9 bị sóng xâm thực, bào mòn, hạ thấp bờ biển và sóng tiến rất sâu về hướng đất liền. Ở các khu vực như bờ biển thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), thôn An Cường (xã Bình Hải, Quảng Ngãi), người dân đều đã tạm rời bỏ nhà cửa trước khi bão tới.

Sơ tán hay tìm chỗ?

Sáng 13-11-2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai với các địa phương từ Thanh Hóa đến Bình Định để ứng phó với bão số 13. Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương nằm trong phạm vi ảnh hưởng của bão số 13 phải rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú bảo đảm an toàn; đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và thuyền viên ở nơi neo đậu tránh trú bão.

Xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế bị sóng biển xâm thực, sau bão sóng lấn vào khu dân cư khoảng 20m. Một số thanh niên đã trụ lại trong các ngôi nhà kiên cố để phối hợp với lực lượng BĐBP và chính quyền địa phương bảo vệ tài sản của nhân dân. Ảnh: Văn Chương

Tuy nhiên, trong bão số 13, có 17 tàu thuyền bị bão đánh chìm, hoặc đẩy lên cạn và tập trung nhiều nhất là tại cửa biển Thuận An, tỉnh Thừa Thiên Huế. Kinh nghiệm neo tàu chống bão được nhiều ngư dân chia sẻ: khi bão ập vào thì liên tục đảo gió, nếu neo tàu không tính tới lúc gió thổi ngược thì tàu dễ bị đâm va và chìm tại chỗ; tiếp nữa là hệ thống thoát nước trên tàu phải đảm bảo, vì mưa trút xuống boong tàu, nếu trên tàu để vương vãi giẻ rách, lưới vụn thì những vật dụng này sẽ trôi và lấp lỗ thoát nước bên hông tàu dẫn đến nước mưa tràn buồng máy và chìm tàu.

Bão số 13 (Vamco) đã làm 19 người bị thương, 6 ngôi nhà bị sập, 5.755 nhà bị hư hỏng, tốc mái. Bão số 13 cũng làm 17 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng tại nơi neo đậu...

Chính quyền địa phương và BĐBP các tỉnh đã sơ tán hơn 320.000 người dân đến nơi an toàn trước khi bão số 13 đổ bộ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu hết cụm từ “nơi an toàn”, cho rằng là phải “bốc” người đi. Nhưng thực tiễn thì ngược lại. Trong đêm 14-11, nhiều thanh niên tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến khu vực hàng quán nằm dọc bờ biển để giúp người dân vận chuyển toàn bộ đồ đạc. Đến 1 giờ sáng ngày 15-11, những thanh niên này đã di tản về những ngôi nhà dân được xây dựng kiên cố gần đó để tránh bão. Ở nhiều địa phương tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, người dân cũng tổ chức “tìm chỗ” ngay tại làng chài để khi cần thì chạy đi hỗ trợ lực lượng BĐBP phòng, chống bão.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO