Biên phòng - Mùa mưa bão năm 2019 diễn ra khá chậm so với các năm trước. Sẽ có 6-7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền. Trao đổi thông tin trong công tác phòng, chống lụt bão, từ Trung ương xuống các địa phương và các vùng dân cư bị cô lập, chia cắt là hết sức quan trọng. Phóng viên Báo Biên phòng đã phỏng vấn ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai. Ông Hoài cho biết:
Bão lớn có sức tàn phá rất khủng khiếp, ví dụ, cơn bão số 12 năm 2017 đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa. Chỉ một cơn bão quét qua đã làm chết mấy chục người, cuốn trôi nhiều công trình, cơ sở hạ tầng, tài sản mà con người phải gây dựng, tích lũy hàng chục năm mới có được. Vì vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta cần có phương án phòng, chống bão lớn ở trên biển, trên đất liền. Có phương án phòng, tránh ở những khu vực thường xuyên ngập lũ lớn.
Xả nước hồ chứa phải theo quy định của Thủ tướng
- Năm nay, theo dự báo của Trung ương, tình hình bão lụt diễn biến như thế nào, thưa ông?
- Năm 2019, thiên tai diễn ra rất bất thường, bão diễn ra muộn hơn so với mọi năm. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão trên Biển Đông đến muộn, ít hơn trung bình nhiều năm. Nhưng sẽ có những cơn bão mạnh, kèm theo mưa lớn trên diện rộng. Chủ động phòng, chống bão lụt là việc làm xuyên suốt từ Trung ương đến chính quyền các cấp, các cơ quan hữu quan. Người dân tuyệt đối không được chủ quan trước mọi thông tin của bão lũ. Phòng, chống tốt sẽ giảm được tổn thất về người và tài sản. Chính quyền các địa phương phải rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó với thiên tai, nhất là phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, lũ lớn để tránh bị động, lúng túng khi thiên tai xảy ra bất ngờ vào ban đêm.
- Vùng biển, đảo nước ta có nhiều vùng dân cư sinh sống với các cơ sở du lịch, nuôi trồng thủy sản, khu neo đậu tàu thuyền... Khi xảy ra bão, gần như những nơi này là “đầu sóng ngọn gió”. Vậy, cách phòng, chống bão ở khu vực này như thế nào?
- Người dân ở vùng ven biển, ngoài đảo bao đời nay đã phải chống chọi với bão tố, nên bà con có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống bão. Người dân ở từng vùng họ biết rõ chỗ nào kín gió, sóng êm để kéo lồng, bè thủy sản và tàu thuyền đến ẩn nấp. Chúng tôi chỉ yêu cầu bà con, khi xảy ra bão, tuyệt đối không ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản. Bài học từ cơn bão số 12 ở tỉnh Khánh Hòa làm chết nhiều người cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do người dân ở lại trên bè nuôi thủy sản nhiều. Bão lớn, sóng biển to sẽ phủ lên cả lồng, bè và tàn phá hết. Trong tất cả mọi tình huống, bà con không được chủ quan, mà cần thực hiện theo những thông tin của chính quyền và cơ quan chức năng đưa ra.
- Thực tế, trong nhiều năm qua, khi bão đến thường kèm theo mưa lớn. Các hồ chứa nước lớn ở miền Trung không xả nước trước, xong bão, nước đổ về hồ nhiều, họ bắt đầu xả nước tạo thành “lũ nhân tạo” ở các vùng hạ du. Theo ông, có biện pháp nào đối với các hồ chứa trong việc xả nước?
- Đúng là các hồ chứa có xả nước gây ngập ở hạ du, trời mà mưa quá lớn, ngoài sức chịu đựng của đập hồ chứa, buộc phải xả nước để đảm bảo an toàn hồ đập và các vùng dân cư. Hiện nay, các hồ chứa thủy điện lớn thuộc Tập đoàn Điện lực quản lý, đã lắp đặt hệ thống camera quan sát và chuyền dữ liệu về Trung ương quan trắc, giám sát lưu lượng nước ở hồ và quy trình xả lũ. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu các chủ hồ thực hiện đầy đủ quy định vận hành liên hồ chứa của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện nghiêm việc thông báo sớm cho các cơ quan chức năng, chính quyền và người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ. Các chủ hồ phải phối hợp, hỗ trợ cơ quan thường trực cấp tỉnh trong xây dựng bản đồ, công cụ hỗ trợ phục vụ điều hành hồ đảm bảo an toàn công trình và hiệu quả nguồn nước.
Ứng dụng mạng xã hội vào phòng, chống thiên tai
- Trong thời đại thông tin số hóa đang phát triển rất mạnh, công tác chỉ huy phòng, chống thiên tai được ứng dụng như thế nào?
- Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đang yêu cầu 100% các hồ chứa nước thủy điện, thủy lợi phải lắp đặt hệ thống giám sát điện tử. Tôi lấy ví dụ, trên một con sông có mấy hồ chứa nước ở thượng lưu và các nhánh sông. Nếu như mình không có hệ thống giám sát liên hồ chứa, khi xảy ra mưa lớn, các hồ đồng loạt xả nước, sẽ gây lũ lớn ở hạ du. Khi đã có hệ thống giám sát điện tử, nó sẽ tính toán lưu lượng nước của từng hồ và tổng nước đổ ra sông chính là bao nhiêu? Căn cứ những dữ liệu đó, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai Trung ương hoặc cấp tỉnh sẽ ra quyết định cho chủ hồ mức xả nước của từng hồ như thế nào cho an toàn hồ chứa và phía hạ du.
- Tại sao Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai lại mời mạng xã hội Facebook cùng tham gia phòng, chống thiên tai ở Việt Nam?
- Trong công tác phòng, chống thiên tai, việc giúp người dân nâng cao ý thức, chủ động phòng, tránh từ xa là nhiệm vụ rất quan trọng. Chính vì vậy, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã áp dụng nhiều kênh thông tin đại chúng, như tờ rơi, video, sổ tay, Website, mạng xã hội, tin nhắn... cho nhân dân nắm bắt sớm nhất tình hình bão lũ. Đặc biệt, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã mời Facebook đến hỗ trợ, đào tạo lực lượng quản trị, hướng dẫn các phần mềm để sàng lọc những tin không phù hợp. Tận dụng nền tảng bản đồ thiên tai của Facebook, bao gồm: Bản đồ mật độ dân cư, bản đồ phủ sóng Internet, bản đồ khả năng cung ứng điện, bản đồ di chuyển cư dân, bản đồ di dời chỗ ở, bản đồ trợ giúp cộng đồng...
Nhờ những bản đồ này, các thành viên của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai Trung ương, cấp tỉnh, huyện... dễ dàng nắm bắt tình hình và tương tác với người dân ở các vùng xảy ra thiên tai. Người dân sẽ thông báo với chính quyền, ở đó họ đang cần cái gì, họ bị tắc đường ở đâu, nước lũ ngập đến mức nào... Chỉ cần trên điện thoại thông minh có kết nối mạng, lãnh đạo đã tóm tắt được vùng dân cư của tỉnh, huyện như thế nào, để có những bước xử lý thích hợp. Đối với cơ quan Trung ương đã triển khai nội dung này rất mạnh mẽ và hiệu quả rất tốt, nhưng ở địa phương chưa quan tâm đúng mức. Chúng tôi tiếp tục đôn đốc, đào tạo cho các địa phương ứng dụng tốt mạng xã hội vào phòng, chống thiên tai.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Hải Luận (thực hiện)