Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 30/05/2023 05:58 GMT+7

“Ứng pháp diệu phục” - trang phục áo dài ở chốn tôn nghiêm

Biên phòng - Không chỉ là một người trẻ khởi nghiệp, một thương hiệu thời trang được dày công gây dựng, mà câu chuyện Trần Hoa Linh ra mắt một bộ sưu tập áo dài Việt Nam dành riêng cho phụ nữ đi lễ chùa đã chứa đựng cả một sự trăn trở, nghĩ suy về bảo tồn văn hóa của ông cha ta. Vẫn biết mặc sao cho có văn hóa là mục tiêu của bất cứ dân tộc nào, nhưng truyền thông lan tỏa sự ảnh hưởng đó ra cộng đồng thì không phải lúc nào cũng tiện làm. Ngay cả cái tên của bộ sưu tập này - “Ứng pháp diệu phục” đã mang chứa ý nghĩa không chỉ là “mặc” mà phải “mặc có văn hóa”.

5b88a72e455714bad80004c3
Ra mắt bộ sưu tập áo dài Việt Nam mang tên “Ứng pháp diệu phục” của nhà thiết kế Trần Hoa Linh (thứ ba từ trái qua). Ảnh: TTH

Trên thế giới, bất cứ một quốc gia nào cũng có quy tắc nghiêm về quy cách trang phục đối với những người tới thăm viếng những nơi tôn nghiêm trong tín ngưỡng, tôn giáo trên đất nước của họ. Thậm chí, có những khu vực dù dành cho khách tham quan, nhưng trang phục bất kính và phản cảm bị cấm ngặt. Dù ai và ở tầng lớp văn hóa nào khi vào đền, chùa, nơi thờ tự, đều phải quấn thêm vải che ra ngoài trang phục để đảm bảo sự tôn kính.

Ở nước ta, mặc dù  phong tục, tín ngưỡng, nếp đi lễ chùa quanh năm, nhất là dịp lễ, Tết đã có truyền thống nhiều thế kỷ, trở thành một nét đẹp trong phong cách lối sống của người Việt, nhưng mặc trang phục như thế nào để vừa đẹp, vừa tiện dụng, vừa tôn kính nơi linh thiêng lại có rất nhiều người không để ý, không coi trọng.

Nhà thiết kế Trần Hoa Linh trăn trở: “Tôi quan sát thấy giới trẻ bây giờ nhiều người đi lễ chùa mà mặc trang phục không phù hợp. Trong khi đó, bộ áo dài truyền thống của người Việt trong quan niệm của nhiều người vẫn là một “lễ phục” có đủ các yếu tố: Đẹp, duyên dáng, hàm chứa văn hóa và tinh thần của người mặc. Tôi mong muốn được cung cấp cho các bà, các mẹ, các chị, các em gái một kiểu trang phục áo dài cách tân đẹp, tinh tế, nhưng phải đảm bảo tính ứng dụng, được may và thêu thủ công trên chất liệu vải co giãn thoải mái và không nhăn. Có như thế, người mặc mới tự tin di chuyển, trang phục mới có thể hòa nhuyễn với tổng thể khung cảnh tôn nghiêm của những nơi thờ tự”.

Nhà thiết kế Trần Hoa Linh sinh ra trong một gia đình giáo chức, bản thân chị đã từng là một giáo viên, con gái của một nhà giáo ưu tú có nghề may đo gia truyền nhiều đời. Nghệ thuật may đo trang phục khéo léo của phụ nữ đồng bằng Bắc bộ xưa, đến nay phần lớn đã thất truyền thì cũng là lúc người ta nhận ra rằng đó là một tài sản văn hóa. Thói quen mặc những trang phục độc bản, được may đo riêng trở thành một thú chơi quý tộc. May đo áo dài và cho ra đời ý tưởng thiết kế áo dài dành riêng cho phụ nữ đi lễ đền, chùa là một quá trình trăn trở suy tư của nhà thiết kế trẻ Trần Hoa Linh.

Chị theo đuổi nghề truyền thống của gia đình, tô điểm vẻ đẹp của phụ nữ hiện đại, giữ lại nét truyền thống của ông bà ta đồng thời cách tân để phù hợp với vẻ hiện đại tươi trẻ của phụ nữ ngày nay. Chữ “Diệu” của tên bộ sưu tập “Ứng pháp diệu phục”, Trần Hoa Linh dành để nói đến sự tinh tế đẹp đẽ, đồng thời đề cao sự xuất sắc nhiều mặt của áo dài Việt Nam; để nói về con đường có phần ngoạn mục của chị khi kết hợp được một loại trang phục khó ứng dụng nhất là áo dài vào một nét văn hóa mang tinh thần của đạo Phật, đó là việc đi lễ chùa.

Chị Linh chia sẻ, giá trị của một bộ trang phục áo dài “Ứng pháp diệu phục” không nằm ở sự làm quá lên để hướng đến sự lộng lẫy hay sang trọng cao cấp, mà ở những tâm huyết mà các nghệ nhân gửi vào từng đường kim, mũi chỉ. Có những chi tiết hình thêu trên áo dài, nhóm nghệ nhân phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thành. Bộ trang phục có hồn cốt, có tinh thần hay không, phụ thuộc vào tình cảm, sự tâm huyết của các nghệ nhân.       

Những thiết kế trong bộ sưu tập “Ứng pháp diệu phục” của Trần Hoa Linh có kiểu dáng phù hợp với việc đi lễ chùa. Áo xẻ 4 tà ngắn, chất liệu mỏng, gọn nhẹ, không nhăn mang lại cảm giác thoáng mát, thoải mái. Bên cạnh đó, họa tiết và màu sắc của những bộ áo dài rất nhã nhặn, mang tinh thần văn hóa Phật giáo, được thêu đính bằng tay cầu kỳ với các họa tiết như Phật bà Quan âm, đóa hoa sen...

Trong lễ ra mắt bộ sưu tập áo dài “Ứng pháp diệu phục”, nhóm thực hiện dự án của nhà thiết kế Hoa Linh trình chiếu một bộ phim ngắn về văn hóa đi lễ chùa được thực hiện tại vùng non nước Ninh Bình nổi tiếng sơn thủy hữu tình và quen thuộc với tín ngưỡng chiêm bái đền chùa của dân tộc Việt. Đây là những thước phim bổ sung vào kho tàng nét đẹp văn hóa về trang phục, về tín ngưỡng rất có ý nghĩa. Một lần nữa, thương hiệu áo dài của Trần Hoa Linh được mở rộng lan tỏa, mang đi nét đẹp văn hóa của phụ nữ đồng bằng Bắc bộ.

Trần Hoa Linh tiết lộ rằng, chị có một gia đình giàu truyền thống và tâm huyết với việc bảo tồn gìn giữ văn hóa dân tộc. Đồng thời, chồng chị là một cán bộ Biên phòng, luôn ủng hộ, khuyến khích và tạo động lực cho những ý tưởng sáng tạo của chị trở thành hiện thực và phục vụ cuộc sống.

Trương Thúy Hằng

Bình luận

ZALO