Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 13/09/2024 05:59 GMT+7

Ứng dụng khoa học công nghệ nâng tầm giá trị nông sản

Biên phòng - Làn sóng dịch Covid-19, cùng với sự biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của cả nước. Trong bối cảnh khó khăn đó, nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, chế biến nông sản vẫn trụ vững nhờ ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất, nâng cao được giá trị nông sản, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của thị trường nhập khẩu.

Từ cây sen, nhờ ứng dụng công nghệ, tỉnh Đồng Tháp chế biến thành rất nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như trà sen, sợi từ tơ sen... Ảnh: Bích Nguyên

Gia tăng chuỗi giá trị cho nông sản

Nhằm khai thác tối đa hiệu quả về sản xuất cây ăn quả và thủy sản, những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, trái cây. Điển hình, có thể kể đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất (1 chạm - 5 biết, sử dụng phân bón thông minh, bẫy đèn thông minh, mô hình phun thuốc bằng máy bay không người lái). Đồng Tháp còn có các mô hình nổi bật khác như mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá - Aquaponics, ứng dụng công nghệ sinh học cấy mô trên cây hoa kiểng, sản xuất tinh luyện dầu cá; sản xuất lúa hữu cơ, cây ăn trái hữu cơ, sản xuất dưa lưới trong nhà lưới của Công ty Ecofarm...

Với việc ứng dụng KHCN, Đồng Tháp đã nâng tầm giá trị của nhiều loại nông sản đặc trưng của địa phương, ví dụ như cá tra, không chỉ là một loại thực phẩm chế biến nhiều món ăn khác nhau, mà còn được phát triển thành các sản phẩm collagen và gelatin chiết xuất từ da cá tra. Còn cây sen đã được nâng tầm giá trị với rất nhiều sản phẩm đa dạng như sen sấy, trà hoa sen, bột sữa sen, nhang sen. Đặc biệt, từ cây sen hiện còn hình thành làng nghề dệt sợi từ tơ sen để sản xuất vải lụa - ngành công nghiệp tiềm năng và có giá trị kinh tế cao. Từ quả xoài, qua ứng dụng KHCN, Đồng Tháp đã chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau, có giá trị cao hơn như: Rượu xoài, mứt xoài, xoài sấy dẻo...

Cũng nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, Đồng Tháp đã tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp chế biến thành các sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế như sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản từ phụ phẩm da và xương cá tra; chiết xuất tinh chất (dầu cám, dầu quýt, cam...) từ các loại vỏ.

Tương tự như Đồng Tháp, Sóc Trăng cũng đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất để nâng cao giá trị của các loại nông sản. Địa phương này đã xây dựng 8 chuỗi giá trị sản xuất trên các sản phẩm: gạo thơm ST24, trà mãng cầu hương vị đậm đà, trà mãng cầu hương vị thuần túy, trà mãng cầu túi lọc, gạo Tài Nguyên hiệu Phú Khang, nấm rơm đóng hộp, đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, nấm linh chi thái lát. Đây là các sản phẩm OCOP nổi bật của Sóc Trăng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, qua khảo sát, doanh thu bán từ các nhóm sản phẩm được chứng nhận OCOP của tỉnh Sóc Trăng đã tăng từ 10% đến 30%, đặc biệt, có sản phẩm được công nhận OCOP của công ty, doanh nghiệp tăng doanh thu lên đến 150% so với trước khi công bố.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất

Trong thời gian qua, Công ty Cổ phần Đại Thành đã áp dụng nhiều biện pháp giúp nâng cao giá trị ngành hàng rau quả như giảm tỷ lệ lao động con người, tăng tỷ lệ máy móc tham gia vào các khâu sản xuất; kiểm soát toàn bộ các khâu để tiện cho truy xuất nguồn gốc. Hiện, công ty này áp dụng máy bay không người lái (drone) để gieo hạt, giảm mạnh chi phí cho nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, Công ty Đại Thành còn sử dụng máy bay viễn thám thu thập dữ liệu sâu bệnh, cỏ dại, dự báo năng suất, giúp nông dân không bị động trong tiêu thụ. Phương tiện này đã áp dụng hiệu quả tại Bắc Giang, trong việc dự báo 250.000 tấn vải được thu hoạch đúng dịp. Trong khi đó, thiết bị giám sát côn trùng, đo độ PH, giúp nông dân chủ động trong trị sâu bệnh. Các loại máy này được kết nối thông qua hệ thống DtsmartAG, kết nối được cả với smartphone, giúp nông dân ít phải ghi chép mà vẫn kiểm soát được toàn bộ quá trình, bao gồm cả hàm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Với việc ứng dụng công nghệ và xử lý nhanh rơm rạ tươi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhiều địa phương đã tận dụng được phế phẩm rơm rạ như một loại phân bón, tăng dinh dưỡng cho đất, giảm sâu bệnh. Bà Bùi Thị Hồng Hà, Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, giải pháp xử lý nhanh rơm rạ tươi trên ruộng đã được ứng dụng diện rộng tại các mô hình ở 3 miền Bắc, Trung, Nam với quy mô trên 50ha. Kết quả cho thấy, giảm phân hóa học tổng hợp từ 30-50% tùy lượng rơm rạ để lại trên đồng; giảm 30-50% lượng thuốc bảo vệ thực vật tùy thói quen phun phòng sâu bệnh của địa phương. Cá biệt, có nơi không còn phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Một số vùng có thói quen dùng đến 9 lần phun thuốc/vụ lúa đã cắt giảm chỉ còn 2-3 lần phun thuốc.

Theo bà Hà, các giá trị khác thu được như giá bán lúa đã được thị trường chấp nhận mua cao hơn, chất lượng hương và vị hạt gạo tăng rõ rệt, chất lượng đất tốt, bùn nhiều, sức khỏe cây trồng tốt và xanh lá đến khi thu hoạch, sức khỏe người nông dân tăng tỉ lệ thuận với mức độ giảm thuốc bảo vệ thực vật trong chăm sóc lúa.

Hiện tại, một số công nghệ nhằm nâng cao giá trị và chất lượng nông sản đang được giới thiệu để người nông dân ứng dụng như: Công nghệ san phẳng đồng ruộng bằng tia laser, tạo mức độ đồng đều về mặt trao đổi, giảm chi phí sản xuất; hệ thống công nghệ thông tin (IoT) đi vào sản xuất giúp kết nối các trang thiết bị, chia sẻ thông tin trong toàn mô hình trồng lúa (quản lý đất, nước, chất lượng cây trồng...); sử dụng máy bay không người lái hỗ trợ canh tác, bảo vệ sức khỏe người dân, tiết kiệm chi phí và tài nguyên; công nghệ quang phổ đa bước sóng chẩn đoán được tất cả các thông số liên quan đến vấn đề trồng trọt...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, KHCN đã có bước phát triển mới làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã tăng hiệu quả kinh tế từ 10 - 30%; góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, giá trị của nông sản.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO